Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục,
tiến sĩ Hội Thánh
Chào
đời khoảng cuối thế kỷ 12, tại Lít-bon, Bồ-đào-Nha, nhập hội kinh sĩ thánh
Augustinô, nhưng sau khi làm linh mục được ít lâu, thánh Antôn hâm mộ lý tưởng
sống Tin Mừng của thánh Phanxicô. Người đã đến Át-xi-di, sống bên cạnh thánh
Phanxicô (năm 1221). Với tài năng giảng thuyết ngoại thường, người được phái
qua Pháp là nơi các giáo thuyết của phái Ca-tha đang hoành hành. Người lập một
tu viện ở Bơ-ri-vơ La Gai-ác. Thánh nhân là người đầu tiên trong dòng dạy thần
học cho anh em. Người qua đời tại Pađôva sau khi giảng tĩnh tâm mùa Chay tại đó
(năm 1231).
PHÚC ÂM: Mt 5,38-42
“Còn Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị vả
má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt
đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác, trái
lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh,
thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy
đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt
đi.
Suy niệm:
Sứ giả
lòng thương xót
Trong xã hội cổ thời, giữa các bộ lạc thường
xảy ra những cuộc trả thù dã man. Luật Mô-sê trong Cựu Ước đã cho phép báo thù,
nhưng giới hạn việc “ăn miếng trả miếng” ở mức tương đương: “Nếu ai làm cho người
đồng bào phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gãy đền
chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24,19-20). Như vậy, luật Cựu Ước không
cho phép hành động theo bản năng trả thù mù quáng vô độ nhưng theo sự công bằng.
Đây là khởi điểm của lòng thương xót. Chúa Giêsu còn đi xa hơn. Ngài xóa bỏ mọi hình
thức trả thù và công bố luật mới về lòng thương xót. Chính Ngài đã tha thứ cho
những kẻ sỉ nhục, đánh đập, đóng đinh Ngài và dạy chúng ta lấy tình thương xóa
bỏ hận thù.
Sống Lời Chúa:
Theo ý của Đức Giáo hoàng Phanxicô: Năm Thánh Lòng Thương
Xót là thời gian để mọi người cùng nhau học tha thứ và thương xót như Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Mỗi người phải trở nên một tia ánh sáng, một
sứ giả lòng xót thương của Thiên Chúa cho anh em qua cách sống quảng đại của
mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng,
biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết
làm việc mà không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng
nào khác hơn là biết con đã làm theo thánh ý Chúa.
Lẽ sống:
Hãy mai táng chính mình
Một vị linh mục
nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một
buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: "Một
nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới".
Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con
người quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ,
mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến
cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện
cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn
biết.
Sau thánh lễ, vị
linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng
người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng
đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy
trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ
nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người
làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: "Như anh chị em
đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người
mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người
trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải
mai táng chính mình... Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng
ta".
Bắt đầu sứ mệnh
công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu
muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục Ý Chúa Cha để đi vào
Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại. Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và
Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước.
Thiết lập Phép Rửa
như cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cũng muốn
chúng ta tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của
Phép Rửa, chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối
với chúng ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu,
chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó
đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi,
cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét