Phúc Âm : Lc 7, 36-50
"Tội bà rất nhiều mà đã
được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
36 Có
người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến
nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng
một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại
nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà
khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn
chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy
vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng : "Nếu quả thật ông
này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ
người nào : một người tội lỗi !" 40Đức
Giê-su lên tiếng bảo ông : "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông
!" Ông ấy thưa : "Dạ, xin Thầy cứ nói." 41 Đức Giê-su nói : "Một chủ nợ kia
có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã
thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn
?" 43 Ông Si-môn đáp :
"Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo :
"Ông xét đúng lắm."
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người
nói với ông Si-môn : "Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông :
nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt
chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông
đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân
tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng
không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của
chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được
tha ít thì yêu mến ít." 48 Rồi
Đức Giê-su nói với người phụ nữ : "Tội của chị đã được tha
rồi." 49 Bấy giờ những người
đồng bàn liền nghĩ bụng : "Ông này là ai mà lại tha được tội ?" 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ :
"Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
Suy
niệm:
Hãy Cảm thông với nhau
Cuộc
sống hôn nhân có vui có buồn. Vui thì chẳng mấy người nói ra nhưng buồn thì
luôn được tô phồng qua những câu chuyện “tám” hằng ngày với nhau, có khi qua cả
báo chí, mạng truyền thông. Điều quan yếu để có hạnh phúc gia đình là phải cảm
thông và tha thứ cho nhau, nhưng đáng tiếc nhiều đôi vợ chồng đã không kềm hãm
tính nóng giận của mình trước sai lỗi của nhau.
Có
hai chàng say rượu nói chuyện với nhau:
"Mày
sẽ nói gì khi về nhà trễ?"
"Ngắn
thôi: anh đã về."
"Chỉ
thế thôi à?"
"Chỉ
thế thôi, còn lại thì vợ tao sẽ nói..."
Những
chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ấy cũng là nguyên nhân cho những đổ vỡ
thiếu chung thủy của người bạn đời khi không tìm được sự cảm thông nơi người bạn
trăm năm của mình.
Đặc
biệt trong xã hội văn mình hôm nay còn có một nguyên nhân dẫn đến sự phản bội
nhau chính là mạng truyền thông ngày một tiến bộ hơn. Người ta dễ ngoại tình ảo
qua Internet hay điện thoại thông minh. Làm sao có thể biết chồng hay vợ đang
xem gì, đọc gì trên internet, và email ở phòng bên ? Bên cạnh đó, sự lạm dụng
Internet cũng đem đến đổ vỡ tình cảm,
tình yêu của nhiều vợ chồng.
Chúng
ta vẫn thường nghe những câu nói đại loại như:
+
“Ông lo ôm nó mà không ôm tôi, tôi sẽ đi ôm người khác!”
Hoặc:
+
“Bà cứ ôm cứng nó mà không ôm tôi, tôi sẽ phá nát cái gia đình này cho mà biết!”
Những
câu nói thường xuyên mà nhiều người vẫn thường nói hoặc nghe nói về những lạm dụng
computer, email, internet này đã trở thành sự thật chua chát đối với nhiều gia
đình khi mà người chồng hoặc người vợ đã không ý thức hoặc kìm hãm được đam mê
của mình trong việc sử dụng những tiến bộ của khoa học.
Nếu
biết rằng cuộc sống hôm nay nhiều cám dỗ thì con người hôm nay cần cảm thông
tha thứ cho nhau. Tha thứ không phải là đồng lõa cái sai mà tha thứ để giúp
nhau làm lại cuộc đời. Tha thứ không phải là im lặng mà là giúp nhau sửa đổi
cái sai để đi đến hoàn thiện.
Tin
mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách ứng xử của Chúa Giê-su và người biệt Phái
thật khác nhau. Chúa Giê-su cảm thông. Người biệt phái thì khắt khe muốn loại
trừ. Chúa Giê-su nhân từ. Người biệt phái thì bất khoan dung. Chúa Giê-su tha
thứ. Người biệt phái vẫn để định kiến che lấp lòng bác ái bao dung.
Cuộc
đời sẽ đẹp biết bao nếu ai cũng sống cảm thông tha thứ cho nhau. Ai cũng cần
người khác tin tưởng thì mình cũng hãy tin tưởng anh em. Ai cũng cần người khác
cảm thông thì mình cũng hãy cảm thông với tha nhân. Nhất là trong đời sống vợ
chồng xin đừng khắt khe với nhau. Hãy sống chan hòa yêu thương. Hãy tạo cho gia
đình mình một không khí bình yên hạnh phúc. Đừng đố kỵ, ghen tương gây nên những
đổ vỡ gia đình. Hãy sống bao dung để gìn giữ gia đình được mãi hạnh phúc trăm
năm.
Xin Chúa giúp chúng ta
luôn ý thức mình là tội nhân, thế mà Chúa vẫn yêu thương để rồi cũng biết sống
tha thứ cho nhau. Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa luôn sống bao dung nhân ái
hầu giúp nhau thăng tiến thay vì kết án loại trừ nhau. Nhất là trong năm Lòng
Thương Xót, xin cho mỗi người biết xót thương nhau như Chúa đã xót thương chúng
ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của
mình, và mau mắn chân thành sám hối, để được Chúa tha thứ và ban cho ơn bình
an. Xin cho chúng con biết thực thi giới răn yêu thương của Chúa trong gia đình
và ngoaì xã hội. Xin Chúa luôn hiện diện trong lòng chúng con, để chúng con
luôn biết làm điều đẹp lòng Chúa.
Lẽ sống:
Ngọn lửa không hề tắt
Trong
tác phẩm Ðại Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga
Solzenitzyn ghi lại thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học
tập. Nhưng giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái
nhìn lạc quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô
nhân đạo nhất mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.
Trong
tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề "Hai chị em", Hà Thúc Sinh đã nêu
bật được hình ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn
sàng kịch liệt chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình... Hai chị em Lan
và Trực bị đắm tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất
còn sống sót, họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong
nguyên một tuần lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị
em. Sau một tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi
mong tìm lại được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần
áo. Khi ra đi, anh đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để
kêu gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng
để còn có thể quay lại đảo... Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang
đảo... Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất
tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.
Tác
giả đã kết thúc câu chuyện như sau: "Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một
vùng hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người
ta có thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngọn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi,
khi lớn, khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt".
Sống là một cuộc chiến
đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống
lại không biết bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu
xa.
Nhưng người Kitô hữu
không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức mạnh
vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh hùng của
một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương thực của
Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với Chúa Cha.
Qua ba cơn cám dỗ, Chúa
Giêsu đã luôn luôn qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ
của Ngài.
Tôi sống nhưng không phải
là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống của
chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu,
mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của
Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức
Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét