PHÚC ÂM: Mc 3,13-19
Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người. (Mc 3,14)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
13 Rồi Người lên núi và gọi đến
với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các
ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người
lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, 17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông
Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là
Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê,
Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc
nhóm Quá Khích, 19
và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
Suy niệm:
Giáo Hội là một Mầu Nhiệm
Nếu thời Cựu Ước
đã có những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của
Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời
Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và
chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ
và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.
Ðiều cơ bản nhất mà chúng ta cần phải
tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp
Giáo Hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế
quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ
tập quyền hay Bô lão trị; Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu
là một mầu nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm
ấy. Giáo Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể
mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ
một khía cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.
Tin Mừng hôm nay
như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu
thiết lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng.
Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các
Tông Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai
được các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó
cho các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền
giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai,
Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình
trong Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở
với các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với
và trong Giáo Hội.
Giáo Hội chính là thân thể Chúa Kitô. Thuộc
về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu được ủy thác cho
các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế và tiếp tục sứ mệnh của
mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và sống giáo huấn của
chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế vị các ông. Giáo Hội không
phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề cưỡng bách ai phải gia nhập
Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không thể không chấp nhận quyền
bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu không chấp nhận quyền giáo
huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng đến võ lực hoặc nhà tù để đe
dọa và trừng phạt. Hằng năm, Giáo Hội dành một tuần lễ để cầu
cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi sâu vào mầu nhiệm của Giáo
Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời cầu
nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở
trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con".
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Ý thức rằng qua bí tích Rửa Tội mọi người đều
được kêu gọi và được sai đi, chứ không riêng gì những người được ơn gọi chuyên
biệt trong Giáo Hội. Và không chỉ những tu sĩ chiêm niệm mà mọi Ki-tô hữu đều
phải có đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thống nhất các hoạt động tông đồ của
mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn Chúa và xin cho con luôn sẵn sàng đáp trả lời mời
gọi của Chúa với đời sống dấn thân hy sinh và phục vụ, để đời sống của con là
chứng nhân cho Tin mừng của Chúa trong cuộc sống thường ngày.
Lẽ sống:
Người hành khất
quảng đại
Bangladesh là một trong những quốc gia
nghèo nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong một nước nghèo, thì hành khất vẫn là
nghề thịnh hành nhất.
Một nhà truyền giáo đã thuật lại một trường hợp hành khất lạ lùng như sau: Sau một ngày làm việc nặng nhọc, một người
đàn ông nọ đi về nhà mình không ngoài một phương tiện nào khác hơn là đôi chân.
Người đàn ông dừng lại dưới một bóng cây và thiếp ngủ. Dáng vẻ của ông tiều tụy
đến độ người qua lại lầm ông với một người hành khất. Không ai bảo ai, kẻ qua
người lại đều dừng lại và bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu nhỏ. Không mấy chốc,
chiếc mũ cũ kỹ đầy tiền.
Vừa thức giấc,
người đàn ông ngạc nhiên trước sự quảng đại của khách qua đường. Ông đếm từng đồng
xu nhỏ: số tiền còn lớn hơn cả một ngày công của ông. Người đàn ông mỉm cười về
nghề hành khất bất đắc dĩ của mình. Chợt nhìn thấy xung quanh mình có nhiều người
hành khất đui mù tàn tật, người đàn ông lặng lẽ đi đến từng người và chia đều
cho họ số tiền ông đã thu được và tiếp tục đoạn đường còn lại. Adam Smith, kinh
tế gia nổi tiếng của Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ 18 đã nói một câu mà K.Marx đã
lập lại trong một tác phẩm của ông. Câu nói đó là: "Một nước giàu có là một nước trong đó có
nhiều người nghèo". Câu định nghĩa về sự phồn thịnh ấy vừa nói
lên sự nghèo đói về mặt tinh thần mà những người sống trong một nước giàu có thể
cảm nghiệm được, nó cũng nói lên những bất công xã hội mà những người nghèo
trong một nước giàu phải gánh chịu.
Bần cùng thường sinh ra đạo tặc. Những nước
nghèo là những nước có nhiều tệ đoan xã hội. Tuy nhiên, cũng chính trong cảnh
nghèo ấy, người ta thường gặp được nhiều tấm lòng vàng. Cảnh nghèo có thể đưa
con người đến chỗ giành giật xâu xé, nhưng cũng có thể khiến cho con người dễ cảm
thông với người khác và san sẻ quảng đại hơn. Nhưng dĩ nhiên, chỉ có ai có tinh
thần khó nghèo đích thực mới hiểu được giá trị của cảnh nghèo và sự thôi thúc của
lòng quảng đại. "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo
khó". Chúa Giêsu để lại cho chúng ta điều khoản cơ bản ấy của
Hiến Chương Nước Trời. Có khó nghèo thực sự, con người mới cân lường được sự chóng
qua của tiền của vật chất. Có khó nghèo thực sự, con người mới có thể mở mắt để
nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh. Có khó nghèo thực sự, con người mới dễ cảm
thông và mở rộng quả tim và lòng bàn tay để trao ban.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét