Phúc Âm : Lc 9,18-24
"Thầy là Đấng Kitô của
Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ". (Lc 9,20-22)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình.
Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : "Dân chúng nói
Thầy là ai ?" 19 Các
ông thưa : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông
Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi : "Còn anh em, anh
em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên
Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm
giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói : "Con Người phải
chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết
chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người :
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu
được mạng sống ấy.
Suy
niệm:
Đức tin và Thập gía
“Còn anh em, anh em bảo
Thày là ai?”, người tín hữu có bổn phận trả lời câu hỏi này mỗi ngày. Câu trả lời
không chỉ được thực hiện bằng môi miệng, nhưng bằng đời sống cụ thể.
Hành
trình đức tin là một cuộc tìm kiếm miệt mài liên lỉ. Đối tượng của cuộc tìm kiếm
này là Thiên Chúa. Tuy vậy, Thiên Chúa là Đấng vô hình, nên người ta dễ lầm lạc
và ảo tưởng trong những quan niệm về Ngài. Niềm tin vào Ông Trời, vào Thượng Đế,
vào Ông Trên Đầu và biết bao danh xưng khác trong các hình thức tín ngưỡng bình
dân cho thấy niềm thao thức của con người muốn đi tìm Đấng là Nguồn cội của
mình.
Kitô
giáo là một tôn giáo mạc khải. Thiên Chúa đã tự tỏ mình cho chúng ta qua Con của
Ngài. Đức Giêsu đến từ cung lòng Chúa Cha để nói với chúng ta về Chúa Cha. Người
cũng mời gọi chúng ta sống cho xứng với phẩm giá làm người và làm con Thiên
Chúa. Như thế, nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta biết Chúa Cha. Cũng nhờ Người mà mỗi
ngày chúng ta sống trên trần gian là một bước tiến đến lại gần Chúa Cha. Nói
cách khác, mỗi ngày sống là một khám phá ra sự hiện diện và lòng nhân ái của
Người. Lý tưởng của người Kitô hữu không phải là một vĩ nhân trần thế, nhưng là
chính Thiên Chúa, như lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Hãy nên hoàn thiện như
Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Lc 5,48).
Đời
sống hằng ngày của người kitô hữu là một chuỗi những cố gắng để nhận ra khuôn mặt
của Chúa Cha thể hiện qua Chúa Giêsu. Giữa những ồn ào và bươn chải của cuộc sống,
nhiều khi chúng ta lãng quên chân lý quan trọng này. Vì thế, câu hỏi của Chúa
Giêsu đặt ra cho các môn đệ cũng là một gợi ý giúp chúng ta định hướng cuộc đời:
“Còn anh em, anh em bảo Thày là ai?”. Xem ra các ông lúng túng trước câu hỏi của
Chúa, nên mới trả lời bằng những lời đồn thổi về Người. Giả sử bây giờ Chúa hiện
ra đặt với chúng ta cũng câu hỏi ấy, chắc chắn chúng ta không khỏi giật mình,
vì hình ảnh và quan niệm về Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ, nơi chúng ta còn mờ nhạt
mông lung. Sự mờ nhạt này là hậu quả của tình trạng thiếu kiến thức giáo lý, và
vì thế, dẫn tới cách ăn nết ở không phù hợp với giáo huấn của Chúa.
“Còn
anh em, anh em bảo Thày là ai?”. Trả lời được câu hỏi này, chúng ta cũng xác định
được chúng ta là ai. Ngỏ lời với giáo dân Galát, Thánh Phaolô đã xác định rõ: sự
hiểu biết thâm sâu về Đức Giêsu sẽ giúp cho chúng ta “mặc lấy Người”. Cách nói
của Thánh Tông đồ muốn diễn tả tâm hồn của người tín hữu khi được nên một với
Chúa thì được Người bao phủ như một chiếc áo choàng. Đó cũng là nghi thức mang
tính tượng trưng khi cử hành bí tích Thánh Tẩy. Người vừa được rửa tội mặc một
chiếc áo trắng, diễn tả tình trạng tinh tuyền sau khi được tắm trong dòng nước
thiêng liêng. Họ được “mặc lấy Chúa Giêsu”, tức là từ nay họ theo sát Chúa như
hình với bóng, được Người chở che và giữ gìn. Không chỉ là mặc lấy bề ngoài,
nhưng người tín hữu còn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, để rồi, như
Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống
trong tôi” (Gl 2,20). Như thế, trong Chúa Giêsu, chúng ta không còn phân biệt
Do Thái hay Hy Lạp, giàu hay nghèo, nam hay nữ, uyên bác hay bình dân. Tất cả đều
mang nơi mình hình ảnh Chúa Giêsu. Hình ảnh ấy liên kết chúng ta trong tình
tương thân tương ái và giúp chúng ta sống theo giáo huấn của Người.
Kèm
theo câu trả lời của tông đồ Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống",
Thánh Phêrô được trình bày như một "phát ngôn viên" của nhóm Mười
Hai, đã nói lên căn tính và sứ mạng thiên sai của Thày mình. Điều tuyên xưng
này đã được Chúa Giêsu xác nhận, mặc dù Người yêu cầu các ông giữ kín. Khởi đi
từ việc tuyên xưng đức tin, Chúa Giêsu đề cập đến khía cạnh khác sứ vụ của Người,
đó là thập giá. Cũng như sứ mạng thiên sai gắn liền với cuộc khổ nạn, Đức tin của
các Kitô hữu cũng đi liền với thập giá cuộc đời. Khá nhiều người chỉ muốn chọn
lựa Đức Giêsu mà khước từ thập giá. Nhưng, Chúa Giêsu vác thập giá và chịu đóng
đinh mới là Đức Giêsu Cứu thế, mới là Đấng Cứu độ trần gian. Đức Giêsu chịu khổ
nạn thập giá mới là Đức Giêsu của lịch sử và của đức tin. Một Đức Giêsu không
thập giá chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người; một thập giá không Đức
Kitô chỉ là sự điên rồ vô nghĩa.
“Còn
anh em, anh em bảo Thày là ai?”, người tín hữu có bổn phận trả lời câu hỏi này
mỗi ngày. Câu trả lời không chỉ được thực hiện bằng môi miệng, nhưng bằng đời sống
cụ thể. Người tín hữu chân chính sẽ nhận Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho mọi hành động
cũng như ngôn từ của mình. Mỗi chúng ta hãy tìm trả lời câu hỏi của Chúa một
cách nghiêm túc và cụ thể. Chúng ta cũng cần sàng lọc những hình ảnh sai lạc về
Chúa, về Giáo Hội, về các bí tích, để trình bày một đức tin tinh tuyền như Chúa
muốn và như Giáo Hội truyền đạt từ 20 thế kỷ. Chính đức tin ấy đã làm nên vẻ đẹp
diệu kỳ của Giáo Hội và đem lại cho các tín hữu niềm vui khi dấn thân phụng sự
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết từ bỏ mọi sự để dứt khoát bước
theo Ngài đến cùng. xin cho con luôn nhận ra
tình thương của Chúa qua những công việc bổn phận là những thập giá Chúa gởi đến
thanh luyện chúng con, giúp chúng con luôn hướng về Chúa và sự sống đời đời.
Lẽ sống:
Thế Ư ?
Hakuin
là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có
một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi
người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả
dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền
sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng
vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: "Thế ư?". Ai cũng
nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai
trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận
nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và
chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.
Nhưng
khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận
rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe
tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một
con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng
kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc
phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh
tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói:
"Thế ư?".
Hai
tiếng " Thế ư?" của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng
một âm điệu với hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và
chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể
hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu
không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương
trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con
người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có
nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người
vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một chương
trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có
nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn
luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục
mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét