PHÚC ÂM: Mt 9, 9-13
"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân
từ, chớ không phải là hy lễ". (Mt 9,12-13)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một
người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông : "Anh hãy theo
tôi !" Ông đứng dậy đi theo Người.
10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có
nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với
các môn đệ Người rằng : "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và
quân tội lỗi như vậy ?" 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : "Người khoẻ mạnh không
cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này :
'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Suy niệm:
Bữa tiệc thân hữu
Trong hầu hết
các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc
biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo
các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong
gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì
là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn
nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho
nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng
bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của
nhau.
Bài Tin Mừng hôm
nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm
thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội
lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn
chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn
với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên
Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa
chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.
Chúng ta sẽ
không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước
Trời: "Nước
Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một
tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những
luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng
nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn
giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn
giáo là tình thương.
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa
Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào
bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có
tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là
trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động
yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm
trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào
có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có
bình an, có Nước Trời.
Sống Lời Chúa:
Ðức Giêsu đã gọi
Mátthêu, một người thu thuế, hạng người bị coi là tội lỗi. Ông đã đi theo Ngài
không chút do dự. Việc gọi Mátthêu và việc Ðức Giêsu ăn uống đồng bàn với những
người thu thuế và tội lỗi, cho thấy Ngài tỏ lòng ưu ái đối với họ. Những người
Pharisêu thắc mắc và chỉ trích Ðức Giêsu, nhưng Ngài đã trả lời bằng cách nêu
rõ sứ mệnh của Ngài: sứ mệnh của một vị lương y, một vị mục tử nhân hiền luôn
yêu thương săn sóc những con chiên đau ốm và bị thương. Chỉ có những ai nhận ra
mình đang đau yếu, bệnh tật, tội lỗi mới được Ðức Giêsu cứu chữa. Còn ai tự cho
mình công chính, không cần đến Ðức Giêsu thì không được hưởng ơn cứu độ.
Mỗi người chúng
ta đã đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải biết yêu
thương cảm thông với những yếu đuối của anh chị em. Ðồng thời cùng với Ðức
Giêsu chúng ta có nhiệm vụ dẫn đưa những anh em lầm lạc trở về trong tình yêu
thương của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận tình trạng bệnh
hoạn, yếu đuối và tội lỗi của mình. Chúng con biết đến với Chúa để được Chúa
yêu thương tha thứ. Chúng con cũng biết đến với anh em để cảm thông, chia sẻ những
yếu đuối trong tình yêu thương, trân trọng. Bởi vì tất cả chúng con đều mang phận
thấp hèn, nhưng Chúa đã cho chúng con được ơn cứu độ và trở nên con cái Chúa.
Lẽ sống:
Một cách trả thù
Những người thổ
dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ
dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ
thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của
cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa
đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".
Mười mấy năm
sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn
xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt
tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô
vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người
hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông
ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi".
"Lấy ân trả oán": đó phải là
phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao
quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng
ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới
có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ
đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.
Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào
cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau
khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể
cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc
cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Ðó là cuộc cách mạng
mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù,
chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.