Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục, Lễ nhớ.
Cùng
với thánh Luca, thánh Timôthê và thánh Titô là những cộng tác viên trung thành
của thánh Phaolô. Mẹ thánh Timôthê là người Do thái, còn chính ông thì đã được
thánh Phaolô thanh tẩy. Ông đã theo thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền
giáo, rồi sau được đặt làm thủ lãnh giáo đoàn Êphêxô. Còn thánh Titô đã được
thánh Phaolô nhận ở Antiôkhia ngay từ đầu sứ vụ tông đồ. Sau đó, ông được trao
nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê và thư gửi cho
ông Titô được gọi là các thư mục vụ, vì trong đó có nhiều lời khuyên dành cho cả
những người lãnh đạo cũng như cho hết mọi thành phần trong giáo đoàn.
PHÚC ÂM: Lc 10,1-9
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.” (Lc 10,2)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy
mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả
các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh
em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng
đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói :
"Bình an cho nhà này !" 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an
của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh
em. 7 Hãy
ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm
thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất
cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh
em. 9
Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : "Triều Đại Thiên
Chúa đã đến gần các ông."
Suy niệm:
Diễn văn
truyền giáo
Giáo Hội mời gọi
chúng ta đọc và suy niệm những câu đầu tiên của chương 10 Phúc Âm theo thánh
Luca. Ðây là bài diễn văn truyền giáo số 2. Bài diễn văn truyền giáo số 1 là
chương 9, Phúc Âm thánh Luca. Trong bài diễn văn truyền giáo số 2, Chúa Giêsu
ngỏ lời căn dặn bảy mươi hai môn đệ mà Ngài sai đi từng nhóm hai người một để
làm như một cộng đoàn làm việc chung với nhau, chứ không phải một cách riêng rẽ.
Con số mười hai tông đồ nhắc đến mười hai chi họ Israel; con số bảy mươi hai
môn đệ nhắc đến chi tiết nơi chương 10 sách Sáng Thế: "Khi tất cả các dân
nước trên mặt đất".
Như thế, chúng ta có thể nói rằng bài diễn
văn truyền giáo số 2 của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm thánh Luca mà hôm nay
chúng ta suy niệm là những lời căn dặn của Chúa Giêsu cho tất cả mọi thành phần
Giáo Hội Dân Chúa đến từ khắp mọi nơi không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng
nói.
Tất cả mọi người đồ đệ của Chúa đều phải là những nhà truyền giáo, những chứng
nhân của Chúa và phải tuân giữ những gì Chúa căn dặn nơi chương 10 này.
Những lời dặn dò
trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với những chi tiết hết sức thực tế.
Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những việc làm trên là điều quan trọng
hơn. Thời đại đã
thay đổi, thời chúng ta đang sống khác với thời của Chúa Giêsu. Những
hành động cụ thể của một thời đã thay đổi, chẳng hạn như ngày xưa đi bộ, cầm gậy
thì ngày nay đã có các phương tiện giao thông liên lạc khác, nhưng tinh thần của
những hành động cụ thể mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ có không bao giờ thay đổi.
Trong những giây phút ngắn ngủi suy niệm này chúng ta không thể nào suy niệm tất
cả mọi khía cạnh của tinh thần truyền giáo nơi môn đệ của Chúa.
Ước chi mỗi người
chúng ta tìm thì giờ rảnh rỗi trong ngày, trong tuần để trở lại suy niệm thêm về
những lời căn dặn của Chúa nơi chương 10 Phúc Âm thánh Luca.
Chúng ta hãy nhớ
lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn Phúc Âm hôm nay: "Lúa chín đầy đồng
mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người,
các con hãy ra đi". Qua câu đầu tiên này của đoạn Tin Mừng hôm
nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi hoạt động truyền giáo: trước hết
là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung quanh, thứ hai là đưa nhu cầu đó vào
trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ ba là sẵn sàng để được sai và hăng
say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng. Chúng ta hãy tự vấn xem chính mình đã
có những tư tưởng căn bản này chưa? Những quan tâm truyền giáo làm chứng cho
Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu nguyện của chính mình chưa? Trong
cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?
Sống Lời Chúa:
Các giám mục
Malaysia, Singapore và Brunei đã liệt kê những gì có thể học được nơi họ.
ü Học cầu nguyện,
ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo.
ü Học suy niệm và
chiêm niệm nơi người Ấn giáo.
ü Học từ bỏ của cải
và trọng sự sống nơi người Phật tử.
ü Học thái độ thảo
hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng.
ü Học sự đơn sơ,
khiêm tốn nơi người theo đạo Lão.
Càng học, ta
càng dễ giới thiệu Ðức Giêsu và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo
khác. (trích:
trong ‘Manna’ – Lm. Nguyễn Cao Siêu)
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, này con đây đã sẵn sàng, Chúa muốn con làm gì xin hãy phán và con
xin lắng nghe. Xin ban ơn biến đổi mỗi người chúng con trở thành những chứng
nhân đích thực của Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Lẽ sống:
Quốc Khánh Của
Australia
Hôm nay 26 tháng
01 là ngày quốc khánh của người Australia.
Ngày 26/01/1788,
lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của Australia, đánh dấu
đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã được coi như là thủy
tổ của đa số người dân Australia ngày nay.
Ðối với chính phủ
Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất xa lạ là một biện
pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước. Nhưng đối với 730
người lần đầu tiên của Australia này,
thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân
Australia chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ
đã được khai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.
Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những
nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng
của cha ông họ, dù tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.
Câu chuyện lập
quốc của nước Australia có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào hai chữ Quan
Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh Phaolô là một xác quyết về sự
quan phòng ấy: nơi
nào có tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.
Lịch sử của dân
Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi những vấp ngã của
con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi lần con người
phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm cho một công trình mới
tốt đẹp hơn.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê
và Titô, hai người con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà
chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại ngày hôm qua.
Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtê mang
hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng
cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng
và văn minh của những dân tộc ở ngoài Do Thái giáo.
Trong 15 năm sát cánh bên cạnh
Thánh Phaolô để phục vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy
sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ. Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng
đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương
của Ngài cho mọi tạo vật. Ôn lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế
giới dân ngoại này, chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù
thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa.
Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người
khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì
Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét