PHÚC ÂM: Mt 7,21-29
Nhà xây trên đá và nhà xây trên cát.
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng
: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào
Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên
trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng
: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên
tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ 23 Và bấy
giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : ‘Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt
Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !’
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà
đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù
mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên
nền đá. 26
Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như
người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy
sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy
xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng
có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Suy niệm:
Sống Lời
Chúa
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem
ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn,
hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.”
Chúa Giêsu đang
muốn những người đi theo Người, tin vào Người đều được trở thành người môn đệ đích
thực. Người môn đệ
đích thực không chỉ là những người cứ cúi đầu “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà thôi đâu,
nhưng trong cung cách “lạy Chúa” đó, con người phải lắng nghe Lời Chúa để suy
niệm, để xây dựng đời mình trên nền tảng của Lời Chúa. Có như vậy, thì khi gặp
phải gian nan thử thách, đức tin mới đứng vững không bị sụp đổ, sụp đổ tan
tành.
Con người hay bội
hứa, quên thề; Thiên Chúa luôn trung tín. Con người hay thay đổi; Thiên Chúa
không bao giờ đổi thay. Con người nghĩ để sống sót, họ cần phải tiêu diệt đối
phương. Thiên Chúa chứng minh, Ngài có quyền năng làm cho tất cả hiện hữu
chung: Do thái Giáo, Kitô Giáo, và Hồi Giáo, đều đã được Thiên Chúa chúc lành
và có thể sống chung với nhau. Để Lời Chúa có thể sinh ích, con người không chỉ
cần lắng nghe, mà còn phải thực hành Lời Chúa dạy. Nếu con người chỉ biết trên
lý thuyết mà không chịu thực hành trong đời sống, Lời Chúa có ích chi cho con
người đâu!
Các Bài Đọc hôm
nay vạch ra cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người; giữa
cách cư xử của Thiên Chúa và cách cư xử của con người. Trong Bài Đọc I,
bà Sarai, khi thấy mình không được Đức Chúa cho sinh con, đã hiến người hầu,
Hagar, cho Abram để ông có con nối giòng. Khi Hagar có con với Abram, nàng lại
coi thường và khinh khi bà chủ. Bà Sarai tức giận và đối xử nhẫn tâm với Hagar đến
nỗi nàng phải trốn đi; nhưng sứ thần Thiên Chúa đã hiện ra và loan báo cho nàng
biết: Thiên Chúa cũng sẽ chúc lành cho giòng dõi của Ismael, con nàng. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Nước Trời chỉ dành
cho những ai thực hành Lời Chúa dạy.
Để dẫn chứng tầm
quan trọng của việc thi hành Lời Chúa, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ mà mọi người
đều hiểu.
Xây nhà trên đá: "Vậy ai nghe những
lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây
trên nền đá.'' Nhà xây trên nền đá, tuy khó làm lúc đầu, nhưng sẽ chịu
đựng được mọi thay đổi của thời tiết sau này.
Xây nhà trên cát: ''Còn ai nghe những
lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây
nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ
tan tành." Nhà xây trên cát rất dễ làm lúc đầu, nhưng không chịu
đựng nổi những đe dọa của thời tiết; chỉ cần một cơn sóng gió nhỏ cũng đủ cuốn
trôi nhà ấy.
Cuộc đời con người cũng thế: Nếu họ chịu xây
dựng cuộc đời của họ trên nền tảng của Lời Chúa, tuy khó khăn lúc đầu, nhưng sẽ
giúp họ đứng vững trước bất kỳ cơn phong ba bão táp nào của cuộc đời. Nhưng nếu
họ không chịu xây dựng cuộc đời trên nền tảng Lời Chúa, họ sẽ bị cuốn hút, và
không thể nào thắng vượt được những cơn lốc của thế gian, và bẫy giăng của ma
quỉ.
Sống Lời Chúa:
Chúng
ta phải luôn biết lấy tình thương Thiên Chúa để đối xử với nhau trong mọi hoàn
cảnh: khi thịnh vượng cũng như lúc nghèo khổ, khi khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau,
khi vinh quang cũng như lúc đau khổ; vì đó là lệnh truyền của Thiên Chúa. Tri
hành đồng nhất. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nếu chúng ta không thực hành
những gì Thiên Chúa dạy, lời khôn ngoan cách mấy cũng chẳng giúp được gì cho
chúng ta; nhưng nếu
chúng ta kiên nhẫn mang Lời Chúa ra áp dụng vào cuộc sống, Lời Chúa sẽ sinh rất
nhiều lợi ích cho cuộc đời chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa là lời hằng sống,
là nền tảng xây dựng con người và xã hội trần thế để được sống trong hạnh phúc,
bình an của tình yêu và phục vụ. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng
con, ham thích “đọc”, “học” và “suy niệm” Lời Chúa, để tất cả chúng con được trở
nên người môn đệ chân chính của Chúa.
Lẽ sống:
Lau chùi làm gì?
Trong những mẩu
chuyện giáo lý ngắn, Ðức Gioan Phaolô I có thuật lại câu chuyện sau đây:
"Những người xem thường việc năng đi xưng tội nhắc tôi nhớ đến anh giúp việc
của ông Jonathan Swift. Một lần kia, sau khi ngủ đêm trong một quán trọ, ông
Swift bảo người giúp việc đem cho ông đôi giày ống mà ông đã mang hôm qua. Khi
thấy đôi giày còn dính đầy bụi đất của cuộc hành trình vất vả xuyên qua những
cánh đồng lầy lội, ông Swift nhíu mày tỏ vẻ khó chịu và bảo anh giúp việc:
"Tại sao anh lại không lau chùi đôi giày cho sạch sẽ?".
Thấy chủ bất
bình và xẵng giọng, anh giúp việc hơi áy náy nhưng cũng gãi đầu, ấp úng thưa:
"Tôi nghĩ là... lau chùi cũng không ích lợi gì. Vì hôm nay, sau khi ông đi
vài dặm đường, đôi giày lại bị dơ bẩn trở lại".
Nghe người giúp
việc biện luận như thế, ông Swift giả vờ gật đầu đồng ý rồi bảo người giúp việc:
"Anh cho thắng yên ngựa, chúng ta khởi hành càng sớm càng tốt kẻo muộn".
Một lúc sau, mọi
việc đã được thu xếp xong và ông Swift ra lệnh lên đường. Nhưng người giúp việc
chạy vội đến kéo nài: "Thưa ông, chúng ta không thể lên đường ngay được vì
tôi chưa ăn sáng".
Ông Swift vừa
leo lên ngựa vừa bảo: "Ăn uống làm gì cho uổng công vì sau vài dặm đường,
dạ dày anh lại cồn cào kêu đói".
Cũng thế, có nhiều
người bảo: năng lãnh nhận bí tích Giải Tội có ích lợi gì. Vì thông thường sau
khi xưng tội, linh hồn chúng ta lại bị dơ bẩn trở lại vì những tội tái phạm. Có
lẽ họ cũng có lý. Nhưng giữ linh hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi,
cũng là một việc nên làm. Lại nữa, những người hiểu đúng nghĩa của phép Giải Tội và Xưng Tội đúng
cách sẽ được nghiệm thấy là phép Giải Tội không những rửa sạch mọi tì ố của tội
lỗi, nhưng còn hiệu lực giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm thường vấp
ngã với mục đích củng cố tình thân hữu của mình với Ðức Giêsu và sống trọn tình
hiếu thảo Cha con đối với Thiên Chúa.
Không ai trong
chúng ta dùng cơm xong lại thu dọn ngay những chén đĩa, nồi niêu đã dùng vào
giá kệ chén bát, viện cớ là: rửa làm gì cho uổng công, đến bữa ăn sau chúng lại
dơ bẩn trở lại.
Cũng không ai bảo:
giặt quần áo hay tắm gội làm gì cho hoài công, tốn nước. Một thời gian sau thân
thể và quần áo lại bị dơ bẩn trở lại.
Vâng, Ðức Gioan
Phaolô I dạy chúng ta:
hãy năng đi xưng
tội, dù biết rằng con người yếu đuối hay tái phạm những lỗi lầm mình đã vấp
ngã. Và trong lúc lãnh nhận phép Giải Tội, hãy nhớ lời Ðức Giêsu
bảo người phụ nữ ngoại tình: "Này chị, những kẻ tố cáo chị đâu cả rồi, không ai lên
án chị ư? Ta cũng vậy, Ta không lên án chị. Hãy về và từ nay, đừng phạm tội nữa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét