PHÚC ÂM: Mt 5,20-26
Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng
: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư
và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng
: Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết
: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ
ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân
phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật
trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì
hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở
lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn
đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan
toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy
bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối
cùng.”
Suy niệm:
Sống hòa thuận với mọi người
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này và sẽ tồn tại trong cuộc đời
sau là tình yêu Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những hậu quả tốt lành khi một người
có được tình yêu này. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận tình yêu
Thiên Chúa, biểu tỏ cho con người qua Đức Kitô, có khả năng biến đổi con người
thành tạo vật mới. Sau khi được thấm nhuần tình yêu này, con người sẽ biết cách
đáp trả thích đáng tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và biết yêu thương tha nhân
như những người con của Chúa và như những chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ cụ thể là hậu quả của tình yêu Thiên
Chúa: người môn đệ
Đức Kitô phải luôn biết tha thứ và sống hòa thuận với mọi người. Không
được giận dữ với tha nhân:
Chúa Giêsu phân biệt đòi hỏi của Lề Luật và của tình yêu; đồng thời Ngài cũng
thách đố các môn đệ phải sống theo đòi hỏi của tình yêu, những điều mà Lề Luật
không thể đạt tới: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người;
ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai
giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì
đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo,
thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt."
Lề Luật không thể kết tội những gì
xảy ra bên trong con người vì không nhìn thấy những điều đó. Lề Luật cũng không kết tội khi
con người chửi mắng người khác, vì đó là những cảm xúc nhất thời của con người.
Lề Luật chỉ kết
tội con người khi có bằng chứng rõ ràng như giết người, gây thương tích thân
xác hay tài sản ... Ngược lại, đối với Thiên Chúa, Ngài có thể thấu
hiểu bên trong tâm hồn mỗi người và biết rõ những thiệt hại cho cả người làm
lẫn người bị xúc phạm; nên Ngài đòi hỏi các môn đệ phải đi xa hơn trong tiến
trình nên trọn lành.
Phải ăn ở thuận hòa với mọi người: Chúa Giêsu nêu ra hai lý do người
môn đệ phải sống hòa thuận với mọi người: Mối liên hệ với Thiên Chúa
không thể tách rời khỏi mối liên hệ với tha nhân: Theo truyền thống Do thái, mỗi khi
vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những
tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm
hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân
phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối
nhân.
Ăn ở hài hòa giúp con người tránh
được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy "dĩ
hòa vi quí;" người hiền lành sẽ được mọi người thương mến.
Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét,
tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ''Anh hãy mau mau
dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công,
kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh
sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi
trả hết đồng xu cuối cùng."
Sống Lời Chúa:
Chúng ta có được tình yêu
Thiên Chúa là qua sự kết hiệp và ở lại trong Đức Kitô. Nếu không có Đức Kitô,
chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như được đòi hỏi. Để đáp ứng ơn gọi làm môn
đệ của Đức Kitô, chúng ta không phải chỉ giữ những Lề Luật bên ngoài, mà còn
phải luôn đối xử với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Chúng con tất cả đều yếu đuối và thường là kẻ vô ơn đối với Chúa và
với anh em. Xin cho chúng con được ơn của Chúa, để nhận ra tất cả những gì
chúng con đang có, đang hưởng là do ơn ban nhưng không của Chúa; mà tạ ơn Chúa.
Và biết trao lại một cách nhưng không cho những người đang cần, đang sống chung
quanh, để cùng nhau chúc tụng, tạ ơn Chúa.
Lẽ sống:
Kẻ tháo đinh
Một trong những
chi tiết trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa
sĩ: đó là việc hạ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại
việc ông Nicôđêmô và một người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse
Arimahtia đã đến xin phép Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá.
Trong hầu hết các bức tranh mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều
tụy, không còn hình tượng của Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập
giá. Một người tháo đinh ra khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi
chân Ngài.
Một họa sĩ nọ,
thay vì vẽ lại chân dung của hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những
khuôn mặt của thời đại ông. Và người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu
không ai khác hơn là chính ông. Khi được hỏi lý do tại sao ông lại đồng hóa
mình với một trong hai người môn đệ, nhà họa sĩ đã giải thích như sau: "Những người như
tôi rất thường đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để
đóng đinh Chúa chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo
gỡ chiếc đinh của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài".
Chúng ta tuyên xưng
trong Kinh Tin Kính: "Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng
tôi". Ðiều đó có nghĩa là do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào
việc đóng đinh Ngài vào thập giá.
Thập giá vẫn
luôn mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một
biểu tượng, mà là một hiện thực. Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một, nếu Ðức
Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và nếu tội lỗi là một chối bỏ,
thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta đóng đinh
Ngài vào thập giá một lần nữa. Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong
lịch sử con người, nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn
cùng, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi lần chúng ta khước từ hay xúc phạm đến người
anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá. Qua mỗi
người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chịu đóng đinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét