Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư Tuần V Mùa Phục Sinh. 06.05.2015

PHÚC ÂM:   Ga 15,1-8
Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

Suy niệm:
 Ở trong Chúa

Dụ ngôn cây nho và cành nho cho thấy rằng để được sống và trổ sinh hoa trái, người Ki-tô hữu phải liên kết mật thiết với Chúa Ki-tô. Đón nhận Lời Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa, đó là những điều kiện để đời sống người tín hữu sinh nhiều hoa trái.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói lên một tương quan bền chặt, cần thiết và hữu ích giữa ta với Ngài, như cành nho gắn liền với cây nho. Như thế, sự triển nở của đời ta sẽ hệ tại ở thái độ “ở lại” của ta trong tương quan với Chúa, như chính sức sống của cành nho khi còn tháp chặt vào cây nho.
Phải chăng, đây đó vẫn còn những Kitô hữu còn nặng nề trong niềm tin vào sự bói toán, rủi may? Trong những khốn khó của đời mình, ta dễ rơi vào thái độ cậy dựa vào sức mạnh của những thế lực trần gian hay một thế lực ngoài Chúa. Có những lúc, niềm tin của ta trở nên chao đảo hay nhợt nhạt, như cành nho khô héo
Mong sao, ơn thánh qua các bí tích mà ta siêng năng nhận lãnh, sẽ giữ ta luôn bền chặt trong ân nghĩa Chúa.
Mong sao, ngày sống của ta luôn có những khoảnh khắc “ở lại trong Thầy”: đó là những phút giây ta kết hiệp, hướng lòng, tiếp xúc với Chúa khi khởi sự một ngày mới và khi khép lại một ngày đã qua.

Sống Lời Chúa:
Khi thành lập cộng đoàn mới ở Liên Xô trước đây, Mẹ Tê-rê-xa Calcutta chỉ yêu cầu có linh mục đến dâng lễ hàng ngày, vì Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu cho con cái Mẹ. Chắc hẳn bạn thấy điều này hoàn toàn hợp lý.
Siêng năng lãnh nhận các bí tích, vì đó là nguồn sống cho đức tin của chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chỉ vì muốn cho con được sống mà Chúa kêu mời con kết hiệp với Chúa. Con cảm nhận tình yêu cao vời của Chúa dành cho con. Xin Chúa cho con luôn sống xứng đáng với tình yêu thương vô cùng của Chúa.  

Lẽ sống:
Khác biệt giữa ngày và đêm

Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: "Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?"
Một người đệ tử trả lời như sau: "Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa".
Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào...
Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói: "Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa và ta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít".
Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: "Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".
Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.
Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.
Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét