Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba sau Chúa nhật XIII Thường Niên 30.06.2015

PHÚC ÂM: Mt 8,23-27
Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. (Mt 8,25)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
23 Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 24 Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25 Các ông lại gần đánh thức Người và nói : "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !" 26 Đức Giê-su nói : "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin !" Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển : biển liền lặng như tờ.
 27 Người ta ngạc nhiên và nói : "Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?"

Suy niệm:
Nương tựa vào Chúa

Với bài đọc I hôm nay, chúng ta nhận ra quyền năng của Đức Chúa đã cứu gia đình ông Lót khỏi chết trước tai họa mưa diêm sinh và lửa, khi Người giáng phạt thành Xơ đôm và Gômôra. Và trong bài Tin mừng, ta lại tiếp tục ngỡ ngàng trước lời quyền năng của Đức Giêsu, khi Ngài khiến cơn biển động trở nên lặng như tờ.
Đức Giêsu vẫn hiện diện trong “thuyền” cuộc đời tôi. Và quyền năng của Ngài có thể dẹp tan những sóng gió trong đời tôi, khi tôi kêu cầu Ngài, khi tôi ý thức có Ngài bên cạnh. Vậy mà nhiều khi, trong những cảnh ngộ đời mình, tôi chỉ đi tìm tựa nương nơi những sức mạnh khác, không phải là Chúa.

Sống Lời Chúa:
Tôi làm mọi công việc bổn phận hằng ngày cách chu đáo, như lễ vật dâng lên Thiên Chúa, Đấng là điểm tựa của đời tôi.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con tin nhận Chúa là nguồn an ủi và đỡ nâng giữa sóng gió cuộc đời. Xin giúp chúng con biết tựa nương vào Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình.
   
Lẽ sống:
Chiếc cầu của gặp gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cống không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật XIII Thường Niên 29.06.2015

THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ - lễ trọng
PHÚC ÂM: Mt 16,13-19
Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Suy niệm:
Niềm tin nền tảng của các Tông Đồ

“Thầy sẽ trao chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”
Suốt hành trình mạc khải về Chúa Cha, về Nước Trời của Chúa Giêsu. Đã đến lúc Người muốn trong đám người đi theo Người có ai nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai; và ai sẽ là người “thay vì cai quản Hội Thánh” của Người ở trần gian này. Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Qua lời tuyên xưng của Phêrô. Chúa Giêsu đã xác nhận là do Cha của Người mạc khải cho biết. Chính do điều này mà Người đã trao quyền tháo cởi hay là trói buộc cho Phêrô và những đấng kế vị Phêrô.
Hội Thánh được xây dựng vững chắc trên hai cột trụ; vì nếu chỉ xây trên một cột trụ, sẽ không đứng vững, giống như người chỉ có một chân. Phêrô rao giảng cho dân Do thái, Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại. Phêrô lo tổ chức và bảo vệ Hội Thánh, Phaolô lo phát triển và bành trướng Hội Thánh.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sự lựa chọn, bảo vệ, và ban ơn của Thiên Chúa dành cho hai ông. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật việc thiên sứ giải thoát Phêrô khỏi ngục tù. Trong Bài Đọc II, Phaolô xác quyết nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, ông đã chiến đấu một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã trung thành giữ vững đức tin. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô được Thiên Chúa soi sáng để nhận ra và tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Ngài đã chính thức thiết lập Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô; và Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực của thế gian và ma quỉ.
Đức tin của Giáo Hội được đặt trên niềm tin nền tảng của các tông đồ. Đức tin này được ví như "đá," có nghĩa vững chắc và không thay đổi với thời gian. Nhiều người chỉ trích Giáo Hội cổ hủ, cứng nhắc, không chịu theo thời ... nhưng cũng chính vì điều này mà Giáo Hội được thiết lập. Nếu Giáo Hội cũng thay đổi để được con người chấp nhận, hòa giải nhượng bộ trước áp lực của ma quỉ và thế gian, Giáo Hội sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay.
Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời để nói lên quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Công dụng của chìa khóa là để mở ra và đóng lại, cho phép vào và từ chối không cho vào. Giáo Hội dùng quyền này để tha thứ hay cầm buộc hối nhân nơi tòa cáo giải.

Sống Lời Chúa:
Đức Kitô cần cả Phêrô lẫn Phaolô. Ngài muốn hai ông hợp tác để củng cố, bảo vệ, và phát triển Giáo Hội. Chúng ta cũng phải biết cộng tác với nhau trong việc mở mang Nước Chúa. Để có thể làm việc cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội, chúng ta không chỉ cần biết về Đức Kitô, nhưng phải sống mối liên hệ với Ngài. Giáo Hội không phải chỉ là Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm; nhưng là tất cả các tín hữu ở khắp nơi. Tất cả đều có bổn phận trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con ngày hôm nay có những chủ chăn như Thánh Phêrô ý thức mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,8), để rồi cảm thông mọi yếu đuối của mọi con người mà mở  đường cho họ đến được với Chúa.
   
Lẽ sống:
Ngài là cha tôi

Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.
Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.
Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".
"Ngài là cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. "Hãy trở nên chính mình". Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.
Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.
Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài... Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa. Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B. 28.06.2015

Phúc Âm : Mc 5,21-43
Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
21 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin : “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ : “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi ?” 31 Các môn đệ thưa : “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi ?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo : “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ : “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói : “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là : “Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Suy niệm:
Hiệu quả của lòng tin

Tác giả Mác-cô đã lồng ghép hai sự kiện vào với nhau. Cả hai đều nhằm kể về những phép lạ Đức Giêsu đã làm. Một phép lạ để chữa người đàn bà bệnh tật lâu năm và phép lạ kia làm cho em bé đã chết được sống lại.
Hai người được lãnh nhận ơn ban qua phép lạ có hai thể loại đức tin khác nhau. Người phụ nữ có đức tin âm thầm; viên cai quản Hội đường lại có đức tin được công khai tuyên xưng mạnh mẽ. Người phụ nữ chỉ mong sao chạm được vào áo Chúa; viên cai quản Hội đường lại sấp mình nài nỉ van xin.
Cả hai hình thức đức tin đều xuất phát từ lòng xác tín và cậy trông. Hai người đều tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể làm được điều họ đang kêu xin. Tuy vậy, xem ra sự xác tín của người phụ nữ có vẻ mạnh mẽ hơn. Bà không dám được Chúa biết đến hay can thiệp. Bà chỉ cần chạm vào áo Người. Trong khi đó, viên cai quản Hội đường, khi thấy con mình đã chết, đã bị dao động băn khoăn. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều nhắc đến “đức tin”. Nếu Người ngỏ lời với người phụ nữ để khen đức tin của bà, thì với viên cai quản Hội đường, Người lại mời gọi ông hãy vững tin. Người hiểu tâm trạng của ông khi nghe tin con mình đã chết.
Dù với hình thức nào chăng nữa, đức tin luôn luôn là điều kiện để được lĩnh nhận ơn Chúa. Nếu có đức tin, thì ngay cả sự chết cũng không còn là một điều đáng sợ. Ý tưởng “sự chết – sự sống” được nhấn mạnh trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thiên Chúa làm chủ sự sống. Ngài là Đấng tạo dựng sự sống. Sự sống đến từ Thiên Chúa. Sự chết do ma quỷ đem lại. Như thế, đức tin đem lại sự sống và khước từ niềm tin là nguyên nhân sự chết. Khi mời gọi các tín hữu hãy củng cố đức tin vào quyền năng Thiên Chúa, Phụng vụ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về tình thương bao la của Ngài. Quả thật, “Thiên Chúa không làm ra cái chết, Ngài chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Bài đọc I). Ngài không bao giờ là tác giả của điều ác, vì bản chất của Ngài là tốt lành và thánh thiện.
Vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x. St 1,27), mỗi tín hữu có sứ mạng làm cho sự tốt lành của Chúa lan tỏa nơi lòng cuộc đời. Nếu hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt để chữa lành những bệnh nhân, thì Người lại đang mượn cánh tay và tấm lòng của chúng ta để đem tình thương đến cho người bất hạnh, đem niềm vui cho người sầu khổ và đem tự do cho người bị giam cầm. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Côrinhtô hãy quảng đại trong cuộc lạc quyên giúp người nghèo. Theo vị Tông đồ dân ngoại, Đức Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về lòng quảng đại, vì Người là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được giàu có” (Bài đọc II). Mọi sự chúng ta có đều do Chúa ban. Hơn nữa, chúng ta giàu có là do Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta. Chính vì thế, san sẻ cho tha nhân là chúng ta làm cho hình ảnh Chúa trở nên rạng ngời nơi cuộc đời này. Sự sẻ chia không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng trái lại, giúp cho chúng ta trở nên phú quý hơn trong cuộc sống.
Người đàn bà bị bệnh đã mười hai năm được Chúa chữa lành. Bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được Chúa cho sống lại…. Biết bao điều kỳ diệu hôm nay Chúa vẫn đang thực hiện nơi lòng cuộc đời, nếu chúng ta có đức tin vững vàng và lòng cậy trông sâu xa.
Giữa những thử thách phong ba của cuộc đời, nhiều khi đức tin của chúng ta bị chao đảo, như chiếc thuyền tròng trành giữa đại dương. Xung quanh chúng ta, mỗi ngày có biết bao điều xảy đến, như sự chết, tai nạn, bệnh tật. Trước những “vấn nạn” này về cuộc sống, nhiều người đã bị dao động đức tin vào một Thiên Chúa tốt lành và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta xác tín: Ngài không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ. Giữa thử thách đau thương, Thiên Chúa luôn nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta. Nếu biết cậy dựa vào Ngài, chúng ta sẽ có đủ nghị lực vươn lên và tìm được niềm vui giữa những khó khăn trắc trở trên đường đời. Chesterton, văn sĩ, thần học gia và triết gia người Anh (1874-1936) đã viết: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa. Hãy hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta”.  Quả vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa và nghị lực của con người gặp gỡ nhau, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy đến trong cuộc đời.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn nhận ra bản thân chúng con, ý muốn và những lời cầu xin của chúng con đều bất toàn trước mặt Chúa. Nhưng xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn trông cậy và đặt trọn niềm tin vào Chúa. Để chúng con nhận được mọi ơn lành của Chúa ban.

Lẽ sống:
Ngợi khen con người

Trong tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Chúa nhân ngày cuối năm.
Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta".
Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi khen con người". Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa. Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. 

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Lời Chúa: Thứ Bảy sau Chúa nhật XII Thường Niên 27.06.2015

PHÚC ÂM: Mt 8,5-17
Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
5 Khi ấy, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin : 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’, là nó đi, bảo người kia : ‘Đến !’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’, là nó làm.” 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. 12 Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” 13 Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng : “Ông cứ về đi ! Ông tin thế nào, sẽ được như vậy !” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
14 Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. 15 Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà trỗi dậy phục vụ Người.
16 Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, 17 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói : Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

Suy niệm:
Tâm tình thống hối thật sự

“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Chúa Giêsu rất yêu thương những con người, khi họ nhận ra mình là bất xứng khi đứng trước Người, như Thánh Phêrô, sau một mẻ cá bất ngờ ông đã sấp mặt dưới chân Người và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,8). Cũng như người Đại Đội Trưởng này khi đến khẩn cầu cùng Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ phán một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Chúa đã thấy sự hiểu biết và sự khiêm tốn nơi ông ta, và Người cũng thấy rõ tình thương người của ông với người đầy tớ. Chúa đã thực hiện tình thương và quyền năng của Người để cứu chữa cho người dầy tớ ông ta được lành mạnh.
Một trong những hiểm họa mà chúng ta đang phải đương đầu với là lối sống ích kỷ và hưởng thụ của con người hiện đại: họ không quan tâm đến người khác, cho dù là Thiên Chúa, cha mẹ, hay thân nhân; nhưng chỉ quan tâm đến bản thân và nhu cầu cá nhân của họ. Chẳng cần phải dùng đến đạo lý sâu xa, chúng ta cũng biết những người này sẽ không tiến xa trên đường đời, vì họ sẽ bị Thiên Chúa và tha nhân đào thải.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những tấm gương sáng trong cách đối xử với Thiên Chúa và tha nhân.
Bài Đọc I dạy chúng ta tinh thần hiếu khách của tổ phụ Abraham: Tuy không biết người khách đến thăm mình là ai, Abraham nài nỉ xin quí khách ở lại để nghỉ chân, ăn uống và dưỡng sức. Nhận ra tinh thần hiếu khách của Abraham, khách đã loan báo tin vui là Abraham sẽ có một người con trai để nối dõi tông đường vào cũng thời gian này năm sau. Trong Phúc Âm, một viên Đại Đội Trưởng người Rôma khiêm nhường đến nài xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ của ông đang nằm bại liệt ở nhà. Biết Chúa là người Do thái và tin Chúa có quyền năng chữa bệnh bằng lời, ông xin Thiên Chúa không cần đến nhà, mà chỉ cần phán một lời, là đầy tớ của ông sẽ khỏi bệnh. Nhận ra đức tin và lòng thương xót của ông, Chúa ban cho ông được toại nguyện.

Sống Lời Chúa:
Chúng ta phải luôn đối xử tử tế với mọi người, vì "ở hiền gặp lành." Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ sai các thiên sứ của Người đến phù trợ và bảo vệ chúng ta. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là chúng ta phải tuyệt đối tin và yêu Thiên Chúa, bằng cách thực thi những gì Ngài dạy bảo. Cãi lời Thiên Chúa bằng cách lý luận quanh co để biện minh cho các hành động sai trái của mình, là lý do để bị quăng ra ngoài Nước Trời. Chúng ta phải luôn nhớ: danh hiệu Kitô hữu không đủ để cứu chúng ta phải hư mất; nhưng chúng ta phải thành tâm thi hành thánh ý của Thiên Chúa mọi ngày trong cuộc sống.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trong mọi Thánh Lễ, trước mỗi lần rước Chúa vào lòng, chúng con đều cất tiếng cầu xin: “Con chẳng đáng rước Chúa vào lòng, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con liền sạch trong”. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con khi đọc lời này với hết tâm tình thống hối thật sự; để rước Chúa vào lòng mình cho nên.
   
Lẽ sống:
Con chim trong bàn tay

Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. Anh đặt câu hỏi như sau: 'Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?".
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn ranh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết".
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có là bầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc. Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật XII Thường Niên 26.06.2015

PHÚC ÂM: Mt 8,1-4
Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh : “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Suy niệm:
Tín thác vào Chúa

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Người phong hủi thân thể của họ bị ăn mòn từ từ cho đến chết. Xã hội Do Thái lúc bấy giờ loại bỏ họ; và cấm mọi người khác tiếp xức, cũng như họ không được tiếp xúc với những người lành mạnh. Nhưng với người phong hủi này, anh ta tin vào quyền năng yêu thương của Chúa Giêsu, tin Người không loại bỏ anh ta, với một niềm tin mạnh, anh ta đã tiến lại gần Người, và đặt ý muốn của Chúa trước ước muốn của mình. Với tình yêu thương không loại bỏ, với lòng tin của anh ta, với quyền năng và ý muốn của Người. Người giơ tay đụng vào anh ta và phán bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức anh ta được lành sạch.
Có những điều tuy không thể làm được bởi con người; nhưng luôn có thể làm bởi Thiên Chúa; chẳng hạn: làm cho có mưa có nắng, cho người cao niên được sinh con, chữa lành các bệnh tật mà con người phải bó tay đầu hàng. Lý do đơn giản: chẳng có gì là chuyện không thể đối với Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tường thuật 2 phép lạ chứng tỏ uy quyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật việc Thiên Chúa làm cho tổ phụ Abraham. Ngài cho ông có con trong khi cả ông và vợ ông đã quá tuổi sinh con, và Ngài lập giao ước với ông và giòng dõi của ông. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành một người bị bệnh phong hủi, khi thấy anh biểu lộ một niềm tin vững mạnh vào Ngài.
Lệnh truyền của Chúa Giêsu:
ü "Coi chừng, đừng nói với ai cả'' Thông thường, nhiều người sẽ không hiểu tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm anh không được tiết lộ; lẽ ra phải để anh rao truyền quyền năng của Chúa Giêsu để giúp nhiều người tin vào Ngài. Lý do Chúa Giêsu ngăn cấm anh vì Chúa không muốn dân chúng tin Ngài như một Đấng Thiên Sai uy quyền như truyền thống vẫn tin; nhưng là một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu độ con người.
ü ''Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Ngày xưa, xã hội không có bác sĩ như bây giờ; các tư tế có bổn phận khám xét những người bị bệnh phong, để tuyên bố một người có bệnh hay được lành bệnh. Bệnh phong không những nghiêm trọng về thể lý vì tính hay lây; nhưng còn nghiêm trọng hơn trong việc tế lễ. Lề Luật không cho phép người bị bệnh phong vào Đền Thờ dâng của lễ, vì họ được xếp vào hạng người không sạch. Khi tư tế tuyên bố người mắc bệnh đã lành, anh phải dâng của lễ tạ ơn như Lề Luật truyền (Lev 14:4-5).

Sống Lời Chúa:
Chúng ta cần có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa trong mọi tình huống của cuộc đời, vì mọi sự đều có thể xảy ra dưới bàn tay uy quyền của Ngài. Không phải những điều chúng ta xin đều đẹp ý Ngài; vì thế, hãy mở lòng để đón nhận lời từ chối của Thiên Chúa, và can đảm vâng theo thánh ý Ngài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn học biết cách cầu xin theo cách của người phong hủi trong Kinh Thánh: đặt ý muốn của Chúa trên mọi ước muốn của mình, để đón nhận được ơn lành trong cuộc sống.
   
Lẽ sống:
Bằng lòng về chính mình

Hans Christian Andersen, văn sĩ Ðan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau:
Có một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.
Người chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang.
Con bò già lại không thể bước nhanh. Do đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không?
Ðổi được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo, ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ dê để đề nghị hoán đổi.
Ðổi được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi... Giữa lúc ông ngán ngẩm với con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng. Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ nhiên gà phải nhẹ hơn... Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi lấy một con gà.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.
Những người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không bao giờ trách móc ông. Một người đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị đánh cá. Ông ta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ông núp một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.
Quả thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình, người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: "Tạ ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Ðiều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình thỏa mãn là được".
Người chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá bán con bò.
Hãy đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến.
Hãy làm công việc trong phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất.
Hãy đón tiếp người trước mặt như một người quan trọng nhất.
Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ và lạc quan.
Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.