Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Lời Chúa: Thứ Ba 02.02.2016 sau Chúa nhật IV Thường Niên.

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH – Lễ kính

PHÚC ÂM: Lc 2,22-40
“Chính mắt con được thấy ơn cứu độ.” (Lc 2,30)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
29         "Muôn lạy Chúa, giờ đây
            theo lời Ngài đã hứa,
            xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30         Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31         Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32         Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
            là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Suy niệm:
Cha mẹ hãy cho con tình thương

Trong một lần dạy giáo lý hôn nhân tôi hỏi: Nếu như bạn phải tặng cho con cái điều quý giá nhất bạn sẽ chọn: dạy dỗ, làm gương, dành thời giờ ở bên con, miệt mài làm việc cho con tiền ăn học, vợ chồng yêu thương nhau thì các bạn sẽ chọn điều gì?
Xem ra yếu tố nào cũng quan trọng và cần thiết nhưng có một yếu tố quan trọng hơn theo tôi đó là vợ chồng yêu thương nhau.
Câu trả lời xem ra không thỏa mãn. Thế nhưng, thử hỏi nếu vợ chồng không thương yêu nhau thì mái nhà có giữ được không? Và nếu như vợ chồng không yêu thương nhau con cái sẽ ra sao? Mái nhà có là mái ấm hay là hỏa ngục trần gian?
Người ta thống kê số các tội phạm thanh thiếu niên hay những thanh thiếu niên hư hỏng đa phần là do cha mẹ chúng thiếu tình yêu thương nhau. Có thể họ đã ly dị nên con cái trả thù đời bằng việc lao vào các tệ nạn xã hội. Có thể do cha mẹ chúng hay bất hòa với nhau nên con cái không muốn ở nhà chỉ thích lêu lổng và phá phách. Có thể cha mẹ chúng thiếu hợp nhất nên con cái cũng mạnh đứa nào đứa nấy sống.
Thưc vậy, điều quý nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái mình là tình yêu thương của gia đình. Cha mẹ yêu thương nhau. Con cái hòa hợp với nhau. Đó chính là một cái nôi hạnh phúc mà khi con người được sống trong cái nôi êm đềm ấy thì khó có thể hư hỏng được. Cha và mẹ cứ nên nhắn nhủ với con cái với sứ điệp rằng “mặc dù cha mẹ không phải là hoàn hảo, thỉnh thoảng cũng có cãi lẫy, giận hờn với nhau, nhưng ba mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh nhau và bên cạnh các con”. Cha và mẹ sống yêu thương nhau thì con cái sẽ học được bài học tình yêu từ chính trong nôi gia đình.
Các nhà xã hội học cho rằng trẻ em hôm nay đang sống trong một thế giới đầy bất an. Những nỗi lo sợ chồng chất từ gia đình đến xã hội là nguyên nhân gây nên những biến chứng trong cách cư xử của các em, bệnh trầm cảm và các rối loạn tinh thần. Một trong các mối lo sợ lớn nhất của các em ở lứa tuổi đi học là sợ cha mẹ chúng ly dị. Nhiều em thường xuyên phải nghe các tin đau lòng rằng cha mẹ của bạn mình trong lớp đang chia tay, hay thần tượng điện ảnh này của các em đang ra tòa xin ly dị, và các em cũng vô cùng hoang mang không biết chừng nào đến phiên cha mẹ mình sẽ chia ly. Nhiều em mắc phải sự lo âu thấp thỏm mỗi ngày, không biết chừng nào cái tin sét đánh này xảy đến cho cuộc đời của chúng nó.
Đây cũng là điều gia đình thánh gia có thể vượt qua sóng gió khi họ yêu thương nhau. Họ bỏ qua những hồ nghi, những niềm vui riêng để gánh lấy trách nhiệm nuôi nấng Con Chúa Trời Chí Thánh. Các ngài luôn chứng minh cho mọi người rằng các ngài luôn sẵn sàng ở bên nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Các ngài luôn lấy tình yêu của lòng nhân hậu bao dung để đối xử với nhau. Nhất là các ngài luôn ở bên nhau vì tin vào Chúa nên dám đón nhận nhau trong yêu thương hợp nhất.
Hôm nay chúng ta quy tụ nhau nơi đây để cử hành nghi thức dâng con vào đền thờ. Hành vi dâng con vào đền thờ là hành vi thờ phượng để tạ ơn về ân ban Chúa ban là con cái được sinh ra. Dâng con vào đền thờ cũng xác định quyền và bổn phận giáo dục con cái của chúng ta. Chỉ có cha mẹ mới có quyền giáo dục con cái mình. Chỉ có cha mẹ mới có bổn phận giáo dục con cái của mình. Quyền và bổn phận vừa là vinh dự , vừa là trách nhiệm mà chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa và xã hội.
Trước mặt xã hội cha mẹ phải lãnh lấy trách nhiệm nếu con cái hư hỏng trước tuổi thành niên. Trước mặt Thiên Chúa thì cha mẹ phải trả lẽ trước mặt Chúa trong chính lương tâm của mình suốt cuộc đời.
Đứng trước một trách nhiệm lớn lao như vậy, đòi hỏi cha mẹ phải hy sinh để nuôi dậy con cái. Sự hy sinh đòi cha mẹ phải “một điều nhịn chín điều lành” để gìn giữ mái ấm gia đình ngập tràn yêu thương.  Sự hy sinh không chì dừng lại sự lam lũ kiếm tiền cho con cái mà còn hy sinh để cho con cái thấy tình thương của cha mẹ dành cho nhau và cho con cái. Có như vậy chúng ta mới mang lại sự phát triển tâm sinh lý nơi con trẻ một cách hoàn hảo. Và chắc chắn con cái sẽ biết ơn cha mẹ vì được sống trong một cái nôi đầy ắp yêu thương.
Ước gì chúng ta luôn dành tình yêu cho gia đình chúng ta, cho vợ chồng, cho con cái. Trên hết mọi sự hãy lấy tình yêu mà đối xử với nhau để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc và là chỗ dựa vững chắc cho con cái vào đời. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Sống Lời Chúa:
Mỗi một con người, từ bào thai, thai nhi, ấu nhi, trẻ thơ, thiếu nhi hay thiếu niêntrưởng thành đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi một cá nhân đều được trao ban những khả năng tiềm tàng và sự sống vô giá. Chúng ta phải trân qúi món qùa mà Thiên Chúa đã trao tặng. Các con trẻ đơn sơ trong trắng như các thiên thần. Chúa đón nhận các trẻ thơ: Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng ((Mc 10, 16). Đừng bao giờ nghĩ rằng các trẻ em là gánh nặng mà là niềm vui trong cuộc sống gia đình. Các cha mẹ đừng khi nào than phiền, nguyền rủa, chối từ và xua đuổi con cái của mình, vì mỗi trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn mà chính Thiên Chúa đã phú bẩm. Hãy yêu thương, dưỡng nuôi và ôm ấp món qùa Chúa đã trao ban cho chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Cầu xin Mẹ Maria giúp chúng con biết noi gương Mẹ để biết khiêm nhu phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi công việc của cuộc sống.

Lẽ sống:
Người Mẹ Bồng Con

Một buổi trưa hè nóng bức. Những người hành khách trên chuyến xe đò lặng lẽ nhìn con đường độc điệu. Cái nắng chói chang và cuộc sống buồn tẻ như giam hãm mọi người trong một thứ thinh lặng nặng nề.
Nhưng ở một trạm dừng nào đó, mọi người bỗng ra khỏi sự thinh lặng của mình để đưa mắt nhìn về một người thiếu phụ trẻ vừa mới bước lên xe. Chuyến xe từ từ chuyển bánh trở lại. Người thiếu phụ bắt đầu cười và đùa giỡn với đứa con thơ dại chị đang bế trên tay. Cử chỉ của người thiếu phụ, tiếng cười hồn nhiên của đứa bé đã thu hút sự chú ý của mọi hành khách.
Trong phút chốc một ngọn gió mát của hiếu kỳ của liên đới, của tham dự và của chính sức sống đã đem lại một bầu khí tươi mát cho mọi người. Mọi người như bừng tỉnh từ nỗi thinh lặng của oi bức, của ngái ngủ. Nơi đây, người ta nghe có tiếng người bắt đầu nói chuyện. Nơi kia có tiếng người cười. Sự đối thoại như một dòng điện chạy xuyên qua mọi người. Giờ thì chuyến đi không còn là một cuộc độc hành buồn tẻ nữa.
Trên chiếc xe già cỗi và buồn tẻ của thế giới, một người đàn bà đã bước lên: Tình Yêu và Sự Sống đã bừng dậy. Người đàn bà đó chính là mẹ Maria. Thế giới bắt đầu đi vào một gia đoạn lịch sử mới kể từ giây phút ấy. Mẹ đã bước lên chiếc xe cằn cỗi của thế giới cùng với Chúa Giêsu để biến nó trở thành một cuộc hành trình vui tươi và đầy ý nghĩa.
Thiên Chúa đã không ngừng tạo dựng Mẹ Maria như biểu tượng cao vời nhất của người đàn bà, của người vợ, của người mẹ, Ngài còn muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Mẹ con đường lý tưởng, mẫu gương lý tưởng mà môic người phải noi theo để đạt đến cứu cánh vĩnh cửu.
Mẹ đã sinh ra như mọi người, Mẹ đã lớn lên như mọi người, Mẹ đã sống cuộc sống con người như mọi người, nghĩa là Mẹ cũng đã trải qua những tháng năm của buồn vui, của thử thách, của mất mát, cuộc hành trình đó là bởi vì lúc nào Mẹ cũng sống kết hiệp với Chúa và tin tưởng ở quyền năng Yêu thương của Ngài. Mang Chúa Giêsu đến cho trần thế, Mẹ đã biến cuộc hành trình buồn tẻ của thế giới thành một Ðại Lễ của gặp gỡ, của chia sẻ, của hân hoan và tin tưởng. Từ nay, tuyến đường mà nhân loại đang đi kết thúc bằng một điểm đến rõ rệt là chính Thiên Chúa.

Lời Chúa: Thứ Hai 01.02.2016 sau Chúa nhật IV Thường Niên.

PHÚC ÂM: Mc 5,1-20
“Thần ô uế kia, xuất khỏi người này.” (Mc 5,8)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. 6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng : "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi !" 8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó : "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này !" 9 Người hỏi nó : "Tên ngươi là gì ?" Nó thưa : "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." 10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng : "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia." 13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. 16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. 19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo : "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào." 20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Suy niệm:
Chúa Giêsu chế ngự ma quỷ

Đức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. (Mc. 5, 1-3)
Trình thuật về phép lạ Chúa chữa người bị quỷ ám và đàn heo biến mất đặt ra những vấn đề khó xử và có nhiều điều khác thường tưởng chừng như mê tín dị đoan.
Hình như đây là những sự kiện biệt lập được ghép lại với nhau. Chúa Giêsu lúc đó đang ở vùng Ghêrasa nằm ở phía đông Biển Hồ Ghen-nê-xa-rét là vùng đất dân ngoại, nơi nuôi heo là thú vật ô uế đối với người Do thái. Khi Chúa chữa cho một người bị quỷ ám ở đây thì có một sự cố xảy ra trong một trại nuôi heo lớn. Có lẽ là hai sự kiện này xảy ra vào cùng kỳ, nên được tác giả lợi dụng ghép lại với nhau để sự kiện này giải thích cho sự kiện kia và rút ra một bài học luân lý. Đó cũng là một lối kết cấu câu chuyện có tính cách bình dân vậy.
Nhưng sự ghép nối này trở nên có ý nghĩa. Thánh sử Maccô dùng nó để minh họa cho điều ngài muốn chứng minh: Chúa Giêsu tỏ bày quyền năng của Người đối với thần ô uế ở vùng đất thuộc dân ngoại. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.
Một quyền năng vô địch.
Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Maccô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Nếu “bị gông cùm và bị xiềng xích”, nhưng người bị quỷ ám ấy “đã bẻ gẫy xiềng xích và đập tan gông cùm”, thì phải nói gì về quyền lực của Đấng đã bắt qủy phải xưng tên mình ra – điều đó theo ý kiến các vị trừ tà thời ấy - là dấu chứng tỏ một sự chế ngự hoàn toàn.
Một xứ sở được thanh tẩy.
Còn về chuyện bầy heo cả chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu chỉ rằng một người được ơn giải thoát có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối với người Do thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền đất này và càng làm sáng tỏ ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô mang lại vậy.

Sống Lời Chúa:
Suy nghĩ về sứ vụ và thân phận ngôn sứ của Đức Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và số phận của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số phận của Thầy cũng là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn chúng ta phải lội ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của những nghịch cảnh khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc làm của chúng ta là những hy sinh vô vị lợi!

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã không được người đời coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu được sự thật này để chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển trị muôn nơi, còn chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh hưởng đến sứ vụ được trao.

Lẽ sống:
Rừng Mắm

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Rừng Mắm", cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:
- Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?
- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.
- Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?
Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp: "Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con". 
Mỗi lần nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta thường tự hỏi: "Tôi đã làm gì được cho tôi, cho quê hương, cho Giáo Hội?". Ý nghĩ về sự vô tích sự của mình có thể tạo nên trong tâm hồn chúng ta mỗi chua xót, đắng cay, thất vọng. 
Chúng ta hãy nhìn lại của đất phù sa và cây mắm trong câu chuyện trên đây. Cần phải có cây mắm, đất phù sa mới trở thành đất thịt, để rồi từ đó cây tràm và các laọi câu khác mới có thể mọc lên. 
Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù tàn tật, dù dốt nát và xấu xa đến đâu, cũng có thể là một thứ cây mắm, cây tràm để cho đất đai trở thành màu mỡ, nhờ đó những cây ăn trái mới có thể vươn lên. 
Ước gì ý nghĩa ấy giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về quá khứ, về chính bản thân của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng trong lịch sử nhân loại và đều có một giá trị bổ túc cho những thiếu sót của người khác. 
Với ý nghĩ ấy, còn tâm tình nào xứng hợp hơn trong giây phút này cho bằng tri ân, cảm mến đối với Thiên Chúa Tình Yêu? Cảm tạ Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, cảm tạ ngài đã ban chúng ta được phục vụ Ngài, cảm tạ Ngài đã cho chúng ta được hữu dụng trong Tình Yêu Quan Phòng của ngài.


Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT IV Thường Niên 31.01.2016

Phúc Âm : Lc 4,21-30
“Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Do- Thái mà thôi”. (Lc 4,25-27)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
21 Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau : "Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?" 23 Người nói với họ : "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !" 24 Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Suy niệm:
Người việt hay dìm hàng

Người Việt có câu "thà chết cả đống còn hơn sống một mình". Đây là câu cô đọng về thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình, đôi khi lại còn muốn kéo mọi người xuống ngang bằng với mình. Tôi cũng từng nghe một người đã nói giỡn vui rằng: “nếu mỗi quốc gia đều có một chiếc chảo dầu dưới âm phủ cho những kẻ phạm tội bị thảy vào thì chắc chắn chảo dầu của người Việt Nam không cần đậy nắp. Đơn giản, nếu kẻ nào ngoi lên là ngay lập tức bị kéo xuống”.
Sự đố kỵ là lý do dẫn đến người Việt hay ghen tương, dìm hàng, nói xấu, tẩy chay nhau. Sự đố kỵ ấy lại thường xảy ra nơi những bà con láng giềng với nhau.  Hai nhà đang sống cạnh nhau có thể rất thân thiết khi cơ hàn như nhau, nhưng chắc chắn sẽ có chuyện khi một nhà tự dưng phất lên. Sống trong một tập thể dường như có ai thành công thì ắt sẽ bị gièm pha, nhòm ngó.
Sự đố kỵ không chỉ muốn người khác thua kém mình mà thậm chí còn cầu mong cho họ gặp thất bại cay đắng mới hả dạ.
Có một nhà buôn rất sùng đạo. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả thế nào thì cũng không bỏ việc cúng vái thần thánh. Lời khẩn cầu vang lên tới trời, và thần tiên xuất hiện và ban cho ông ta những điều ước, nhưng với điều kiện sẽ cho hàng xóm ông được gấp đôi. Ông vui mừng, nhưng rồi lại buồn, vì nếu:
- Bây giờ mình xin một chiếc xe thì sợ tiên lại cho họ hai chiếc.
- Xin một căn nhà thì sợ họ được hai căn.
- Xin 1 tỷ thì hàng xóm được 2 tỷ.
- Và cứ thế, ông đưa ra đủ thứ ước muốn, nhưng lại không chọn gì cả, vì sợ mình được một thì người khác được hai.
- Cuối cùng ông quyết định: xin thần tiên cho con bị mù một mắt. Vì ông nghĩ nếu mình bị mù một thì người kia sẽ bị mù hai con mắt.
Những người biệt phái năm xưa dường như cũng muốn dìm hàng với Chúa Giê-su. Họ không muốn Chúa Giê-su nổi lên giữa họ. Họ chỉ muốn Chúa sống bình dị an phận trong sự dẫn dắt của họ. Đó là lý do họ gièm pha, khó chịu khi Chúa Giê-su nổi lên với lời giảng dạy và việc làm đầy uy quyền. Họ không phục vì bản tính cố chấp không muốn ai hơn mình. Họ đã đánh mất niềm vui khi nhìn thấy thành công của người đồng hương. Và dường như Chúa Giê-su cũng không thể làm điều gì cho họ vì họ quá cứng lòng tin.
Ở đời vẫn còn đó sự đố kỵ dẫn đến ghen tương mà làm hại lẫn nhau.
Tôi vẫn nghe những lời nói xấu ông A, bà B nhưng đều phát xuất từ ghen tỵ mà dựng chuyện bêu xấu nhau.
Tôi vẫn thấy những người làm việc tông đồ nhưng vẫn rỉ tai nhau để kết bè, kết phái để loại trừ nhau.
Tôi vẫn thấy những ý tốt bị mọi người loại trừ chỉ vì “trứng mà khôn hơn rận” nên cố chấp loại trừ nhau.
Tôi vẫn thấy những người môn đệ của Chúa vẫn đố kỵ dìm hàng nhau bằng nói xấu, gièm pha và bất hợp tác với nhau.
Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu sống bên nhau mà thôi đố kỵ nhau. Cuộc sống sẽ thăng tiến nếu ai cũng hợp tác và khích lệ nhau thay cho sự chê bai, dìm hàng nhau. Đặc biệt những người trong một tổ chức, một hội đoàn cần có tình yêu thương hiệp nhất với nhau. Xin đừng đố kỵ ghen tương với nhau nhưng luôn hợp tác và chia sẻ thành công và thất bại với nhau.
Xin Chúa giúp chúng ta học nơi Chúa Giê-su luôn hiền lành và khiêm nhường để hòa hợp với mọi người. Xin đừng vì cố chấp mà dèm pha lẫn nhau gây mất tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Xin loại bỏ trong chúng ta tính đố kỵ để sống hòa hợp với nhau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Tình Yêu. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ dám hiến thân mình vì bạn hữu. Chúa đã hiến mình vì yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Chỉ có đức mến mới tồn tại muôn đời: "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến." (1 Cr 13,13).

Lẽ sống:
Kỳ quan của thế kỷ 19

Ngày 31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng Giáo Hội, đã phải thốt lên: "Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ". Con người đó chính là Thánh Don Bosco.
Thánh nhân chào đời năm 1815 tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italia. Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: "Mẹ đã sinh ra trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó. Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với con".
Don Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèo. Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ.
Nếu mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã tranh đấu cho giới công nhân rồi.
Thời của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Thánh nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngày nay.
Phương pháp sư phạm được Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy ra. Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư xử của Thánh Don Bosco.
Hiền lành và vui vẻ là hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Bosco. Với sự hiền lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa Giêsu. Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng: "Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng ngã lòng".
Ði đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là: Phụng sự Chúa trong vui tươi. Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu hiệu nhất cho thời đại đầy ohiền muộn và chán nản của chúng ta. Niềm vui của Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên Chúa là Tình Yêu. Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn thảm được.
Sứ điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận, nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảo. Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng: Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng. Giữa một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúa. Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Lời Chúa: Thứ Bảy 30.01.2016 sau Chúa nhật III Thường Niên.

PHÚC ÂM: Mc 4,35-41
“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh.” (Mc 4,41)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : "Chúng ta sang bờ bên kia đi !" 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?" 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : "Im đi ! Câm đi !" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : "Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?" 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau : "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?"

Suy niệm:
Tín Thác Vào Chúa Trong Mọi Hoàn Cảnh

Thường khi gặp nguy cơ quẫn bách, người ta trở nên khiếp đảm, sợ hãi. Ðó là phản ứng tự nhiên của loài người. Mỗi người biểu lộ mối lo sợ bằng những cách thế khác nhau tùy theo phái tính và gan dạ tính. Theo quan niệm chung, thì người ta cho rằng đàn bà khi gặp gian nguy, thường hay cuống cuồng, la hét ầm ĩ lên. Còn đàn ông thì tự kiềm chế hơn. Có người gặp đối tượng sợ hãi thì buông thả, phó mặc cho hoàn cảnh. Người khác tìm cách chạy trốn. Người gan lì thì ở lại đối phó với những khó khăn nguy hiểm. Ngoài những mối lo sợ có đối tượng rõ rệt, người ta còn có thể mang những tâm trạng sợ hãi, kéo dài lê thê suốt cả cuộc sống mà không có đối tượng.
Phúc âm hôm nay ghi lại khi các tông đồ gặp sóng gió bão táp ập vào thuyển đã trở nên thất đảm, kinh hồn bạt vía. Các ông liền đánh thức Ðức Giêsu dậy vì Người đang ngủ ở đàng lái, xin Người cứu giúp - một điều xem ra là cần thiết phải làm. Không biết Ðức Giêsu có ngủ thật, hay chỉ giả vờ ngủ để thử đức tin của các môn đệ, thì không được biết. Dầu sao đi nữa Người cũng trách móc các ông: Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao? (Mc 4:40). Ðiều Ðức Giêsu muốn nói ở đây là các tông đồ phải có lòng tin vào Chúa một cách liên tục trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chứ không phải chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp nguy cơ, gian khổ mà thôi.
Cũng như các tông đồ, ta cũng đã có thể gặp sóng gió bão táp ngoài biển khơi khi đi tầu du ngoạn hoặc đánh cá, hoặc khi đi vượt biển tìm tự do. Ta cũng có thể gặp sóng gió bão táp trong tâm hồn. Sóng gió bão táp trong tâm hồn có thể là những cơn cám dỗ nặng nề, những mối tình ngang trái, những dằn vặt trong tâm can, những nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Sóng gió bão táp trong tâm hồn có thể xẩy ra cho bất cứ ai: người lành cũng như người dữ, người có lòng tin tưởng cũng như người không tin.
Hôm nay mỗi người cần tự xét xem ta xử sự với Chúa thế nào? Có phải ta chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp gian nguy hoạn nạn như bị lênh đênh trên biển cả. Khi tới được miền đất tự do, ta lại quên Chúa. Ðã có bao giờ ta chỉ kêu cầu đến Chúa khi mang bệnh hoạn tật nguyền? Ðã có bao lần ta chỉ kêu xin Chúa nâng đỡ tinh thần khi bị thất tình, bị người yêu phản bội? Ðã có bao lần ta chi kêu xin Chúa giúp khi mất việc làm, khi công việc buôn bán bị thua lỗ? Nói tóm lại, ta chỉ kêu cầu đến Chúa để xin cho được một ân huệ nào đó như cho được thi đậu, cho có việc làm, cho được khỏi bệnh.. Khi được việc rồi, hay khi sự việc đã qua, ta lại đóng khung Chúa hay xếp Chúa vào hộp cất đi.
Thường người ta chỉ coi Chúa là người cuối cùng để kêu cầu khi gặp nguy hiểm thử thách. Ta đợi cho tới khi sóng gió nổi dậy, mới kêu xin với Chúa. Còn những lúc khác, ta lại quên Chúa. Ta muốn tự mình giải quyết những vấn đề thường ngày, mà không nghĩ đến Chúa, không xin Chúa giúp. Ta chỉ kêu cầu đến Chúa, khi đã dùng mọi phương thế đối phó mà vô hiệu, khi ta ở trong trạng huống vô phương cứu chữa. Trong tình thế vô phương cứu chữa như vậy, ta mới kêu cầu tới Chúa như là cơ hội cuối cùng, để xem may ra Chúa có giúp được gì không.
Ðức tin của ông Gióp trong bài sách Cựu ước hôm nay phải là gương mẫu cho ta noi theo. Ông Gióp là người giầu sang phú quí. Ông lại có lòng biết kính sợ Chúa, luôn tuân giữ giới răn Chúa. Khi gặp cảnh hoạn nạn, bị mất của cải vợ con, ông vẫn giữ một lòng trung kiên với Chúa. Ông coi khổ đau ở đời này là một mầu nhiệm mà trí óc loài người không thể thấu hiểu (G 38:8-11). Ðể có thể trung thành với Chúa trong thử thách lớn, ông Gióp đã phải trung thành với Chúa trong những thử thách nhỏ trong đời sống hằng ngày. Ðể có thể trung thành với Chúa trong thử thách lớn, các vị anh hùng tử đạo đã phải trung thành với Chúa trong những việc nhỏ bé hằng ngày, chứ không phải cứ khơi khơi mà dám xông ra pháp trường cho lí hình hành xử.
Mối liên hệ của ta với Chúa xét về phương diện thời gian và thường trực, giống như mối liên hệ mà vợ chồng hứa với nhau ngày lên xe hoa: Anh T. nhận em làm vợ (em T. nhận anh làm chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng, cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời (Nghi thức hôn phối). Người tín hữu còn phải hứa với Chúa hơn thế nữa để đặt cậy trông phó thác vào Chúa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi thành công cũng như lúc thất bại mọi ngày suốt đời như vậy.
Chúa muốn ta tìm đến Chúa, đặt tin tưởng, cậy trông phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chứ không phải chỉ khi gặp khó khăn trắc trở mà thôi. Và Chúa muốn ta đặt tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ thơ đặt tin tưởng phó thác vào cha mẹ chúng như vậy.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Sau khi dẹp yên bão tố, Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ “Sao kém lòng tin thế” (Mc 4,40). Không phải họ mất đức tin, nhưng đức tin họ chưa được hoàn hảo vững chắc. “Sao kém lòng tin thế!” Câu đó muốn nói rằng để vượt qua được những khó khăn thử thách cuộc đời phải có niềm tin vào Chúa. Muốn thắng được sự dữ phải có đức tin.
1. Đức tin làm cho lời khẩn nguyện hữu hiệu (Mc 9,25.10,27).
2. Đức tin giúp chống lại được với ma quỉ (1Pr 5,5-10).
3. Đức tin loại trừ mọi lo lắng sợ hãi (Lc 12,22t).
4. Đức tin đương đầu cả với sự chết (Dt 12; Cv 7,55-60).
5. Đức tin đem ơn cứu rỗi (Ga 11,25).

Cầu nguyện:
Lạy Đức Giêsu, ngày xưa Chúa đã trách các môn đệ rằng "Sao các con sợ hãy thế ? Các con không có đức tin ư ?". Ngày nay cũng vì thiếu đức tin mà chúng con phải sợ hãi nhiều điều. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, để trong mọi hoàn cảnh chúng con biết hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và phó thác trong tay Chúa.

Lẽ sống:
Tình yêu là sức mạnh vạn năng

Ngày 30 Tháng Giêng cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Ấn Ðộ đã vĩnh viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Ấn Giáo quá khích.
Hôm đó, như thường lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xối xả vào một thân thể khô gầy vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước.
Thinh lặng bao chùm lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh "Rama, Rama" nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi". Với một cố gắng cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục.
Người thanh niên Ấn Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận được sự kiện Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo.
400 triệu người Ấn Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có.
Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay.
Chiến tranh và không biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến.
Mục sư Luther King, người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Ông đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người.
Tất cả những mẫu gương trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta.
Người Kitô chúng ta đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được tháp nhập vào thân thể của Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.