PHÚC ÂM: Lc 4,14-22a
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh
quý vị vừa nghe” (Lc 4,21)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
14 Được quyền năng Thần Khí
thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng
lân cận. 15 Người giảng dạy trong các
hội đường, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi
Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như
Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ
I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã
xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai
tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được
sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công
bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người
giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn
Người. 21 Người bắt đầu nói với
họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 22 Mọi người đều tán thành và thán phục
những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Suy niệm:
Năm thánh hồng ân
Bài đọc từ thư
Thánh Gioan hôm nay cho chúng ta biết tình yêu dành cho Chúa phải thể hiện bằng
tình yêu đối với tha nhân. Trong bài tin mừng, Thánh Luca kể cho chúng ta về lần
đầu tiên Chúa Giêsu trở về Galilêa, Ngài đọc sách tiên tri Isaia nói về sứ vụ của
Ngài là Đấng Mêsia.
Chúa Giêsu đã đến
thế gian để thực hiện sứ vụ của Đấng Mêsia là rao giảng tin mừng cho người
nghèo khó, chữa lành những đau khổ trong tâm hồn…..và Ngài vẫn thực hiện điều đó
cho đến ngày hôm nay. Ngài thể hiện tình yêu của mình cho nhân loại bằng những
hành động cụ thể, thiết thực. Và mỗi người chúng ta đều cảm nhận được tình yêu
Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Ngài yêu thương, gìn giữ, chăm sóc mỗi
người chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta vô điều kiện, không đòi hỏi chúng ta
phải làm gì cho Ngài. Thiên Chúa chỉ yêu cầu chúng ta một điều đó làm đáp trả lại
tình yêu của Ngài bằng cách yêu thương tha nhân những người cũng được sinh lại
bởi ơn cứu độ của Ngài.
Thánh Gioan đã
nói rất cụ thể: “Nếu
ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối.
Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến
Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được?” Đúng vậy, Thiên Chúa luôn
hiện diện trong những người anh em. Ngài hiện diện trong những người anh em bé
nhỏ đói khổ hàng ngày, và Ngài cần chúng ta thể hiện tình yêu dành cho Ngài
cách cụ thể và những hành động đối với những người anh em bé nhỏ nghèo hèn đó.
Sống Lời Chúa:
Là
Kitô hữu, chúng ta cũng hãy tiếp tục sứ mạng của Chúa, nối dài những công việc
mà Người đã làm, là đem tinh thần của Người đến với tất cả các môi trường mà
chúng ta đang sinh sống và làm việc.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết cảm nhận được tình thương của
Chúa trong cuộc sống, để chúng con cũng sẵn lòng đón nhận lời dạy của Người như
là một hướng dẫn tốt nhất cho con thuyền cuộc đời của mình. Đón nhận để chia sẻ
cho người khác bằng một đời sống chân thành đầy bác ái, qua đó, mỗi người chúng con khi nhìn thấy đời sống tốt
lành của mình thì cũng thốt lên rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh
Kinh mà chúng tôi vừa nghe".
Lẽ sống:
33 năm sau
Với tựa đề
"33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại như sau: "Những gì
đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do
Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc
hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ
dẫn ông đến hang đá Bêlem.
Câu hỏi:
"Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?". Làm cho nhà vua bồn
chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định
lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những
vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn
tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết:
Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng
tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử "tử hình thập
giá".
Thất vọng ê trề,
nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào
đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà
Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người. Tò mò ông lấn qua đám
đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu
nói tầm xàm".
Nhưng tai nhà
Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về
ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại
từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất
tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?". Ðại diện nhóm người
đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: "Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở
trong chúng tôi. Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của
Ngài".
Trong lúc Phêrô
đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi
tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh
sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người. Trong tâm hồn, nhà Vua
chợt hiểu: Mỗi
người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến
cho mọi người xung quanh. Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ
Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh
Thần Hiện Xuống. Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người
Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức
Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng
ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét