PHÚC ÂM: Mt 5,17-19
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn
sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
17 "Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến
không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì,
Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề
Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy
ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm
như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy
làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Suy niệm:
Kiện
toàn lề luật
Tin Mừng hôm
nay. Những người
Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật,
họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung
thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên
trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt
khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không
phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa
là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các
người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người
công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới
có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó,
kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên
quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình
mến.
Luật lệ vốn là lời
loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi
chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng
các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân
hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể
loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của
Ngài. Xét cho
cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa
Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Sống Lời Chúa:
Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ
trong ngày Sabát, giới lãnh đạo Dothái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Đức
Giêsu bất chấp Lề Luật. Thấy được sự sầm sì của họ, Đức Giêsu lên tiếng dạy các
môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Pharisêu: "Các con đừng tưởng
Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay Lời các ngôn sứ; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng
là để kiện toàn" (Mt 5,17). Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc
cho Lề Luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật.
Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề Luật, còn khi con người
vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con tuân giữ Lề Luật của Chúa trong sự ép buộc,
nhưng là trong lòng mến, để qua đó, nhờ Lề Luật mà làm cho chúng con được gần
Chúa và anh chị em chúng con hơn.
Lẽ sống:
Mẹ chúng ta
Một ngày kia,
thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa
Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi
lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: "Ai trong anh chị em có thể nói
cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?"
Thánh nhân phải
lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối
nhà thờ như sau: "Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa". Thánh Gioan
Bosco gật đầu nói tiếp: "Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế
vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria". Liền
sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng,
Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu
chữa kẻ bệnh tật v.v...
Sau khi nghe kể
hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười
nói tiếp: "Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn
chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Ðức maria...".
Chờ mãi vẫn
không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: "Tôi xin được nói với
anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều
đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết
thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ
chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và
sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria...".
Chính lúc Ðức
Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó
Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.
Sự sinh nở nào
cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng
kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của
chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập
giá của Chúa Giêsu.
Thập giá là nguồn
ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà
người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình,
ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con
người chối bỏ chính mình, khi con người trà đạp người khác, thì đó là lúc con
người dựng thêm những thập giá mới.
Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống
con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc
tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.
Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần
hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải
thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã
câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con
cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng
bày tỏ một niềm đau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét