THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ - lễ
trọng
PHÚC ÂM: Mt 16,13-19
Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước
Trời.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền
Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai
?” 14
Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người
khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức
Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là
Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con
ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh
điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết :
anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới
đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh
tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy niệm:
Niềm
tin nền tảng của các Tông Đồ
“Thầy sẽ trao chìa khóa Nước Trời: dưới đất,
anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi
điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”
Suốt hành trình
mạc khải về Chúa Cha, về Nước Trời của Chúa Giêsu. Đã đến lúc Người muốn trong
đám người đi theo Người có ai nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai; và ai sẽ là người
“thay vì cai quản Hội Thánh” của Người ở trần gian này. Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống”. Qua lời tuyên xưng của Phêrô. Chúa Giêsu
đã xác nhận là do Cha của Người mạc khải cho biết. Chính do điều này mà Người
đã trao quyền tháo cởi hay là trói buộc cho Phêrô và những đấng kế vị Phêrô.
Hội Thánh được xây dựng vững chắc trên hai
cột trụ; vì nếu chỉ xây trên một cột trụ, sẽ không đứng vững, giống như người
chỉ có một chân. Phêrô rao giảng cho dân Do thái, Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại.
Phêrô lo tổ chức và bảo vệ Hội Thánh, Phaolô lo phát triển và bành trướng Hội
Thánh.
Các Bài Đọc hôm
nay nói lên sự lựa chọn, bảo vệ, và ban ơn của Thiên Chúa dành cho hai ông. Trong
Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật việc thiên sứ giải thoát Phêrô khỏi ngục
tù. Trong Bài Đọc II, Phaolô xác quyết nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, ông
đã chiến đấu một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã trung thành
giữ vững đức tin. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô được Thiên Chúa soi sáng để nhận ra và tuyên
xưng đức tin vào Đức Kitô, Ngài đã chính thức thiết lập Giáo Hội trên Đá Tảng
Phêrô; và Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực của thế gian và ma quỉ.
Đức
tin của Giáo Hội được đặt trên niềm tin nền tảng của các tông đồ. Đức tin này được
ví như "đá," có nghĩa vững chắc và không thay đổi với thời gian. Nhiều
người chỉ trích Giáo Hội cổ hủ, cứng nhắc, không chịu theo thời ... nhưng cũng
chính vì điều này mà Giáo Hội được thiết lập. Nếu Giáo Hội cũng thay đổi để được
con người chấp nhận, hòa giải nhượng bộ trước áp lực của ma quỉ và thế gian,
Giáo Hội sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay.
Chúa Giêsu trao
chìa khóa Nước Trời để nói lên quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy sẽ trao
cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ
cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi
như vậy." Công dụng của chìa khóa là để mở ra và đóng lại, cho
phép vào và từ chối không cho vào. Giáo Hội dùng quyền này để tha thứ hay cầm buộc hối nhân nơi
tòa cáo giải.
Sống Lời Chúa:
Đức Kitô cần cả Phêrô lẫn Phaolô. Ngài muốn hai ông hợp tác để củng
cố, bảo vệ, và phát triển Giáo Hội. Chúng ta cũng phải biết cộng tác với nhau
trong việc mở mang Nước Chúa. Để có thể làm việc cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội, chúng ta
không chỉ cần biết về Đức Kitô, nhưng phải sống mối liên hệ với Ngài. Giáo Hội
không phải chỉ là Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm; nhưng là tất cả các tín hữu ở
khắp nơi. Tất cả đều có bổn phận trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho chúng con ngày hôm nay có những chủ chăn như Thánh Phêrô ý
thức mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,8), để rồi
cảm thông mọi yếu đuối của mọi con người mà mở
đường cho họ đến được với Chúa.
Lẽ sống:
Ngài là cha tôi
Truyện cổ Roma
thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần
thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố
cho dân chúng tung hô.
Lần kia, các đường
phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể
theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi
hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng
vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng
đế.
Những người vệ
binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải
thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế.
Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là
hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".
"Ngài là
cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên
Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn
thắt chặt với từng người trong chúng ta.
"Ngài là
cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của
con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta
vẫn có thể gọi Chúa là Cha.
"Ngài là
cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình.
"Hãy trở nên chính mình". Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng
người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương
chúng ta vì những cá biệt của từng người.
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh
tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai
tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.
Một người xuất thân từ một dân chài, nóng
nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.
Hai trình độ
khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với
Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người
chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người
chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài... Một
người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người
đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác
nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong
tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa. Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là
hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của
Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu
sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự
nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những
giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của
Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét