PHÚC ÂM: Mt 5,43-48
Anh em hãy yêu kẻ thù.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét
kẻ thù. 44
Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi
anh em. 45 Như
vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người
cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa
xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu
thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng
làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì
anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao
? 48
Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Suy niệm:
Đừng bao giờ tự mãn về
mình
Chúa Giêsu rất yêu thương chúng ta, Chúa muốn mỗi người trong
chúng ta nên tốt và tốt mãi mãi cho đến khi được vào Nước Thiên đàng. Chúa
không muốn chúng ta tự mãn trong việc đã từ bỏ được cái xấu, cái tội lỗi. Cũng
như đã thực hiện được những đều tốt, điều thiện trong cuộc sống. Nhưng phải luôn
cố gắng và cố gắng không ngừng vì không có cái mức “hoàn thiện” nào mà chúng ta
có thể đạt tới được. Giúp chúng ta không bao giờ tự mãn về mình, nhưng luôn trông
cậy vào Chúa.
Có
nhiều lý do khiến con người từ chối ơn gọi trở nên hoàn thiện:
ü Họ đang sống giữa
thế gian, và phải bon chen với đời để sống còn.
ü Ơn gọi nên hoàn
thiện chỉ dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả mọi người. Họ
muốn khiêm nhường làm người ẩn dật bình thường.
ü Và Đức Kitô đòi
con người phải làm những điều vượt quá sức lực và khả năng của con người! Làm
sao con người có thể trút bỏ mọi sân si để trở nên hoàn thiện đang khi mang
trong mình một thân xác?
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong những đòi hỏi mà người tín hữu phải cố gắng
hoàn thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu nhiệt
thành đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, để giúp cho Giáo Hội có phương tiện
rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ
phải vượt quá tiêu chuẩn của thế gian để yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những
người bách hại các ông.
Theo
lời dạy của Đức Kitô:
Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu
nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người
có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện:
"Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc
chúng làm." Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo
tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ''Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.'' Và
còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức
Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
Những
lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
ü Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng
giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu
thương. ''Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt,
và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.''
ü Người môn đệ phải khác với người thường: ''Vì nếu anh em
yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người
thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?''
ü Người có đạo phải khác với người vô đạo: ''Nếu anh em chỉ
chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người
ngoại cũng chẳng làm như thế sao?''
ü Để trở nên hoàn thiện: "Vậy anh
em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.'' Hoàn thiện
là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết:
"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con
người theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gen 1:27).
Sống Lời Chúa:
Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những hồng ân Ngài đã ban tặng
chúng ta. Chúng ta cũng phải giúp đỡ Giáo Hội vì niềm tin chúng ta có được là
do tình yêu và lòng nhiệt thành truyền giáo Tin Mừng của Giáo Hội và các nhà
truyền giáo. Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu
chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn
của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu
thương và cầu nguyện cho kẻ thù.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, trong thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrintô, có nhắc
đến những cái tốt khởi điểm nơi Hội Thánh Ma-kê-đô-ni-a. Xin cho mọi thành viên
trong gia đình chúng con cũng biết bắt đầu thực hiện điều tốt, để ngày càng
thêm những cái tốt khác, hầu tránh được điều xấu, để chúng con sống đẹp lòng
Chúa hơn.
Lẽ sống:
Hãy đến với ta
Tại Roma có một
ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du
khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ,
có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và
cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm
sâu... Người ta kể lại
rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mất rất nhiều năm mới
hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn,
ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được
điều ông mong muốn...
Sau nhiều năm bỏ
dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công
việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm
cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương.
Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian
lao thử thách. Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến
ông bỏ cuộc.
Trái lại, ông càng miệt mài
chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt
của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh
lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở
nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp
thập vào đó.
"Hỡi
tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức
cho".
Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải
đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ,
thử thách.
Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng
phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi
của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với
chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường
thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì
Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con
người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như
không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính
Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai cho những kẻ
bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy". Trút lên Ngài tất
cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại
an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con
người. Kết hiệp với
Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người
đang đau khổ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét