Phúc Âm : Mc 4,35-41
Người này là ai, mà cả đến gió và
biển cũng tuân lệnh ?
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Mác-cô.
35 Khi
ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bờ bên kia đi
!” 36
Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có
những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền,
đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu
vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng
ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển
: “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát
thế ? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy
người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
Suy
niệm:
Thử thách trong
cuộc đời
Trong
đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn
đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng,
sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ
vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa
Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại
trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến
nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người
mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên
đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm
nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu
đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả,
nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ
xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh
như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả
vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa
muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là
định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa
không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong
ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy
đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ,
tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa,
tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa
muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện
ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi
người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách
trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương
diện.
Những thử thách giúp ta
biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua
ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa
đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm
xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng
trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn
hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm
trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết
yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách
ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có
thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó
thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa.
Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa
hơn.
Thử thách giúp đức tin
vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi.
Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng.
Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay
các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người
chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững
vàng.
Đời
sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương
ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững
tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm
vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại
tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều
biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
ĐTGM. Giuse
Ngô Quang Kiệt
Cầu
nguyện:
Lạy Đức Giêsu, ngày xưa Chúa đã trách các môn đệ rằng "Sao
các con sợ hãy thế ? Các con không có đức tin ư ?". Ngày nay cũng vì thiếu
đức tin mà chúng con phải sợ hãi nhiều điều. Xin Chúa ban thêm đức tin cho
chúng con, để trong mọi hoàn cảnh chúng con biết hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và
phó thác trong tay Chúa.
Lẽ sống:
Nhân Danh Thiên Chúa Ba
Ngôi
Christophoro
Columbo, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ
15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều
kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ:
"Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh". Lần
kia, khi Columbo trình bày về thuyết "Trái đất tròn" trước một nhóm học
giả được gọi là Hội Ðồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần
học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: "Hôm nay tôi được
hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì hoàng đế
đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi
xác tín là Chúa Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi".
Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbo đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi.
Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbo đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi.
Trong suốt cuộc đời,
người Kitô hữu chúng ta luôn kinh nghiệm sự gần gũi của Ba Ngôi Thiên Chúa: lúc
vừa mở mắt chào đời, chúng ta được nhận lãnh Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi.
Trong suốt ngày sống, chúng ta thường ghi dấu thánh giá trên mình với lời chúc
tụng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cũng như mỗi lần chúng ta dùng bữa hay
khi khởi đầu mọi sinh hoạt.
Cộng vào đấy mỗi lần
chúng ta vấp ngã và khiêm nhượng đi xưng thú những lỗi lầm trong tòa cáo giải,
chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân danh Thiên Chúa Ba
Ngôi và cũng nhân danh Người các đôi trai gái yêu nhau được nối kết để chung sống
đời hôn nhân.
Rồi cả các bệnh nhân
cũng được ban ơn sức mạnh nhờ danh Thiên Chúa Ba Ngôi để khi nhắm mắt xuôi tay,
các Kitô hữu chúng ta cũng được tiễn đưa vào cuộc sống đời sau và được chôn cất
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Mặt khác, Chúa Ba Ngôi
cũng là trung tâm và mục đích mọi hoạt động của những kẻ tin kính Người. Bởi thế
chúng ta thường kết thúc nhiều Kinh và những sinh hoạt bằng câu: "Sáng
danh Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét