PHÚC ÂM: Mt 7,1-5
Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
các môn đệ rằng : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, 2 vì anh
em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy ; và anh
em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. 3 Sao
anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của
mình thì lại không để ý tới ? 4 Sao anh lại nói với người anh em : ‘Hãy để tôi lấy
cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ? 5 Hỡi kẻ
đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy
cái rác ra khỏi mắt người anh em.”
Suy niệm:
Đừng
xét đoán
“Anh em đừng xét đoán; để khỏi bị Thiên
Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế
nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.”
Chúa Giêsu rất yêu thương con cái của Người,
nên Người kêu gọi chúng ta đừng xét đoán bất cứ ai, những người mà chúng ta đã
gặp, cũng như nghe nói đến, vì trong chúng ta luôn bất toàn, không thể hiểu rõ
mọi sự và mọi nguyên do, do đó sẽ đưa chúng ta đến chỗ xét đoán sai, và gây
thương tổn cho người ta. Quyền đoán xét chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, chính Ngài
biết rõ và thấu suốt mọi chuyện. và Ngài có toàn quyền trên mọi tạo vật mà Ngài
đã tạo nên.
Con người thích
xét đoán vì nó là dịp để đề cao mình và giảm danh giá tha nhân. Không những xét
đoán tha nhân, nhiều người còn nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa và xét đoán luôn
cả sự quan phòng của Ngài, khi họ chất vấn hay than phiền những đau khổ Thiên
Chúa bắt họ phải chịu. Con người xét đoán không năng xét mình; vì thế, họ thấy
họ tốt lành và dễ xét đóan tha nhân; nhưng nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ thấy
họ mang đầy những khuyết điểm, và không dám xét đoán tha nhân. Con người dễ xét
đoán, vì họ nghĩ chẳng có ai rỗi hơi kiểm điểm những lời xét đoán của họ; nhưng
nếu họ biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, họ sẽ cẩn thận hơn khi phải
xét đoán tha nhân.
Các Bài Đọc hôm
nay dạy chúng ta hai bài học rất quan trọng trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I,
tổ-phụ Abram nêu gương sáng cho chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào những gì
Thiên Chúa dạy. Khi được Thiên Chúa truyền: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và
nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi;'' tổ phụ Abram tin tưởng lên
đường ngay, vì ông hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy con
người tuyệt đối không được đoán xét để khỏi bị đoán xét; vì con người không
toàn thiện để đoán xét người khác.
Có những trường hợp con người buộc phải xét xử như: bề trên, quan tòa,
cha mẹ ... Trong những trường hợp buộc phải xét xử, hãy xét xử cách rộng lượng,
phải có đầy đủ các dữ kiện, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì theo Lời
Chúa cảnh cáo: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng
sẽ đong đấu ấy cho anh em."
Hãy kiểm điểm mình trước: Một trong những cách
giúp con người đừng đoán xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con
người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những
tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản
thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân. Ngược lại,
khi con người không năng xét mình, họ dễ dàng đoán xét tha nhân, vì họ nghĩ họ
sạch tội.
Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ để cảnh cáo hạng người này: ''Sao anh thấy cái
rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại
không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ''Hãy để tôi lấy cái
rác ra khỏi mắt bạn," trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ
đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy
cái rác ra khỏi mắt người anh em.''
Sống Lời Chúa:
Chúng ta phải hoàn toàn
tin tưởng vào Thiên Chúa, và đừng bao giờ xét đoán sự quan phòng của Ngài. Chúng ta cần tập
thói quen tuyệt đối không xét đoán tha nhân, vì đó không phải là việc của chúng
ta. Trường hợp vì bổn phận phải xét xử, hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần,
có tất cả các bằng chứng liên quan, hiểu hoàn cảnh của đương sự, và phán xét
cách rộng lượng.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Chúa khuyên dạy chúng con đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.
Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sống với giới luật mến
Chúa yêu người để chúng con xứng đáng là con cái của Chúa.
Lẽ sống:
Romeo và Juliet
Một trong các vở
tuồng bất hủ trên sân khấu kịch nghệ quốc tế phải kể là vở kịch mang tựa đề
"Romeo và Juliet" của nhà văn hào trứ danh người Anh, ông William
Shakespeare. Vở kịch này được sáng tác vào năm 1595, nhưng mãi cho đến nay, khi
vở kịch được phổ nhạc, được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn, khán giả vẫn nối
đuôi nhau chờ mua vé để vào theo dõi một câu chuyện tình cảm động giữa hai
thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng đường tình duyên bị trắc trở không
thể tiến đến hôn nhân, vì chàng và nàng thuộc về hai gia đình có mối thù truyền
kiếp với nhau trong bối cảnh xã hội mang nặng đầu óc nuôi oán, báo thù tại
Italia thời trung cổ.
Sau khi nàng
Juliet đem câu chuyện tình ngang trái tỏ lộ cùng một vị linh mục và cho ngài biết
ý định sẽ cùng với Romeo thoát ly gia đình để tìm đến một phương trời xa lạ xây
tổ uyên ương, vị linh mục đề nghị nàng dùng phương thế uống một thứ thuốc mê để
giả chết. Sau đó ngài sẽ cứu sống nàng và giao cho Romeo đem nàng đi. Kế hoạch
này được giữ bí mật đến nỗi chính chàng Romeo cũng không hay biết. Khi thấy người
yêu đã vì mình dùng độc dược quyên sinh, chàng Romeo cũng dùng gươm tự sát để
đáp lại mối tình tuyệt vọng của người yêu. Khi thuốc mê đã hết hiệu nghiệm,
nàng Juliet tỉnh dậy thấy người yêu đang thoi thóp bên vũng máu đào: tình yêu
kêu gọi tình yêu, nàng cũng dùng gươm kết liễu phận bạc để cùng chết với chàng.
Hình như những
câu chuyện tình thương tâm trong tuồng kịch hay tiểu thuyết nào cũng kết thúc bằng
trắc trở, chia ly, chết chóc. Dù bi ai, nhưng các câu chuyện ấy cũng nói lên một
phần nào sự thật. Ðó có lẽ là lý do tại sao trong các thiệp hồng báo tin hôn lễ,
các đôi trai gái tính chuyện trăm năm thường chọn và cho in câu: "Tình yêu mạnh hơn sự chết". Trong các cuộc
giao tế thường ngày giữa người với người hoặc trong mối quan hệ láng giềng, bạn
bè, kể cả cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân, vợ chồng,
chúng ta cần có những dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài để diễn tả tâm tình yêu mến
chất chứa bên trong: Từ những dấu chỉ đơn sơ, thi vị "yêu
nhau cởi áo cho nhau" đến chỗ hy sinh cả cuộc đời tận tụy,
làm lụng vất vả, gánh chịu những nhọc nhằn, chịu đựng tha thứ cho nhau "Một câu nhịn, chín câu lành" đối với
những người thân thương trong gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét