Phúc Âm : Lc 4,21-30
“Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức
Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Do- Thái mà thôi”. (Lc 4,25-27)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
21 Người bắt đầu nói với họ : "Hôm
nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 22 Mọi người đều tán thành và thán
phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau : "Ông
này không phải là con ông Giu-se đó sao ?" 23 Người nói với họ : "Hẳn là
các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả
những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại
đây, tại quê ông xem nào !" 24 Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các ông :
không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông
hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải
đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến
giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền
Xi-đôn. 27 Cũng
vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en,
nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri
thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường
đầy phẫn nộ. 29
Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người
lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy
niệm:
Người việt hay dìm hàng
Người
Việt có câu "thà chết cả đống còn hơn sống một mình". Đây là câu cô đọng
về thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình, đôi khi lại còn muốn kéo mọi người xuống
ngang bằng với mình. Tôi cũng từng nghe một người đã nói giỡn vui rằng: “nếu mỗi
quốc gia đều có một chiếc chảo dầu dưới âm phủ cho những kẻ phạm tội bị thảy
vào thì chắc chắn chảo dầu của người Việt Nam không cần đậy nắp. Đơn giản, nếu
kẻ nào ngoi lên là ngay lập tức bị kéo xuống”.
Sự
đố kỵ là lý do dẫn đến người Việt hay ghen tương, dìm hàng, nói xấu, tẩy chay
nhau. Sự đố kỵ ấy lại thường xảy ra nơi những bà con láng giềng với nhau. Hai nhà đang sống cạnh nhau có thể rất thân
thiết khi cơ hàn như nhau, nhưng chắc chắn sẽ có chuyện khi một nhà tự dưng phất
lên. Sống trong một tập thể dường như có ai thành công thì ắt sẽ bị gièm pha,
nhòm ngó.
Sự
đố kỵ không chỉ muốn người khác thua kém mình mà thậm chí còn cầu mong cho họ gặp
thất bại cay đắng mới hả dạ.
Có
một nhà buôn rất sùng đạo. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả thế nào thì cũng không
bỏ việc cúng vái thần thánh. Lời khẩn cầu vang lên tới trời, và thần tiên xuất
hiện và ban cho ông ta những điều ước, nhưng với điều kiện sẽ cho hàng xóm ông
được gấp đôi. Ông vui mừng, nhưng rồi lại buồn, vì nếu:
-
Bây giờ mình xin một chiếc xe thì sợ tiên lại cho họ hai chiếc.
-
Xin một căn nhà thì sợ họ được hai căn.
-
Xin 1 tỷ thì hàng xóm được 2 tỷ.
-
Và cứ thế, ông đưa ra đủ thứ ước muốn, nhưng lại không chọn gì cả, vì sợ mình
được một thì người khác được hai.
-
Cuối cùng ông quyết định: xin thần tiên cho con bị mù một mắt. Vì ông nghĩ nếu
mình bị mù một thì người kia sẽ bị mù hai con mắt.
Những người biệt phái
năm xưa dường như cũng muốn dìm hàng với Chúa Giê-su. Họ không muốn Chúa Giê-su
nổi lên giữa họ. Họ chỉ muốn Chúa sống bình dị an phận trong sự dẫn dắt của họ.
Đó là lý do họ gièm pha, khó chịu khi Chúa Giê-su nổi lên với lời giảng dạy và
việc làm đầy uy quyền. Họ không phục vì bản tính cố chấp không muốn ai hơn
mình. Họ đã đánh mất niềm vui khi nhìn thấy thành công của người đồng hương. Và
dường như Chúa Giê-su cũng không thể làm điều gì cho họ vì họ quá cứng lòng
tin.
Ở
đời vẫn còn đó sự đố kỵ dẫn đến ghen tương mà làm hại lẫn nhau.
Tôi
vẫn nghe những lời nói xấu ông A, bà B nhưng đều phát xuất từ ghen tỵ mà dựng
chuyện bêu xấu nhau.
Tôi
vẫn thấy những người làm việc tông đồ nhưng vẫn rỉ tai nhau để kết bè, kết phái
để loại trừ nhau.
Tôi
vẫn thấy những ý tốt bị mọi người loại trừ chỉ vì “trứng mà khôn hơn rận” nên cố
chấp loại trừ nhau.
Tôi
vẫn thấy những người môn đệ của Chúa vẫn đố kỵ dìm hàng nhau bằng nói xấu, gièm
pha và bất hợp tác với nhau.
Cuộc
đời sẽ đẹp biết bao nếu sống bên nhau mà thôi đố kỵ nhau. Cuộc sống sẽ thăng tiến
nếu ai cũng hợp tác và khích lệ nhau thay cho sự chê bai, dìm hàng nhau. Đặc biệt
những người trong một tổ chức, một hội đoàn cần có tình yêu thương hiệp nhất với
nhau. Xin đừng đố kỵ ghen tương với nhau nhưng luôn hợp tác và chia sẻ thành
công và thất bại với nhau.
Xin Chúa giúp chúng ta
học nơi Chúa Giê-su luôn hiền lành và khiêm nhường để hòa hợp với mọi người.
Xin đừng vì cố chấp mà dèm pha lẫn nhau gây mất tình hiệp nhất trong cộng đoàn.
Xin loại bỏ trong chúng ta tính đố kỵ để sống hòa hợp với nhau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy
Tuyền
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Tình Yêu. Không có tình yêu nào lớn hơn
tình yêu của kẻ dám hiến thân mình vì bạn hữu. Chúa đã hiến mình vì yêu thương
chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Chỉ có đức
mến mới tồn tại muôn đời: "Hiện nay đức tin, đức cậy,
đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến." (1 Cr
13,13).
Lẽ sống:
Kỳ
quan của thế kỷ 19
Ngày
31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông
Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng
Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ
19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ".
Con người đó chính là Thánh Don Bosco.
Thánh
nhân chào đời năm 1815 tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italia. Mẹ Ngài là
bà Magarita mong ước cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra
trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó.
Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với
con".
Don
Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ
sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèo. Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm,
thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ.
Nếu
mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng
lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã
tranh đấu cho giới công nhân rồi.
Thời
của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Thánh
nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần
hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã
được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngày nay.
Phương pháp sư phạm được
Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những
sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy ra. Trong tất cả mọi
sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư xử của Thánh Don
Bosco.
Hiền lành và vui vẻ là
hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Bosco. Với sự hiền
lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa
Giêsu. Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng:
"Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng
ngã lòng".
Ði
đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là:
Phụng sự Chúa trong vui tươi. Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu
hiệu nhất cho thời đại đầy ohiền muộn và chán nản của chúng ta. Niềm vui của
Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên
Chúa là Tình Yêu. Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn
thảm được.
Sứ điệp của Thánh Don
Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Giữa một
xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận, nghi kỵ, bon chen,
giành giật, lừa đảo. Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng: Con người vẫn còn
đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng. Giữa một xã hội mà sự
buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ cười của lạc
quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin tưởng ở Tình
Yêu của Thiên Chúa. Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco mời gọi chúng
ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét