Thánh Gio-an Phi-sơ, giám mục
và Tô-ma Mô, tử đạo
PHÚC ÂM: Mt 5,15-20
“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với
anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì
biết họ là ai.” (Mt 5,15-16)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái
thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi
trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ
Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để
kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một
chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn
thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và
dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai
tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em
không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được
vào Nước Trời.
Suy niệm:
Hãy là
ngôn sứ thật
Ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn,
sai đi thay mặt Ngài để nói với dân Chúa. Khi sai ngôn sứ đi, Thiên Chúa luôn đồng
hành với họ qua lời hứa “Ta ở với ngươi” (St 31,3; Xh 3,12...). Thế nhưng,
để nhận biết ngôn sứ có được sai đi, có Thiên Chúa ở cùng hay không, chẳng hề đơn
giản chút nào. Để phân biệt, Chúa Giêsu dạy: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào”. Nếu hoa quả của họ
là nói mà không làm (Mt 23,2), và nếu có làm thì hành động ấy chỉ gây nên chia rẽ, xáo trộn hoặc bất an
cho cộng đoàn: đó là ngôn sứ giả. Còn hoa trái của ngôn sứ thật hay của Thần
Khí là bác ái, hoan lạc và bình an (x. Gl 5,22).
Sống Lời Chúa:
Chúa Giêsu đã tỏ
ra cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài
không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những
tiên tri giả, những người đội lốt chiên, nhưng bên trong là lòng dạ của sói dữ;
họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động
xấu xa.
Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống
còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, vì không muốn chúng con thuộc về thế gian, nên Chúa đã xin Chúa Cha
“lấy sự thật mà thánh hiến chúng con.” Xin gìn giữ chúng con khỏi mọi điều gian
dối, để nhờ đó thế gian nhận biết rằng Chúa đã sai chúng con.
Lẽ sống:
Romeo Và Juliet
Một trong các vở
tuồng bất hủ trên sân khấu kịch nghệ quốc tế phải kể là vở kịch mang tựa đề
"Romeo và Juliet" của nhà văn hào trứ danh người Anh, ông William
Shakespeare. Vở kịch này được sáng tác vào năm 1595, nhưng mãi cho đến nay, khi
vở kịch được phổ nhạc, được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn, khán giả vẫn nối
đuôi nhau chờ mua vé để vào theo dõi một câu chuyện tình cảm động giữa hai
thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng đường tình duyên bị trắc trở không
thể tiến đến hôn nhân, vì chàng và nàng thuộc về hai gia đình có mối thù truyền
kiếp với nhau trong bối cảnh xã hội mang nặng đầu óc nuôi oán, báo thù tại
Italia thời trung cổ.
Sau khi nàng
Juliet đem câu chuyện tình ngang trái tỏ lộ cùng một vị linh mục và cho ngài biết
ý định sẽ cùng với Romeo thoát ly gia đình để tìm đến một phương trời xa lạ xây
tổ uyên ương, vị linh mục đề nghị nàng dùng phương thế uống một thứ thuốc mê để
giả chết. Sau đó ngài sẽ cứu sống nàng và giao cho Romeo đem nàng đi. Kế hoạch
này được giữ bí mật đến nỗi chính chàng Romeo cũng không hay biết. Khi thấy người
yêu đã vì mình dùng độc dược quyên sinh, chàng Romeo cũng dùng gươm tự sát để
đáp lại mối tình tuyệt vọng của người yêu. Khi thuốc mê đã hết hiệu nghiệm,
nàng Juliet tỉnh dậy thấy người yêu đang thoi thóp bên vũng máu đào: tình yêu
kêu gọi tình yêu, nàng cũng dùng gươm lết liễu phận bạc để cùng chết với chàng.
Hình như những
câu chuyện tình thương tâm trong tuồng kịch hay tiểu thuyết nào cũng kết thúc bằng
trắc trở, chia ly, chết chóc. Dù bi ai, nhưng các câu chuyện ấy cũng nói lên một
phần nào sự thật. Ðó có lẽ là lý do tại sao trong các thiệp hồng báo tin hôn lễ,
các đôi trai gái tính chuyện trăm năm thường chọn và cho in câu: "Tình yêu mạnh
hơn sự chết".
Trong các cuộc giao tế thường ngày giữa
người với người hoặc trong mối quan hệ láng giềng, bạn bè, kể cả cha mẹ, con
cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân, vợ chồng, chúng ta cần có những
dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài để diễn tả tâm tình yêu mến chất chứa bên trong: Từ
những dấu chỉ đơn sơ, thi vị "yêu nhau cởi áo cho nhau" đến chỗ hy
sinh cả cuộc đời tận tụy, làm lụng vất vả, gánh chịu những nhọc nhằn, chịu đựng
tha thứ cho nhau "Một câu nhịn, chín câu lành" đối với những người
thân thương trong gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét