PHÚC ÂM: Mt 6,7-15
Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng
: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói
nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh
em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này
:
‘Lạy Cha chúng
con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh
thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực
hằng ngày ;
12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con
cũng tha
cho những người
có lỗi với chúng con ;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng
con cho khỏi sự dữ.’
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người
ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ
cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Suy niệm:
Sự quan phòng của Chúa
“Khi cầu nguyện, anh em đừng
lãi nhãi như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt
chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”
Chúa Giêsu muốn con cái của
Người khi cầu nguyện không chỉ là những lời cầu xin dông dài cho bản thân mình,
không chỉ độc thoại một mình. Nhưng còn phải tin có sự hiện diện của Chúa nữa.
Chúa đang nhìn thấy; Chúa đang lắng nghe; và Chúa đã thấu hiểu những nhu cầu cần
thiết của mỗi người một. Nhưng Chúa cũng đang muốn trò chuyện với chúng ta nữa.
Chúng ta cần phải lắng nghe lời Chúa đang nói, đang nói với từng người một, những
lời yêu thương của Người; yêu thương tha thứ và ban ơn.
Mục đích chính của cuộc đời
chúng ta là cố gắng sống làm sao để mưu cầu ơn cứu độ cho chính chúng ta và cho
mọi người. Vì thế, chúng ta phải dồn mọi thời gian, cố gắng, và sức lực để đạt được
mục đích này. Nhưng thực tế chứng minh chúng ta đã không làm những điều đó: Có
những người dành hết mọi thời gian và sức lực để kiếm tiền hưởng thụ. Có những
người đặt quyền lợi cá nhân lên trên việc mở mang Nước Chúa. Có những người lợi
dụng ngay cả Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Các
Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những trường hợp cụ thể để suy gẫm xem
chúng ta đã làm gì để đạt mục đích của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh
Phaolô muốn chứng tỏ cho các tín hữu Corintô biết ông đã lo lắng mọi cách để
chuẩn bị cho họ sống mối liên hệ với Đức Kitô; chứ không quan tâm đến việc đáp
trả lợi lộc vật chất của họ, như kẻ thù tố cáo. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu muốn các môn đệ đặt việc làm vinh danh Chúa, làm Nước Chúa trị đến, làm
theo thánh ý Chúa, trước khi lo việc có lương thực hằng ngày và các nhu cầu
khác.
Sống Lời Chúa:
Thiên Chúa muốn chúng ta sống
làm sao để đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Ngài đã từng nhắc nhở: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, được ích
chi!" Nếu mục đích cuộc đời là ơn cứu độ, chúng ta phải chú
trọng và dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc làm vinh danh Chúa, làm cho Nước
Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa; chứ không dành toàn thời gian và nỗ lực để
mưu cầu các lợi lộc vật chất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho mọi thành viên
trong gia đình chúng con luôn biết cầu nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa,
trong những lời kinh mà chúng con đang đọc. Và luôn tín thác mọi sự trong sự
quan phòng của Chúa, mà đón nhận với tâm tình tạ ơn Chúa.
Lẽ sống:
Tạ ơn Chúa
Thi sĩ Lamartine
của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng,
ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng
"Cám ơn". Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người
thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên
"Cám ơn'.
Thi sĩ Lamartine
mới nấn ná đến trò chuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi cảm ơn
Chúa". Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm
than lam lũ, thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại
sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới
bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác.
Sau đó, Ngài ban cho
bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại
sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?".
Nghe thế, người đập
đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần
thôi sao". Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến
bác có mỗi một lần mà thôi". Người thợ đá
nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều đó
không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một
người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn
Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ
đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.
Thiên Chúa yêu
thương con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng
Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi
chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa
là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách
chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Ðiều
đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên
Chúa.
Ðối với Thiên
Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người
bằng tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng
thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một
chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng
chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi
một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng
ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài
yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: "Tất
cả nọi sự đều là ân sủng của Chúa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét