PHÚC ÂM: Lc 4, 38-44
"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho
các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".(Lc 4,43).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào
nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa
bà. 39 Đức
Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà
trỗi dậy phục vụ các ngài.
40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người
đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh
nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: "Ông là
Con Thiên Chúa! " Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết
Người là Đấng Ki-tô.
42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng.
Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người
bỏ họ mà đi. 43
Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó." 44 Và Người
rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.
Suy niệm:
Bổn phận
truyền giáo
Bài
Tin Mừng hôm nay nói lên lòng thương xót của Ðức Giêsu với bà mẹ vợ của ông
Simon và những người đau yếu khác. Tình thương bao la của Ðức Giêsu trải rộng tới
hết mọi người, không phân biệt thân sơ, không phân biệt xa gần. Ðức Giêsu luôn
tất bật với sứ vụ đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thời giờ của Ngài dành hoàn
toàn cho Cha và cho con người. Một tình thương cho đi và cho đến tận cùng.
Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô,
một thân thể với nhịp đập của trái tim là việc truyền giáo. Một thân thể bình
thường sẽ như thế nào nếu không có nhịp đập của quả tim; cũng vậy, Thân Thể Mầu
Nhiệm là Giáo Hội sẽ chết nếu không truyền giáo. Sứ mạng truyền giáo ấy đã được
Chúa Cha giao phó cho Chúa Giêsu và luôn
nung nấu lòng Ngài trong mọi hoàn cảnh: “Tôi phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa.”
Chúa Giêsu lại trao sứ mạng truyền giáo cao quý ấy cho Giáo Hội và trở thành bản
chất của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, mỗi Kitô hữu đều có bổn phận truyền
giáo với cung cách truyền giáo riêng của mình. Trong nền văn hoá
tiêu thụ thực dụng hiện nay, người ta có xu hướng đáng sợ là mải mê tìm kiếm tiện
nghi vật chất, hưởng thụ... mà quên ơn gọi và sứ mạng giúp những người lân cận
nhận biết Chúa.
dongcong.net
Sống Lời Chúa:
Tôi quyết sống vui tươi, lạc
quan và cư xử bác ái, yêu thương với những người chung quanh như một cách loan
báo Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con yêu mến truyền giáo, để mỗi sớm mai thức dậy, con có được
niềm vui mới, niềm vui được Chúa thương chọn và sai đến với những con người con
gặp gỡ, giúp họ tìm gặp được Chúa và yêu mến Chúa như đã được Chúa yêu.
Lẽ sống:
Khuôn mặt Giuđa
Một trong những
giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa
Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.
Leonardo đang miệt
mài trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với các môn đệ.
Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên
khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo
da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu
cho con người phản bội này. Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu
xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cùng
ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội,
nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những đường
nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích về bức
tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt
tay vào công việc.
Người được chọn
làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họa hồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một
ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông. Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người
đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu. Cũng khuôn mặt đó,
nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của Chúa Giêsu, vào
lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.
Chúng ta thường
nói:
khi yêu thì trái ấu
cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người yêu nhau
sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa... Tình yêu
có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp nơi người
mình yêu.
Tin và yêu là
hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học.
Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với
Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.
Tomas đã đến với
Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: "Nếu tôi không
xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài... Tôi không tin".
Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc nghiên cứu khoa
học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí nghiệm rồi đi đến kết
luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình yêu. Không ai quan sát
một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến một kết luận: yêu hay
không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý luận và tìm tòi của
chúng ta...
Trong đức tin
cũng thế, Thiên
Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của Ngài.
Tình
yêu
đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta.
Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp
và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người
cũng như trong muôn màu sắc của thiên nhiên. Tình
yêu
đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những đường nét yêu
thương của Chúa Giêsu. Tình
yêu
ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình
yêu
ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng
vô nghĩa của cuộc sống.