Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ - lễ nhớ. 13.06.2015
PHÚC ÂM: Lc 2,41-51
Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong
lòng.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền
Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng
lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về,
còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông
bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi
tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở
lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy
con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai
nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi
thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại
làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng
tìm con !” 49
Người thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở
nhà của Cha con sao ?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ,
trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất
cả những điều ấy trong lòng.
Suy niệm:
Yêu thương chân thành
“Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục
các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.”
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Giáo Hội dẫn
chúng ta đi vào câu chuyện:
Khi Đức mẹ bị lạc mất Chúa Giêsu, Mẹ đã ra công đi tìm kiếm và đã gặp lại Chúa
Giêsu trong Đền Thờ. Giúp cho mỗi người ý thức: trong đời sống của mình có những lúc lạc mất
Chúa do tội lỗi của mình, thì biết lo lắng đau buồn, ra sức tìm kiếm Chúa để gặp
lại Chúa. Nơi dễ gặp Chúa nhất là trong Nhà Thờ, nơi Nhà Tạm có Chúa
Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện, Người đang chờ mọi con cái đến gặp Người, và
chính Người sẽ ban Lời, nhờ đón nhận Lời với sự suy đi nghĩ lại trong lòng sẽ giúp
chúng ta cải thiện đời sống của mình.
Chúng ta đang sống
trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng trong các mối
liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với Thiên Chúa và với
tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước khi đắc cử, họ hứa
hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng thực hành được bao
nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng hoảng kinh tế
toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian lận tiền của
chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống gia đình cũng
chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần làm hôn
thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời (hơn 50% đã
chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu người đã
giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề hứa hôm
nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con người thề
hứa?
Các Bài Đọc hôm
nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách thành thật. Trong
Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và ở lại trong
tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương này và
chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy
các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống,
và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ "có"
thì phải nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều gì là
do ác quỷ.
Sống Lời Chúa:
Tình yêu Thiên Chúa là
điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu thương chân thành những
người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ dàng phản bội nhau. Chúng ta là những môn đệ
của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn biết nói, sống, và làm
chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề thốt là điều dư thừa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ của Chúa, cũng là Mẹ của chúng con. Trong mọi sự chúng
con thường chạy đến với Đức Mẹ. Xin Chúa nhận lời cầu bầu của Đức Mẹ mà ban những
ơn cần thiết cho đời sống chúng con, làm cho chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn.
Lẽ sống:
Hãy mai táng chính mình
Một vị linh mục
nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một
buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: "Một
nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới".
Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người
quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ,
mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến
cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống.
Người ta đến không phải
để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà
ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị
linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người
quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều
ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy
trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người
chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người
làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: "Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã
cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy
trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng
thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Thánh
lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta".
Bắt đầu sứ mệnh
công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu
muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục Ý Chúa Cha để đi vào
Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại.
Một cách nào đó, mầu
nhiệm của Sự Chết và Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình
trong dòng nước.
Thiết lập Phép Rửa như cửa ngõ để đưa
chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu
nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của Phép Rửa, chúng ta khởi
đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối với chúng ta có nghĩa là
chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội
lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng
là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng
thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét