PHÚC ÂM: Mt 7,21-29
“Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được
như người khôn xây nhà trên đá.” (Mt 7,24)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy :
"Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai
thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với
Thầy rằng : "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh
Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều
phép lạ đó sao ?" 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các
ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !
24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây
mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào,
nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà
chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào,
nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".
28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy
xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người,29 vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm
quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Suy niệm:
Thực thi ý Chúa
Mẹ Têrêsa
Calcutta đã có lần phát biểu: Tôi muốn các nữ tu của tôi luôn có nụ
cười rạng rỡ trên gương mặt của họ. Tôi đã cho về nhà nhiều thiếu nữ dự tu, vì
họ chưa vui vẻ đủ, họ không có khả năng để cười. Khi tôi thấy các nữ tu đi làm
việc mà mặt mày ủ rũ, nụ cười chưa nở trên môi, tôi liền nói với họ: "Các chị hãy về
nhà ngủ một giấc, rồi sau đó mới đi làm việc, các chị quá mệt mỏi rồi".
Mẹ Têrêsa quả đã
sống cho đến cùng những đòi hỏi của Tin Mừng. Mẹ đã nhiều lần quả quyết rằng công việc mà Mẹ
và các nữ tu của Mẹ đang thực hiện không phải là công tác xã hội, mà thiết yếu
là hành động bác ái. Hành động bác ái hay sống bác ái là sống và rao giảng Tin
Mừng, mà nói đến Tin Mừng là nói đến vui tươi, hân hoan. Do đó, thật
mâu thuẫn khi Tin Mừng được sống với bộ mặt ủ rũ, khi Tin Mừng được loan báo với
cung giọng buồn thảm.
Tin Mừng phải được
thể hiện trước tiên qua cuộc sống của người rao giảng Tin Mừng, đó là đòi hỏi
cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ. Trong Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu nêu bật những đòi hỏi ấy qua dụ ngôn hai ngôi nhà: ngôi nhà
xây trên đá thì vững chắc, dù mưa sa bão táp cũng không thể làm lay chuyển, đó
là hình ảnh người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ không chỉ lắng nghe lời
Ngài, mà còn đem áp dụng vào cuộc sống. Ngôi nhà xây trên cát, đó là hình ảnh của
những người nghe lời Chúa, nhưng không đem ra thực hành.
Tin Mừng vốn
không chỉ được lắng nghe cho vui tai, mà là để được thực thi; chân lý không chỉ
được hiểu biết suông, mà để được thực thi; bác ái không chỉ trên môi miệng,
nhưng phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể. Tựu trung đây cũng là sự nối
dài và đòi hỏi của mầu nhiệm Nhập Thể trong đời sống đức tin. Thiên Chúa Nhập
Thể làm người không chỉ là một chân lý trừu tượng, Ngài đã trở thành con người
bằng xương bằng thịt; Ngài không phải là khách bàng quan đứng ngắm nhìn lịch sử
nhân loại, Ngài đã nhập cuộc làm một với nhân loại, Ngài không rao giảng Thập
giá như một lý thuyết suông. Ngài đã thực sự vác lấy Thập giá và đón nhận mọi
khổ đau của con người. Do đó, tuyên xưng Thiên Chúa Nhập Thể làm người không phải
chỉ là tuyên xưng một chân lý, mà thiết yếu là đi vào con đường Nhập Thể của
Ngài.
Không thể có
Kitô giáo và niềm tin Kitô mà không có dấn thân; không thể là môn đệ Chúa Kitô
mà không đi lại con đường của Ngài; không thể rao giảng Tin Mừng bằng những lời
nói suông; không thể sống niềm tin Kitô mà không mỗi ngày cố gắng nên hoàn thiện
như Cha trên trời. Chúng ta vốn thán phục những người làm nhiều, hơn là những kẻ
nói nhiều. Nói mà không làm là kẻ dối trá, nói một đàng nhưng làm một nẻo là kẻ
lừa gạt. Tất cả rồi cũng qua đi, chân lý chỉ thực sự chiếu tỏ bằng cuộc sống
trung thực mà thôi.
Nguyện xin Chúa
gia tăng ý thức ấy nơi chúng ta. Xin cho niềm tin chúng ta tuyên xưng trên môi
miệng được diễn đạt một cách sống động qua cuộc sống mỗi ngày. Xin cho đức ái
luôn chiếu tỏa bằng những hành động cụ thể, để mọi người nhận biết chúng ta là
môn đệ đích thực của Chúa.
Sống Lời Chúa:
Chúa Giêsu phán:
"Không phải
bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa' là được vào Nước Trời cả đâu!
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào
mà thôi" (Mt 7,21). "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập
vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy
nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát.
Gặp mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan
tành" (Mt 7,24-27.
Lời Chúa trên
đây dạy ta phải chú trọng đến thực hành. Đừng giữ đạo hình thức. Phải sống theo
ý Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con không chỉ biết yêu mến Chúa trong nhà thờ, mà còn biết
sẵn sàng quảng đại và hy sinh để sống Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày.
Lẽ sống:
Khối đá cẩm thạch
Một lần kia các
phụ nữ giàu có sinh sống tại thành phố Firenze, miền bắc nước Italia nảy ra
sáng kiến góp một khối đá cẩm thạch lớn và thuê một nhà điêu khắc tạc thành bức
tượng nào tùy ý, mà ông nghĩ là dân chúng sẽ ưa thích để làm quà cho thành phố.
Nhưng có lẽ đây
không phải là một nhà điêu khắc tượng có biệt tài hay vì khối đá bị sẻ không
đúng theo quy luật điêu khắc, nên sau khi nghiên cứu một thời gian, ông ta
không biết dùng khối đá để tạc tượng gì nên đành bỏ cuộc với lời quả quyết:
"Ðây là một khối đá vô dụng".
Kể từ ngày ấy,
khối đá cẩm thạch quý giá bị bỏ ngoài trời mặc cho mưa sa tuyết phủ. Một nhà
điêu khắc khác cũng được mời đến xem khối đá, nhưng sau khi nhìn ngắm và có người
thử phác họa vài nét nháp trên giấy, tất cả đều bỏ đi với cùng một ý kiến của
nhà khắc tượng đầu tiên.
Cho đến một ngày
kia, Michelangelo, nhà điêu khắc và kiến trúc thời danh có dịp ghé thăm thành
phố nhà. Không rõ có ai lưu ý ông về khối đá hay ông tình cờ khám phá ra, nhưng
ông cảm thấy muốn tạc một bức tượng được tạc từ khối đá mà ai cũng cho là vô dụng.
Ông đo mọi kích
thước. Ông bỏ hàng ngày để nhìn ngắm khối đá để tìm hứng. Bỗng chốc ông thấy thật
rõ ràng một bức tượng mà ông xác tín là dân chúng thành Firenze sẽ rất mến mộ. Ông nhìn thấy hình
chàng thanh niên David vai mang cái ná bắn đá, tay cầm những hòn sỏi, trong tư
thế sẵn sàng ra chiến đấu với tên khổng lồ Goliát.
Những nhà khắc
tượng khác đồng ý cho rằng: đây là một khối đá vô dụng.
Nhưng dưới cặp mắt
của Michelangelo khối đá ấy đã mang hình ảnh chàng thanh niên David, vị anh
hùng dân tộc Do Thái và lập tức ông lấy dụng cụ bắt tay vào việc, mặc cho những
người tạc tượng khác lắc đầu mỉm cười ngụ ý nói rằng: đây là thật công dã
tràng.
Nhưng Michelangelo vẫn miệt mài làm việc,
gác ngoài tai những tiếng thị phi. Rồi cuối cùng, mỗi nhát búa, mỗi cái đục đẽo
làm nổi hẳn một bức tượng chàng David hiên ngang, oanh liệt, mà trải qua bao thế
kỷ vẫn làm say mê hàng vạn du khách, trố mắt đứng nhìn một kỳ công tuyệt tác của
nghệ thuật điêu khắc.
Không ai trong chúng ta là khối đá vô dụng
khi được chọn để tạc thành những bức tượng tín hữu Kitô sống động dưới những
nhát búa, nét đục của Chúa Giêsu.
Lời Chúa và sự hiện diện của Ngài muốn tạo
chúng ta thành những Kitô hữu xứng với danh gọi, nghĩa là giống Chúa Giêsu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét