Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên. 05.06.2015

Thánh Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo - lễ nhớ
PHÚC ÂM: Mc 12,35-37
Sao người ta nói Đức Ki-tô là con vua Đa-vít.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
35 Khi ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi : “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít ? 36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói : Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.
37 “Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được ?” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.

Suy niệm:
Thiên Chúa làm chủ thời gian

Khi đứng trước một mầu nhiệm, con người dù thông thái đến đâu cũng không thể giải thích tường tận được. Chỉ có một mình Chúa Giêsu mạc khải cho mới có thể hiểu biết theo ơn ban của Người. Nên người tín hữu cần phải lấy đức tin mà sống. Chính đức tin là cửa ngõ dẫn vào sự sống thần linh. Đối với người Kitô hữu “Không có đức tin, không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6). Người tin là người được Thiên Chúa yêu thương, được Ngài cứu độ, nghĩa là được sống. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho. Nhưng ơn đức tin của chúng ta có thể được phát triển hay bị tàn lụi, nó còn tùy thuộc vào cách gìn giữ đức tin của mỗi người chúng ta.
Con người bị lệ thuộc vào thời gian; Thiên Chúa làm chủ thời gian. Con người khi làm bất cứ việc gì đều muốn có kết quả ngay; nhưng Thiên Chúa đòi con người phải chờ đợi. Trong thực tế, làm việc gì cũng cần phải có thời gian, trước khi nhìn thấy kết quả: trồng cấy, học hành, đầu tư ... Trong việc tập luyện nhân đức cũng thế: thời gian cần để thử luyện đức tin để phân biệt đức tin vững vàng với đức tin yếu kém; thời gian cần để chứng minh đâu là tình yêu chung thủy với tình yêu qua đường; thời gian cần để đào tạo sự kiên trì và trung thành, thay vì những nông nổi và cảm xúc nhất thời.
Bắt đầu Sách Tobit, chúng ta đã đặt hai câu hỏi: "Thiên Chúa có thấy những việc lành con người làm hay không?" và "Tại sao người lành phải đau khổ?" Lý do của hai câu hỏi là vì ông Tobit luôn cố gắng ăn ở theo sự thật: cho con đi mời người nghèo về để cùng ăn uống chung, chôn xác kẻ chết; nhưng ông vẫn bị mù và bị châm biếm bởi vợ! Trình thuật trong Bài Đọc I hôm nay cho thấy kết quả của những cố gắng của ông Tobit: ông được khỏi mù, ông lấy được tiền đã gởi người khác, ông đã lấy được vợ cho con ông và đã chữa cô ta khỏi ách nô lệ của quỉ Asmodeus. Điều này chứng minh: Tất cả mọi chuyện tốt đẹp xảy ra cho những ai cố gắng ăn ở theo sự thật và vững lòng trông cậy nơi Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải kiên trì và trung thành, chứ không được đòi hỏi phải có kết quả ngay.
Trong Phúc Âm, vì con người lệ thuộc thời gian, nên đa số không hiểu: làm sao Đức Kitô có thể trở thành Chúa Thượng của vua David được, vì Ngài có sau David cả 1,500 năm? Nhưng Chúa Giêsu muốn con người phải suy nghĩ khi Ngài trích dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này để tìm hiểu đâu là sự thật, vì lời Kinh Thánh không thay đổi, và chính vua David đã nói như vậy. Họ chỉ còn một cách hiểu là chấp nhận mặc khải của Đức Kitô: "Trước khi Abraham có, Ta đã có, vì Ta Hằng Hữu." Chỉ khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài mới có sau David, khi xét theo gia phả con người mà thôi.
Thiên Chúa hằng hữu, Ngài không lệ thuộc vào thời gian; nhưng trong Kế Hoạch Cứu Độ, Ngài muốn cho Con của Ngài nhập thể. Khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài chịu lệ thuộc vào thời gian. Một cách giúp chúng ta có thể hiểu câu hỏi này, là cách cắt nghĩa theo hai bản tính: Theo nhân tính: Đức Kitô là con vua David vì Ngài xuất thân từ giòng dõi của David, như Matthew đã cẩn thận chép lại (Mt 1:1-18).Theo thiên tính: Ngài luôn hiện hữu và cao trọng hơn vua David, vì "chính vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa (Chúa Cha) phán cùng Chúa Thượng tôi (Đức Kitô): bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con." Chúa Giêsu muốn chứng minh thiên tính của Người bằng cách trưng dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này. Ngài mời gọi đám đông suy nghĩ: "Chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?" Đám đông phải đi tới kết luận như Gioan Tẩy Giả: Người đến sau tôi nhưng Người có trước tôi và cao trọng hơn tôi; phần tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người (Jn 1:15, 27).

Sống Lời Chúa:
Con người chúng ta không đủ khôn ngoan để thắc mắc sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi nào không hiểu được những biến cố xảy ra trong cuộc đời, hãy biết khiêm nhường xin Thiên Chúa soi sáng để có thể hiểu được.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin sai Thần Khí của Chúa đến trên chúng con, để làm cho đức tin của chúng con được mạnh mẽ, giúp chúng con trở nên sống đức tin và chứng nhân của Tin Mừng nơi môi trường chúng con đang sống.
   
Lẽ sống:
Hãy cho một nụ cười

Một bệnh nhân nọ được đưa vào một bệnh viện do các tu sĩ điều khiển. Người ta không để cho anh nằm điều trị trong một căn phòng riêng rẽ mà lại đặt anh nằm chung với các bệnh nhân khác trong một phòng lớn. Vừa mới được khiêng vào căn phòng, người đàn ông đã bị các bệnh nhân khác tuôn đến bao xung quanh. Người thì kéo chăn, kẻ nắm áo, kẻ bứt tóc. Không mấy chốc, anh bị quăng xuống khỏi giường giữa những tiếng cười đùa của các bệnh nhân khác.
Không chịu đựng nổi trò chơi quái ác của các bệnh nhân, người đàn ông mới la hét để kêu cầu vị phụ trách. Anh trình như sau: "Tại sao ông lại đưa tôi vào đây. Tất cả các bệnh nhân xung quanh tôi đều cười đùa, nghịch ngợm như một đám con nít. Hẳn họ không đau yếu như tôi".
Vị phụ trách mỉm cười đáp: "Họ còn đau yếu hơn cả anh. Nhưng tất cả đều khám phá ra một bí quyết, một bí quyết mà ít người ngày nay biết đến hoặc có biết đến, họ cũng không tin".
Người đàn ông muốn biết bí quyết ấy. Vị phụ trách bệnh viện mới lấy một cái cân có hai đĩa ở hai đầu. Ngài lấy một hòn đá đặt vào một đĩa cân, đĩa cân ở đầu bên kia liền được nhắc lên... Ngài giải thích như sau: Tôi vừa trình bày cho ông một bí quyết của các bệnh nhân ở đây. Chiếc cân này là biểu trưng của tình liên đới giữa con người với nhau. Hòn đá biểu hiện cho nỗi đau khổ của ông. Khi đau khổ đè nặng trên ông, thì ở đầu cân bên kia, niềm vui có thể đến với một người nào đó. Niềm vui và nỗi khổ thường sánh vai với nhau. Nhưng nỗi khổ cần phải được đón nhận và dâng hiến, chứ không phải để giữ riêng cho mình. Hãy làm cho những người khác trở thành trẻ thơ, hãy làm cho nụ cười được chớm nở trên môi của người khác cho dẫu ta đang hấp hối".
Cái chết của Ðức Kitô là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Ðó là Tình Yêu được dâng hiến cho tất cả mọi người. Ðó là Hy Sinh cho tất cả mọi người. Ðó là Lý Tưởng của một người sống và chết cho mọi người.
Nhìn ngắm Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta thấy được định nghĩa đích thực về con người: con người chỉ có thể thể hiện được trọn vẹn tính người khi sống cho người khác. Càng sống cho tha nhân, con người càng tìm lại được chính bản thân. Càng chia sẻ với người khác, con người càng trở nên phong phú... Có của cải, có thì giờ, có niềm vui để chia sẻ đã đành, nhưng con người còn có cả một kho tàng khác để chia sẻ cho người khác: đó là nỗi đau khổ, sự bất hạnh, những hy sinh âm thầm của mình.
Âm thầm đón nhận một đau khổ mà không than trách, không phàn nàn, nhưng luôn để lộ trên khuôn mặt sự vui tươi, tinh thần lạc quan: đó là một trong những chia sẻ cao độ nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác. Vác lấy khổ đau để cảm thông chia sẻ gánh nặng cho người khác: đó là một trong những chia sẻ cao quý nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác. Dâng từng khổ đau, hy sinh và âm thầm phục vụ từng ngày để cầu nguyện cho tha nhân: đó là một trong những chia sẻ cao đẹp nhất, bởi vì chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của sự chia sẻ ấy.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét