PHÚC ÂM: Mt 8,23-27
Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng
như tờ. (Mt 8,25)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
23 Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi
theo Người. 24
Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25 Các
ông lại gần đánh thức Người và nói : "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng
con chết mất !" 26 Đức Giê-su nói : "Sao nhát thế, hỡi những
người kém lòng tin !" Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển : biển liền
lặng như tờ.
27 Người ta ngạc nhiên và nói : "Ông này là
người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?"
Suy niệm:
Nương
tựa vào Chúa
Với bài đọc I
hôm nay, chúng ta nhận ra quyền năng của Đức Chúa đã cứu gia đình ông Lót
khỏi chết trước tai họa mưa diêm sinh và lửa, khi Người giáng phạt thành Xơ đôm
và Gômôra. Và trong bài Tin mừng, ta lại tiếp tục ngỡ ngàng trước lời
quyền năng của Đức Giêsu, khi Ngài khiến cơn biển động trở nên lặng như tờ.
Đức Giêsu vẫn hiện diện trong “thuyền” cuộc
đời tôi. Và quyền năng của Ngài có thể dẹp tan những sóng gió trong đời tôi,
khi tôi kêu cầu Ngài, khi tôi ý thức có Ngài bên cạnh. Vậy mà nhiều
khi, trong những cảnh ngộ đời mình, tôi chỉ đi tìm tựa nương nơi những sức mạnh
khác, không phải là Chúa.
Sống Lời Chúa:
Tôi làm mọi công việc bổn
phận hằng ngày cách chu đáo, như lễ vật dâng lên Thiên Chúa, Đấng là điểm tựa của
đời tôi.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giê-su, chúng con tin nhận Chúa là nguồn an ủi và đỡ nâng giữa sóng gió cuộc
đời. Xin giúp chúng con biết tựa nương vào Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của
mình.
Lẽ sống:
Chiếc cầu của gặp
gỡ
Vào khoảng năm
1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh
niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường
đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại
rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu
đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn
nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc
cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm
thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc
cầu ấy.
Ông giáo sư cầu
cống không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa
bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ
sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi
đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng
như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng
tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông
và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối
liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai
bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu
trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao
và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu
của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn
lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình.
Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với
nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm
thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp
gỡ, của yêu thương ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét