Phúc Âm : Lc 7,11-17
[Trông thấy] người ta
khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại
là một bà goá…, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,12-13)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
11 Sau đó, Đức Giê-su đi
đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với
Người. 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa
thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con
trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng
đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa
chạnh lòng thương và nói : "Bà đừng khóc nữa !" 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các
người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : "Này người thanh niên, tôi bảo anh
: hãy trỗi dậy !" 15 Người
chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên
Chúa rằng : "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên
Chúa đã viếng thăm dân Người". 17 Lời
này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
Suy
niệm:
Hãy chỗi dậy!
Người
đời dù có lòng trắc ẩn đến đâu cũng đành bất lực trước cái chết của người khác.
Viếng đám tang, chia sẻ nỗi buồn của người đồng loại, cầu nguyện, phúng điếu,
đưa tang là những việc nói lên nghĩa cử chia sẻ với người khác nỗi đau khi mất
mát người thân. Vâng! Kính thưa quý vị, không ai trong chúng ta chưa một lần chứng
kiến đám tang, của thân nhân, hay của bạn bè. Đứng trước đám tang không ai khỏi
chạnh lòng, nỗi đau mất mát người thân là một nỗi đau không gì có thể bù đắp được.
Mất của còn có thể làm lại được, nhưng mất người thân, thì không thể tìm lại được.
Vì vậy nỗi đau càng lớn hơn.
Cái
chết là nỗi bất hạnh nhất của con người, vì sự sống không còn nơi thân xác nữa,
không có gì quý hơn sự sống.
Đoạn
Tin Mừng (Lc 7,11-17) hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng có tâm trạng
đau xót trước cảnh tang tóc, Người tình cờ trông thấy một đám tang tại thành
Na-in, mà là một đám tang đặc biệt, đặc biệt vì đơn độc lại càng đơn độc “đám
tang con trai bà góa”, góa bụa là nỗi đau, nay mất con lại càng đau hơn. Như vậy,
nỗi đau này là nỗi đau gấp bội, vâng! Chính Chúa Giêsu cũng cảm thấy đau như nỗi
đau của Người.
Trước
thái độ là người, như khách bộ hành, Chúa Giêsu cũng có thể làm ngơ, hay chắp
miệng chua xót, rồi tiếp bước bỏ đi, vì sự bất lực của nhân sinh. Nhưng với quyền
uy của Thiên Chúa, Người đã dừng lại khiến cho người chết chỗi dậy. Tuy chưa đến
“thời giờ mà Người tỏ vinh quang”, nhưng đứng trước sự đau khổ của người khác,
sự bất hạnh của nhân loại, Chúa Giêsu đã không thể làm ngơ. Chúng ta thấy, uy
quyền của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu mới có thể hành động như vậy được. Người đời
cho dù có lòng trắc ẩn đến đâu cũng đành bất lực trước thần chết. Nhưng Chúa
Giêsu thì không, Thiên tính của Người tiêu diệt tử thần. Phép lạ này không phải
để “lấy le”, ra oai với mọi người, mà là tiên báo, Người sẽ làm chủ thần chết,
vượt qua tử thần, và chính Người sẽ làm như vậy. Điều này còn nói lên ý nghĩa,
dù là Con Thiên Chúa, Nhưng Chúa cũng phải bước qua tử nạn rồi mới đến phục
sinh. Như vậy, đức tin cho thấy rằng dù tin vào Đức Kitô, nhưng con người cũng
phải chịu đau khổ và chết chóc theo quy luật tự nhiên. Vì muốn sống lại tất
nhiên phải bước qua sự chết. Nếu người con trai bà góa thành Na-in không chết,
thì anh ta đâu có được sống lại. Vì vậy, chúng ta thấy cuộc tử nạn của Chúa
Giêsu là hữu lý, dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã mặc lấy nhân tính, thì Người
cũng phải bước qua cái chết. Vậy chết không còn là sự sợ hãi, nỗi bất hạnh cho
con người có niềm tin vào Đức Kitô. Vì chính Chúa là sự sống và là sự sống lại
cho con người.
Điều
thứ hai: cho thấy sự sống ở đời này là sự sống tạm, vì sự sống trần gian rồi sẽ
mất đi, rồi sự sống vĩnh cửu sẽ đến. Hình ảnh Chúa Giêsu cho con trai bà góa
thành Na-in sống lại là một niềm hy vọng cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô.
Hình ảnh sống lại theo nghĩa đen của con trai bà góa thành Na-in là một ý nghĩa
tượng trưng cho sự sống lại của nhân thế, nếu tin vào ơn cứu độ.
Đứng
trước cái chết của người có niềm tin, chúng ta chỉ có bổn phận cầu nguyện và đặt
trọn lòng tin vào Thiên Chúa, vì không ai là không phải chết, vì chết là một nỗi
bất hạnh, nhưng chết trong Đức Kitô thì không bao giờ là nỗi thất vọng, bởi vì
chính Chúa đã chết cho chúng ta.
Về
thời gian thì chúng ta có phúc hơn con trai bà góa thành Na-in, bởi vì anh ta
chỉ hưởng ơn phục sinh nhãn tiền rồi sau đó về già anh ta cũng phải chết, rồi
cũng phải chờ đến ngày Chúa Giêsu quang lâm thì anh ta mới được phục sinh thật
sự. Còn chúng ta được hưởng ơn cứu độ qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu thì chúng
ta sẽ được phục sinh khi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Người.
Vậy chết không còn là nỗi
sợ hãi khi chúng ta tin vào Thiên Chúa, nhưng sự chết vẫn xảy ra, vì đó là quy
luật tự nhiên, và hơn thế nữa sự sống siêu nhiên mới là sự sống đích thực, và
Chúa Giêsu không hứa ban bạc vàng cho những ai bước theo Người, nhưng Người hứa
ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người.
Lm.Phero Trần
Đình Phan Tiến
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Người là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, vì vậy
nơi Người không có sự chết, nhưng Người phải bước qua cuộc tử nạn để đến phục
sinh. Xin thương ban cho chúng con biết cậy trông vào Chúa để có sự sống viên
mãn.
Lẽ sống:
Hãy cho một nụ cười
Một
bệnh nhân nọ được đưa vào một bệnh viện do các tu sĩ điều khiển. Người ta không
để cho anh nằm điều trị trong một căn phòng riêng rẽ mà lại đặt anh nằm chung với
các bệnh nhân khác trong một phòng lớn. Vừa mới được khiêng vào căn phòng, người
đàn ông đã bị các bệnh nhân khác tuôn đến bao xung quanh. Người thì kéo chăn, kẻ
nắm áo, kẻ bứt tóc. Không mấy chốc, anh bị quăng xuống khỏi giường giữa những
tiếng cười đùa của các bệnh nhân khác.
Không
chịu đựng nổi trò chơi quái ác của các bệnh nhân, người đàn ông mới la hét để
kêu cầu vị phụ trách. Anh trình như sau: "Tại sao ông lại đưa tôi vào đây.
Tất cả các bệnh nhân xung quanh tôi đều cười đùa, nghịch ngợm như một đám con
nít. Hẳn họ không đau yếu như tôi".
Vị
phụ trách mỉm cười đáp: "Họ còn đau yếu hơn cả anh. Nhưng tất cả đều khám
phá ra một bí quyết, một bí quyết mà ít người ngày nay biết đến hoặc có biết đến,
họ cũng không tin".
Người
đàn ông muốn biết bí quyết ấy. Vị phụ trách bệnh viện mới lấy một cái cân có
hai đĩa ở hai đầu. Ngài lấy một hòn đá đặt vào một đĩa cân, đĩa cân ở đầu bên
kia liền được nhắc lên... Ngài giải thích như sau: Tôi vừa trình bày cho ông một
bí quyết của các bệnh nhân ở đây. Chiếc cân này là biểu trưng của tình liên đới
giữa con người với nhau. Hòn đá biểu hiện cho nỗi đau khổ của ông. Khi đau khổ
đè nặng trên ông, thì ở đầu cân bên kia, niềm vui có thể đến với một người nào
đó. Niềm vui và nỗi khổ thường sánh vai với nhau. Nhưng nỗi khổ cần phải được
đón nhận và dâng hiến, chứ không phải để giữ riêng cho mình. Hãy làm cho những
người khác trở thành trẻ thơ, hãy làm cho nụ cười được chớm nở trên môi của người
khác cho dẫu ta đang hấp hối".
Cái chết của Ðức Kitô
là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Ðó là Tình Yêu được dâng hiến
cho tất cả mọi người. Ðó là Hy Sinh cho tất cả mọi người. Ðó là Lý Tưởng của một
người sống và chết cho mọi người.
Nhìn ngắm Ðức Kitô trên
thập giá, chúng ta thấy được định nghĩa đích thực về con người: con người chỉ
có thể thể hiện được trọn vẹn tính người khi sống cho người khác. Càng sống cho
tha nhân, con người càng tìm lại được chính bản thân. Càng chia sẻ với người
khác, con người càng trở nên phong phú...
Có của cải, có thì giờ,
có niềm vui để chia sẻ đã đành, nhưng con người còn có cả một kho tàng khác để
chia sẻ cho người khác: đó là nỗi đau khổ, sự bất hạnh, những hy sinh âm thầm của
mình.
Âm thầm đón nhận một
đau khổ mà không than trách, không phàn nàn, nhưng luôn để lộ trên khuôn mặt sự
vui tươi, tinh thần lạc quan: đó là một trong những chia sẻ cao độ nhất mà
chúng ta có thể dành cho người khác.
Vác lấy khổ đau để trở
thành gánh nặng cho người khác: đó là một trong những chia sẻ cao quý nhất mà
chúng ta có thể dành cho người khác.
Dâng từng khổ đau, hy
sinh và âm thầm phục vụ từng ngày để cầu nguyện cho tha nhân: đó là một trong
những chia sẻ cao đẹp nhất, bởi vì chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của sự
chia sẻ ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét