Thánh Mác-se-li-nô và thánh Phê-rô, tử đạo
PHÚC ÂM: Mc 12,13-17
Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về
Thiên Chúa.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
13 Khi ấy, người ta cử mấy người Pha-ri-sêu
và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Đức Giê-su để Người phải lỡ lời mà mắc
bẫy. 14
Những người này đến và nói : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật.
Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo
sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da
hay không ? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp ?” 15 Biết họ giả hình, Đức Giê-su nói
: “Tại sao các người lại thử tôi ? Đem một đồng bạc cho tôi xem !” 16 Họ liền
đưa cho Người. Người hỏi : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp : “Của
Xê-da.” 17
Đức Giê-su bảo họ : “Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên
Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.
Suy niệm:
Công
Bình Bác Ái
Trong Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng như trong Sách Giáo lý cả
Hội Thánh xem nhân đức “Công Bằng” là một trong những nhân đức nền tảng; bởi vì
không ai chỉ sống riêng cho mình. “Công Bằng là trả lại cho người thân cận những
gì chúng ta mắc nợ” (GLHTCG 1807). Với người
Kitô hữu chúng ta luôn xây dựng đời mình trên nền tảng tình yêu. Nên không có
tình yêu, thì cuối cùng cũng chẳng có công bằng. Nhưng không có công bằng làm nền
tảng thì cũng không có tình yêu. Hình thức sâu xa nhất của đức công bằng là:
“Thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa”
Để bảo vệ trật tự
chung và sống an hòa với mọi người, mỗi người chúng ta đều phải biết khả năng
và giới hạn của mình; chẳng hạn, trong hệ thống điều khiển quốc gia, đã có 3
ngành: luật
pháp, hành pháp, và tư pháp. Mỗi ngành phải biết quyền năng và giới
hạn của mình để đừng dẫm chân lên nhau và gây xáo trộn trật tự. Trong mối liên
hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng thế, con người phải biết khả năng và giới
hạn của mình, để đừng thử thách và can thiệp vào những chuyện của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm
nay cho chúng ta vài ví dụ để nhận ra sự bất hòa, khi một người vượt quá khả
năng và giới hạn của mình. Trong Bài Đọc I, ông Tobit vượt quá giới hạn
của mình khi phán đoán vợ mua dê con của phường trộm cắp. Bà Anna, vợ ông, cũng
vượt quá giới hạn của mình khi thắc mắc về sự quan phòng của Thiên Chúa, và sự
"quá đạo đức" của chồng mình. Trong Phúc Âm, những người thuộc
phái Pharisees và phái Herode đã vượt quá khả năng của mình khi đặt câu hỏi và
gài bẫy Chúa: "Có
nên nộp thuế cho Caesar hay không?"
Họ nghĩ là họ nắm
chắc phần thắng, vì Chúa chỉ có thể trả lời hoặc có hoặc không. Chúa trả lời có
hay không, họ đều có lý do để buộc tội Ngài.
Câu trả lời khôn
ngoan của Chúa Giêsu:
Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng
bạc cho tôi xem!" Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh
hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Caesar." Đức
Giêsu bảo họ: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên
Chúa, trả về Thiên Chúa."
Phản ứng của những
kẻ gài bẫy: "Họ hết sức ngạc nhiên về Người." Trước tiên, họ không ngờ
Ngài có thể thoát bẫy họ giăng một cách dễ dàng như thế.
Ý nghĩa câu trả
lời của Chúa Giêsu:
Chúa nhắc khéo cho những người Pharisees đừng giả hình, vì họ cũng từng lấy mọi
thứ thuế của dân đóng vào Đền Thờ. Các tín hữu có hai bổn phận: Họ có bổn phận phải
trả lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban cho họ. Họ cũng có bổn phận nộp thuế
cho chính phủ để bảo vệ an ninh, tu bổ đường xá, và cung cấp các dịch vụ công cộng.
Chúa cũng nhắc nhở cho những người thuộc phe Herode biết giới hạn của mình. Họ
chỉ có quyền trên những gì thuộc quyền con người; những gì thuộc quyền Thiên
Chúa, họ không được đụng tới.
Sống Lời Chúa:
Chúng
ta cần biết khả năng và giới hạn của mình trong cách cư xử giữa con người với
con người để bảo đảm trật tự chung và sống hòa thuận với mọi người. Chúng ta
càng cần biết khả năng và giới hạn của mình trong cách cư xử với Thiên Chúa, để
có thể giữ vững đức tin và gặt hái được các kết quả tốt đẹp do việc làm theo
thánh ý Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa, đã cho chúng con trở thành con cái của Chúa
và được giáo dục đức tin trong tình yêu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con được xây dựng đời mình trên nền tảng “Công Bình Bác Ái”
Lẽ sống:
Nguồn gốc của sa
mạc
Người Ả Rập giải
thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau: "Thiên Chúa
đang sáng tạo vũ trụ. Sau khi đã hoàn tất tinh tú, trái đất, biển khơi, sông
ngòi, Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nặn được những thân
hình thật đẹp, nhưng đó chỉ là những pho tượng, vì chưa có linh hồn".
Lúc bấy giờ, một
tổng lãnh thiên thần mới đề nghị với Thiên Chúa là cần phải tạo dựng linh hồn
cho con người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm để
tác tạo linh hồn cho con người. Các linh hồn vừa mới ra lò còn rất mảnh khảnh
và yếu ớt.
Ngài mang các
linh hồn tươi tắn ấy xuống trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi
thay, hôm đó trời đổ mưa, cho nên một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng.
Một ngày nọ, một
trong những người đã lãnh nhận được linh hồn méo mó, đã buột miệng nói ra một lời
dối trá. Tuy chỉ là một lời dối trá không đáng kể, nhưng đó là một lời dối trá
đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người.
Thiên Chúa vô
cùng hối hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá ấy. Ngài bèn tập trung loài
người lại và tuyên bố: "Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối
trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất
một hạt cát".
Nhiều người nghe
lời đe dọa của Thiên Chúa, cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao
sánh với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã
không đếm xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói
láo mà vẫn đinh ninh đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát
trên trái đất cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi
người thứ tư... Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát
rơi xuống trên mặt đất nữa... Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần
để cho mưa cát xuống... Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây
um tùm biến thành sa mạc khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc
lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật.
Nhưng dần dà, ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa
mạc.
Tất cả những ai sống trong một xã hội xây
dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều biểu hiện được thế nào là sa mạc
của tình người.
Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết: chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn
nhau, chết của hy sinh phục vụ, chết của lòng quảng đại. Tựu trung,
dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ. Người dối trá là người chỉ biết sống cho
mình. Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của con người là sống yêu thương, sống
cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ chính mình. Chúa Giêsu đã
lên án gắt gao thái độ dối trá. Ngài nói: "Có
thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà
ra". Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị và
điều khiển của ma quỷ. Mỗi một thái độ
dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của
quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó
là Chân lý của tình yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét