Phúc Âm : Mc 4,26-34
Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng
đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
26
Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này : “Chuyện Nước Thiên Chúa thì
cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức,
hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự
động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau
cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến
mùa.”
30
Rồi Người lại nói : “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn
nào mà hình dung được ? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống
đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc
lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới
bóng.”
33
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể
nghe. 34
Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò
với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Suy
niệm:
Hạt Giống Nước Trời
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như
chuyện một người vãi hạt giống xuống đất... giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất,
nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn
hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới
bóng.”
Đứng
trước dân số trên thế giới, tỷ lệ người Công Giáo quá khiêm tốn, mặc dầu hiện
diện khắp nơi trên thế giới. Nhưng với khát vọng của người tín hữu luôn luôn muốn
được nhìn thấy Nước Chúa phải tràn đầy trên mặt đất. Qua lời giải thích của
Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu được. Chuyện Nước Thiên Chúa cả là một mầu nhiệm,
con người không thể trông thấy theo cách của con người; nhưng cần phải tin vào
Thiên Chúa, mọi sự sẽ được hoàn thành theo cách của Ngài. Điều này là điều chắc
chắn. Như trong Sách Isaia 55,11. đã nói tới.
Trong
cuộc đời, có những điều xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Chẳng
hạn, chúng ta không cắt nghĩa được sự sống, không giải thích nổi đức tin; vì những
điều này đến từ Thiên Chúa. Một ví dụ rõ ràng hơn là sự thành hình của Giáo Hội
Công Giáo. Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội từ con số 12 các tông đồ, và Giáo Hội
đã không ngừng phát triển và tồn tại hơn 2000 năm qua, cho dẫu phải đương đầu với
biết bao những bắt bớ và thăng trầm của lịch sử.
Các
bài đọc muốn nhấn mạnh đến tác nhân chính của công trình cứu độ là chính Thiên
Chúa, con người chỉ giữ phần phụ thuộc trong công trình này. Trong bài đọc I,
Thiên Chúa là Người tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một
chồi non thành một cây hương bá to lớn, đến nỗi “muông chim đến nương mình bên
nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.” Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh
vai trò của đức tin trong cuộc sống con người. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức
tin của Thiên Chúa ban cho hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan
thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh
Nước Thiên Chúa giống như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay
không thì hạt giống vẫn sống: nó nẩy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết trái,
và sẵn sàng cho mùa gặt. Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ
bé nhất trong các hạt giống, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn cho muôn chim
kéo đến làm tổ.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con vững
tin những lời trong kinh Lạy Cha, mà tích cực đóng góp vào trong công cuộc loan
báo Tin Mừng.
Lẽ sống:
Tôi
biết chạy đến với ai?
Sau khi phản bội Chúa bằng
một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được
tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả
lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu
chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng
Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để
lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vở
kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người
ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người
đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với
ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tôi không biết phải chạy đến
với ai nữa".
Em
bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em
muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn
đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được:
"Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?".
Chúa
Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời
thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần
sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ...
hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản
thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của
tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các ngươi
không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".
Tuổi thơ thường gắn liền
với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của
trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ
thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng
kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ. Mời gọi chúng ta mặc lấy
tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi
chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết
chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy
tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho
bằng Mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét