THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU - lễ trọng
PHÚC ÂM: Ga 19,31-37
Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Ki-tô.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
31 Hôm đó là ngày áp lễ Vượt Qua, người
Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát
đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các
người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất
và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy
Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm
vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng,
và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả
anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh
Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có
lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
Suy niệm:
Thánh Tâm
Chúa Giêsu
“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngươi đã chết,
họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn
Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”
Chúa Giêsu yêu
thương nhân loại, Người đã đổ hết máu mình ra để cứu chuộc nhân loại khỏi phải
chết đời đời. Trong ngày kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi tất cả
chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục, để các ngài học hỏi được
tình yêu của Chúa Giêsu, được ở gần trái tim Chúa Giêsu, để các ngài cũng dám sống
vì đàn chiên, và sống cho đàn chiên mà Chúa đã trao vào tay các ngài.
Chúng ta thường
rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu
thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa
... Nhưng nếu xét
về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những
người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng
những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn
nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và
thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm.
Các Bài Đọc
trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa,
để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri
Hosea nhắc nhở cho dân Do thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như
tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những
dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc
nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài.
Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy
dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến
tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng
trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập
gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước
cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người
xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung
cấp đời sống thần linh cho con người.
Sống Lời Chúa:
Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con
người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất
cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta
và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con yêu quý các linh mục
và luôn biết cầu nguyện cho các ngài được tràn đầy ơn Chúa; để các ngài luôn
vui sống trong công việc mục vụ của các ngài.
Lẽ sống:
Ngọn lửa không hề
tắt
Trong tác phẩm Ðại
Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga Solzenitzyn ghi lại
thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học tập. Nhưng giữa những
đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái nhìn lạc quan về thân
phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô nhân nhất mà vẫn khôi
hài, cười đùa, bỡn cợt được.
Trong tác phẩm đầu
tay của ông có tựa đề "Hai chị em", Hà Thúc Sinh đã nêu bật được hình
ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn sàng kịch liệt
chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình... Hai chị em Lan và Trực bị đắm
tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất còn sống sót,
họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong nguyên một tuần
lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị em. Sau một tuần
lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi mong tìm lại được
chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần áo. Khi ra đi,
anh đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để kêu gọi sự chú ý
của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng để còn có thể
quay lại đảo... Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang đảo... Sóng
to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương.
Người chị tất tả chạy
ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.
Tác giả đã kết
thúc câu chuyện như sau: "Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một vùng
hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú ý, người ta có
thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngọn lửa ấy cháy bập bùng trên một triền núi, khi lớn,
khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt".
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng.
Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại không biết
bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa.
Nhưng người Kitô
hữu không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức
mạnh vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh
hùng của một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương
thực của Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với
Chúa Cha.
Qua ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn
qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài. Tôi sống nhưng
không phải là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống
của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến
đấu, mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của
Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức
Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét