PHÚC ÂM: Mc 1,14-20
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê
rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15Người nói : "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì
thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ
làm nghề đánh cá. 17 Người bảo họ : "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho
các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo
Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông
Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá
lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông
Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Suy niệm:
Sám hối
và tin vào Tin Mừng
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ
nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng
tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức
về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu
của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và
của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên
Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối
với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện
qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội
lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng,
mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà
Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người
Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của
buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan
và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người
Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được
mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Ước gì Lời Chúa
hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của
yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng
Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
Sống Lời Chúa:
Kinh
Thánh thuật lại việc Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài thấy các ông Simon
và Anrê đang quăng lưới xuống biển, rồi đi xa hơn chút nữa, Ngài thấy Giacôbê
và Gioan đang vá lưới trong thuyền, cùng một mẫu số chung, Ngài cất tiếng mời gọi
các ông: “Hãy theo Tôi”. Ngay lập tức,
các ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài.
Hôm
nay, Ngài mời gọi chúng con thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, từ bỏ con đường
tội lỗi, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin... Tuy nhiên, nhiều
khi chúng con đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc chúng con không muốn đáp
lại lời mời gọi đó và viện cớ đủ mọi lý do để khước từ.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con khao khát Chúa, để chúng con nhạy bén nhận
ra tiếng Chúa gọi và can đảm đi theo Chúa như các Tông đồ khi xưa.
Lẽ sống:
Kho tàng ẩn dấu
Chúng ta có biết
rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai
trò quan trọng nhất không?
Lá lách của
chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu
hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với
hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy
nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi
vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những
âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm
giữa lỗ tai của chúng ta.
Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt
là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào
trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định
về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn
tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ
thể con người.
Lại nữa, những
tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật
nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ
li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng
những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị
nhất trong cuộc sống con người?
Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ
thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi
công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ.
30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi
như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài.
Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói
với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn,
cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu. Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm
tin - tất cả những sinh hoạt tầm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm,
có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an.
Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét