Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư sau Chúa nhật XI Thường Niên 17.06.2015

PHÚC ÂM: Mt 6,1-6.16-18
Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, phải rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Suy niệm:
Khiêm tốn trong đời sống

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em hãy coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng.”
Trong đời thường, người ta ai ai cũng có cái tính “tốt khoe, xấu che”. Đặc biệt trong việc làm phúc bố thí, thì lại càng muốn nhiều người biết đến, để được ca tụng, được “danh thơm tiếng tốt”, như vậy là đã được người đời trả công rồi. Đối với Chúa Giêsu, Người muốn khi chúng ta làm việc phúc đức phải được chính Thiên Chúa ban thưởng. Nên Người đã mời gọi tất cả chúng ta cần kín đáo hơn, đừng phô trương trước mặt thiên hạ, vì mọi sự Chúa Cha đã thấu rõ, Ngài ghi nhận và sẽ ban thưởng.
Đã vay, phải trả; đã nhận lãnh, phải cho đi. Vì con người đã nhận lãnh quá nhiều từ Thiên Chúa (mọi sự đều là của Ngài) và tha nhân (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quốc gia, thầy cô ...), nên họ có bổn phận phải cho đi. Vì con người không thể cho lại Thiên Chúa, nên họ cho đi bằng các giúp đỡ các anh chị em cần thiết. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta thấy có những người dám hiến cả tài sản họ đã vất vả tạo được cho những dòng tu hay các cơ quan từ thiện, mà không để lại cho con cháu hay người thân.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong bổn phận con người phải làm các việc lành phúc đức. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô bổn phận phải đóng góp và cách đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem: Vì họ đã lãnh nhận nhiều từ Thiên Chúa và Giáo Hội, nên giờ họ cũng phải rộng lượng trả lại và cho đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo những người làm phúc, cầu nguyện, và ăn chay để được tiếng khen. Họ đã được con người trả ơn rồi, và sẽ không được phần thưởng từ Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa:
Biết cho đi là biết cách đầu tư cho mình và cho gia đình. Chúng ta chú trọng rất nhiều đến cách đầu tư để lo tương lai vật chất cho con cái; mà rất ít khi để ý đến đầu tư để sinh lợi ích tinh thần cho mình và cho những người trong gia đình của mình. Cùng một việc thiện chúng ta làm có thể sẽ không sinh lợi ích thiêng liêng gì cho chúng ta cả nếu chúng ta chú trọng đến tiếng khen của người đời. Chúng ta hãy làm tất cả vì lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, để chính Thiên Chúa ban tặng phần thưởng cho chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn tất cả chúng con luôn có lòng khiêm tốn trong đời sống khi thực hiện đức ái. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết kín đáo trong công việc bác ái của mình, để nhận sự ban thưởng của Chúa Cha.
   
Lẽ sống:
Ðời vẫn có ý nghĩa

Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: "Ðời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.
Theo chú: "Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Ðời là vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Ðời là một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: "Ðời là tự do". Ðó là ý kiến của động vật.
Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: "Ðời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.
Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: "Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Ðời là một dòng nước chảy không ngừng".
Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".
Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cám ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng đi. 
Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi... Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống. Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét