Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Lời Chúa: Thứ Bảy 11.06.2016 TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Năm C

Thánh Ba-na-ba, tông đồ
Thánh nhân quê ở đảo Sýp. Ít lâu sau lễ Ngũ Tuần, người có mặt trong cộng đoàn Giêrusalem, rồi ở Antiôkia, nơi người đã giới thiệu ông Saolê thành Tácxô với các anh em. Người đã cùng với ông Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Sýp. Thánh Banaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.

PHÚC ÂM: Mt 10,7-13
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. 9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. 10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. 
11 "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. 13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.

Suy niệm:
Niềm vui tông đồ

Tên Ba-na-ba, có nghĩa là “người có tài an ủi” (Cv 4,36) và “là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11,24). Chính ngài đứng ra bảo lãnh cho Phao-lô trước cộng đoàn An-ti-ô-ki-a và cả hai cùng đồng hành trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất tại Tiểu Á; rồi sau đó lại cùng tham dự Công Đồng tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem, với thành quả là đem lại cho Giáo Hội sự hiệp nhất: “không còn là Do Thái, nô lệ hay tự do,”... nhưng “chúng ta đều chịu cùng một phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Tuy không thuộc về Nhóm Mười Hai, nhưng thánh Ba-na-ba xứng danh là vị tông đồ luôn sẵn sàng “đi ra” đến với các dân ngoại để rao giảng Tin Mừng “Nước Trời đã đến gần.”

Sống Lời Chúa:
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, lời Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “Giáo Hội đi ra” (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng) là lời thúc giục mọi thành phần Dân Chúa phải thoát ra khỏi vỏ cứng của cái tôi ích kỷ và vô cảm để chia sẻ với những người nghèo khổ bất hạnh, không chỉ những của cải vật chất mà còn bằng tất cả tấm lòng, để nhờ đó họ có thể nhận ra “họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha.”

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi chúng con để chúng con có được trái tim, ánh mắt, và đôi tay và của Chúa, nhờ đó chúng con trao cho tha nhân lòng thương xót của Chúa để đem lại cho họ niềm vui của Tin Mừng.

Lẽ sống:
Kẻ tháo đinh

Một trong những chi tiết trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa sĩ: đó là việc hạ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại việc ông Nicôđêmô và một người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse Arimahtia đã đến xin phép Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Trong hầu hết các bức tranh mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều tụy, không còn hình tượng của Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập giá. Một người tháo đinh ra khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi chân Ngài.
Một họa sĩ nọ, thay vì vẽ lại chân dung của hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những khuôn mặt của thời đại ông. Và người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu không ai khác hơn là chính ông. Khi được hỏi lý do tai sao ông lại đồng hóa mình với một trong hai người môn đệ, nhà họa sĩ đã giải thích như sau: "Những người như tôi rất thường đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để đóng đinh Chúa chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ chiếc đinh của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài".
Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi". Ðiều đó có nghĩa là do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào việc đóng đinh Ngài vào thập giá.
Thập giá vẫn luôn mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một biểu tượng, mà là một hiện thực.
Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một,
Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và
Nếu tội lỗi là một chối bỏ, thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa.
Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người,
Nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn cùng, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi một lần chúng ta khước từ hay xúc phạm đến người anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua mỗi người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chịu đóng đinh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét