PHÚC ÂM: Mt 4,12-17.23-25
""Nước trời đã đến gần". (Mt 4,17)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Mattheu.
12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị
nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một
thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng
nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói : 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường
ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! 16 Đoàn
dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang
ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. 17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng
và nói rằng : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." 23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền
Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa
hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ
đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị
quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ. 25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh,
thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt
kéo đến đi theo Người.
Suy niệm:
Hãy sám hối
Có một vị ẩn sĩ
nổi tiếng là thánh thiện, và được nhiều người đến xin ông cầu nguyện cho. Điều đó
làm cho ông rất hãnh diện.
Một buổi sáng nọ,
trên đường đến thăm một ngôi nhà thờ, ông thấy một người ngồi nức nở bên đường.
Đến gần, ông nhận ra đó là tên cướp mà mọi người trong vùng đều run sợ. Vị ẩn
sĩ định bỏ đi, nhưng anh ta tiến đến quỳ gối trước mặt ông và xưng thú tội lỗi.
Nghe xong, vị ẩn
sĩ tự nhiên nổi giận, và nói lớn tiếng: “Một tên trộm cướp như ngươi mà hy vọng được Chúa tha thứ
sao? Ta nói thật với ngươi: cây gậy mà ta đang cầm trên tay trổ bông còn dễ hơn
việc Thiên Chúa tha thứ cho ngươi”. Nói như thế rồi, vị ẩn sĩ tiếp tục
cất bước, bỏ mặc tội nhân trong thất vọng.
Nhưng chưa đi
quá mười bước, cây gậy ông đang cầm trên tay bỗng bị cắm sâu xuống đất, ông
dùng tất cả sức lực để rút lên, nhưng cây vẫn không nhúc nhích. Lạ hơn nữa, từ
thân cây gậy, cành lá và hoa từ từ mọc ra.
Rồi ông nghe có
tiếng nói:
“Sự tha thứ của
Thiên Chúa dành cho một tội nhân sám hối còn dễ hơn một cây gậy trổ bông, một
người tỗi lỗi biết hối cải được tha thứ dễ dàng hơn một hơn một kẻ kiêu hãnh”.
“Hãy
sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Đó là trọng tâm của bài Tin Mừng hôm
nay. Ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu loan báo chính là giải phóng con người khỏi tội lỗi
và những hệ lụy của nó, như yếu đau tật nguyền…
“Hãy
sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được
ơn cứu độ. Sám hối không phải là tiếng khóc của thất vọng, mà là một sức lực mới
giúp con người vươn lên.
“Hãy
sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Nước Trời chính là động lực của sám hối.
Và do đó, sám hối đích thực cũng chính là một quyết tâm hướng về những biểu hiện
của Nước Trời như sống yêu thương, quảng đại, tha thứ.
“Hãy
sám hối vì Nước Trời đã gần bên” hay nói đúng hơn hãy sám hối để cho Nước
Trời được đến giữa mọi người.
Sống Lời Chúa:
Sám hối theo nghĩa thông
thường là ý thức mình tội lỗi, hối hận, cần phải quay trở về đường ngay nẻo
chính sau khi đã quyết tâm chừa bỏ con đường cũ. Tuy nhiên, sám hối theo Kitô
giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, đó là trở về cùng Thiên Chúa, để nhận ra
tình yêu thương vô biên của Ngài. Mặt khác, sám hối còn là để biết yêu thương,
cảm thông, chia sẻ, quảng đại và tha thứ. Không chỉ dừng lại ở đó, điều quan trọng
nữa là: khi sám hối, chúng ta biết khiêm tốn để soi chiếu cuộc đời của mình với
tình thương, lòng nhân hậu của Thiên Chúa, rồi định hướng cho mọi hành vi, lựa
chọn của mình trong tương lai để được ơn cứu độ.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối trong cuộc sống thường ngày, bởi
vì, đã là con người thì không ai có quyền nói mình vô tội. Vì thế, xin cho chúng
con biết chạy đến với Thiên Chúa trong sự sám hối để được ơn tha thứ.
Lẽ sống:
4 Tháng Giêng
"Trăm năm
bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng
hãy còn trơ trơ"
Nhà độc tài nào sau khi ra đi cũng trở
thành bia cho không biết bao nhiêu những lời đàm tiếu của thiên hạ. Năm 1986, người
ta nói đến trên 3,000 đôi giày đã trở thành bảo tàng viện của bà Imelda Marcos,
phu nhân của cựu tổng thống Phi Luật Tân, ông Ferdinand Marcos. Sau đó, người
ta lại bàn tán về những đôi giày của bà Elena, vợ của nhà độc tài Ceaucescu bị
hành quyết tại Rumani.
Khi vợ chồng của
cựu tổng thống Marcos bị bắt buộc phải bỏ nước Phi, dân chúng đã tuôn đến dinh
tổng thống như một ngày hội: họ đến đó chỉ để xót xa so sánh cái cảnh giàu sang quá mức của
gia đình nhà độc tài với cái đói khổ mạt rệp của dân chúng.
Người dân Phi nói rằng,
trong 9 năm liền, bà Imelda Marcos chỉ có thể mang một đôi giày không quá 3 lần
là cùng. Sau khi hành quyết vợ chồng Ceaucescu, người ta mới khám phá ra rằng
căn nhà mà họ cho là bình thường của họ chính là một biệt thự sang trọng với 40
phòng khác nhau được trang trí bằng những bức tranh đắt giá, phòng tắm được khảm
bằng vàng. Mỗi phòng đều có truyền hình và máy video.
Tài sản của ông
Ceaucescu cũng không thua kém gì những của cải biển lận của ông Noriega, cựu tổng
thống bị truất phế của Panama. Ông tướng này không chỉ có những căn nhà lộng lẫy
trong nước, mà còn không biết bao nhiêu biệt thự tại Pháp và các nước khác. Máy
bay và những chuyến du thuyền của ông không còn là những phương tiện để di chuyển,
mà là cả một thú sưu tầm.
Không
có một nhà độc tài nào mà không tham lam tiền của. Người ta nói đến
hàng tỷ Ðôla của ông Marcos. Nhà độc tài của một nước nghèo nàn như Haiti cũng
có đến 400 triệu Mỹ kim. Somoza, người bị lật đổ tại Nicaragua, thì có đến hàng
trăm triệu Ðô la đầu tư vào những kinh doanh đồi trụy như đĩ điếm, cờ bạc. Cựu
hoàng đế Pokassa của một nước nghèo nàn lạc hậu như Cộng Hòa Trung Phi bên Phi
Châu, đã làm lễ đăng quang năm 1976 với một phí tổn là 20 triệu Mỹ kim. Và hiện
nay, người ta ước tính tài sản của tổng thống Zaire là ông Mobutu Sese Seko lên
đến gần 5 tỷ Mỹ kim.
Giá của những
tài sản bất chính ấy thường giống nhau: một cuộc lưu vong nhục nhã, một cuộc chốn chạy không kèn
không trống, một cuộc hành quyết dã man hay một cuộc sống trong lo sợ từng ngày
và làm mục tiêu cho những oán ghét.
Mỗi dịp đầu năm,
dường như ai cũng muốn làm một quyết tâm. 50% người Hoa Kỳ quyết tâm giảm thiểu
sự ăn uống để gìn giữ sức khỏe. Ðối với người Kitô chúng ta, sức khỏe tinh thần, sự cường tráng tâm linh
có lẽ là điều quan trọng hơn cả. Quyết tâm của chúng ta phải là quyết tâm điều
chỉnh lại sự lựa chọn cơ bản của chúng ta. Ðâu là cùng đích của cuộc sống chúng
ta? Ðâu là lý tưởng của chúng ta? Ðâu là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống của
chúng ta? Tiền bạc và nhất là tiền bạc bất chính có đem lại hạnh phúc cho đời
Người không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét