PHÚC ÂM: Mc 5,1-20
“Thần ô uế kia, xuất khỏi người này.” (Mc 5,8)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên
kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một
kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai
có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy,
nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và
đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong
đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. 6 Thấy Đức
Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng : "Lạy
ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân danh Thiên
Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi !" 8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó : "Thần ô uế
kia, xuất khỏi người này !" 9 Người hỏi nó : "Tên ngươi là gì ?" Nó
thưa : "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." 10 Nó khẩn
khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang
ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng : "Xin sai chúng tôi đến
nhập vào những con heo kia." 13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập
vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và
chết ngộp dưới đó. 14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành
và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ
bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo
binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. 16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc
đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người
rời khỏi vùng đất của họ.
18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước
kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. 19 Nhưng Người không cho phép, Người
bảo : "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa
đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào." 20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền
trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh
ngạc.
Suy niệm:
Chúa Giêsu chế ngự ma quỷ
Đức Giêsu và các
môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi
thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này
thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải
dùng đến cả xiềng xích. (Mc. 5, 1-3)
Trình thuật về phép lạ Chúa chữa người bị
quỷ ám và đàn heo biến mất đặt ra những vấn đề khó xử và có nhiều điều khác thường
tưởng chừng như mê tín dị đoan.
Hình như đây là
những sự kiện biệt lập được ghép lại với nhau. Chúa Giêsu lúc đó đang ở vùng
Ghêrasa nằm ở phía đông Biển Hồ Ghen-nê-xa-rét là vùng đất dân ngoại, nơi nuôi
heo là thú vật ô uế đối với người Do thái. Khi Chúa chữa cho một người bị quỷ
ám ở đây thì có một sự cố xảy ra trong một trại nuôi heo lớn. Có lẽ là hai sự
kiện này xảy ra vào cùng kỳ, nên được tác giả lợi dụng ghép lại với nhau để sự
kiện này giải thích cho sự kiện kia và rút ra một bài học luân lý. Đó cũng là một
lối kết cấu câu chuyện có tính cách bình dân vậy.
Nhưng sự ghép nối
này trở nên có ý nghĩa. Thánh sử Maccô dùng nó để minh họa cho điều ngài muốn
chứng minh: Chúa Giêsu tỏ bày quyền năng của Người đối với thần ô uế ở vùng đất
thuộc dân ngoại. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ
thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha
hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.
Một quyền năng vô địch.
Để chứng tỏ Chúa
Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Maccô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng
của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng
trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Nếu “bị gông cùm và bị xiềng
xích”, nhưng người bị quỷ ám ấy “đã bẻ gẫy xiềng xích và đập tan gông cùm”, thì
phải nói gì về quyền lực của Đấng đã bắt qủy phải xưng tên mình ra – điều đó
theo ý kiến các vị trừ tà thời ấy - là dấu chứng tỏ một sự chế ngự hoàn toàn.
Một xứ sở được thanh tẩy.
Còn về chuyện bầy
heo cả chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu
chỉ rằng một người được ơn giải thoát có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối
với người Do thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm
của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền
đất này và càng làm sáng tỏ ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô
mang lại vậy.
Sống Lời Chúa:
Suy nghĩ về sứ vụ và thân phận ngôn sứ của Đức
Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và số phận của mỗi người
chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số phận của Thầy cũng
là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn chúng ta phải lội
ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của những nghịch cảnh
khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc làm của chúng
ta là những hy sinh vô vị lợi!
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, cuộc đời của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã
không được người đời coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu
được sự thật này để chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển
trị muôn nơi, còn chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh
hưởng đến sứ vụ được trao.
Lẽ sống:
Rừng
Mắm
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề
"Rừng Mắm", cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của
cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:
- Cây mắm
sao con không nghe nói đến bao giờ?
- Con
không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm
lửa cũng không được nữa là.
- Vậy
trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là
cỏ vậy?
Bờ biển này mỗi năm được phù sa
bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không
bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc
đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy
đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác
chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: "Ông với
tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm
bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa,
cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con".
Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi:
"Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?". Ý nghĩ về
sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng
cay, thất vọng.
Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu
chuyện trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi
từ đó cây tràm và các laọi câu khác mới có thể mọc lên.
Mỗi
một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu,
cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ
đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên.
Ước
gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính
bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một
chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu
sót của người khác.
Với
ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân,
cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm
tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu
dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét