Thánh Ri-ta Ca-si-a, nữ tu
PHÚC ÂM:
Ga
21,15-19
Hãy
chăn dắt chiên của Thầy.
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
15 Sau khi dùng bữa với các
môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô :
“Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không
?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với
ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông
Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương
mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba : “Này anh
Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người
hỏi tới ba lần : “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết
rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc
chiên của Thầy. 18
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi
đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng
và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết
cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”
Suy niệm:
Lòng yêu mến và
hy sinh
Cũng như Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao
cho sứ mệnh mục tử để chăn dắt đoàn chiên Chúa, mỗi người Kitô hữu cũng được
Chúa trao sứ mệnh mục tử trong phạm vi và khả năng của mình. Nhưng trước hết,
Chúa đòi phải có lòng yêu mến và hy sinh.
Những trang cuối
sách Công Vụ Tông Đồ nói đến một số nhân vật lịch sử; hành trình của Giáo Hội
qua cuộc tù đày của Phaolô, công dân Rôma. Trong đoạn này chúng ta để ý đến những
lời báo cáo của quan tổng trấn Rôma : “Họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã
chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống”.
Đối với quan tổng
trấn Rôma, việc những người Do Thái tố cáo Phaolô chỉ là những tranh cãi tôn
giáo và ông chỉ biết mông lung về một Giêsu nào đó. Nhưng đối với Phaolô, Giêsu không phải là một
nhân vật nào đó. Giêsu là bạn đường, là lẽ sống của ngài. Phaolô sống và cùng đồng
hành với một Giêsu đang sống. Ngài đã được Đức Giêsu đến thăm khi ở tù. Chính
Giêsu đó đã cho ngài đứng vững trước những thử thách, chính vì Đức Giêsu mà
Phaolô sẵn sàng chết nếu cần.
Còn đối với mỗi
người chúng ta thì sao? Giêsu có phải là một nhân vật nào đó, hay chúng ta xem
Giêsu như một Đấng đang sống và đồng hành với chúng ta? Chúng ta có sẵn sàng lắng
nghe lời Ngài nói. Chúng ta có để Ngài đồng hành với chúng ta. Chúng ta có sẵn
sàng chết vì Ngài?
Sống Lời Chúa:
Khởi điểm của mọi thứ “ơn gọi” được hiện hữu,
được làm người, được là tông đồ hay môn đệ của Đức Giêsu Kitô… đều là Tinh yêu
nhưng không của Thiên Chúa Ba Ngôi qua Đức Giêsu Kitô (Ga 21, 15-19). Vì thế, đối
với Giáo hội kitô và tất cả mọi môn đệ mọi nơi và mọi thời, tâm tình thích đáng
nhất luôn là tri ân và cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng yêu mến Chúa cho con, để dù trong lúc khó khăn,
con luôn biết hy sinh sức lực, khả năng, thời giờ và ngay cả mạng sống, để phục
vụ những người mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho con.
Lẽ sống:
Thiên Chúa tạo dựng con người
Người
Ấn Ðộ thường kể câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau: Một hôm
Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người, nghĩa là làm một tạo vật đẹp nhất
giữa các tạo vật. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên
thần đã tỏ ra không mấy hồ hởi, một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp
nhận được một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy. Làm sao tưởng tượng được một thụ
tạo vừa thuộc về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh. Làm sao có
được một hữu thể vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu? Làm
sao chấp nhận được giữa vật chất và tinh thần?
Các
Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể tạo dựng được một
tạo vật như thế. Các vị e ngại rằng ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn
ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
Ðể
ngăn chặn Thiên Chúa trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy
ban. Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ
trình lên Chúa gồm những điểm như sau: tinh thần không thể kết hợp với vật
chất, bản tính thiên thần không thể kết hợp với bản tính thú vật, cái có cùng
không thể hòa hợp với cái không cùng, cái chóng qua đi không thể đi đôi với
điều vĩnh hằng, do đó yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định điên rồ của Ngài.
Sau
khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau: "Tất cả
những góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là
một vấn đề triết học". Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi: "Vậy thì vấn
đề đó là gì?". Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi đáp: "Con người là
vấn đề của Niềm Tin". Ngài thinh lặng, rồi phán quyết:
"Con người là vấn đề của Niềm Tin".
Trong
một xã hội được xây dựng trên luật của cá lớn ăn hiếp cá bé, trong một xã hội
mà nền tảng đã bị đục khoét bởi lọc lừa, gian trá, phản bội, đố kỵ, hận thù,
con người dễ mất đi niềm tin nơi con người, bởi vì khi không tin ở người, con
người cũng không còn tin ở chính mình. Một cuộc sống như thế chẳng khác nào một
cuộc tự hủy, một cuộc tự sát tập thể.
Thiên Chúa yêu thương mọi
người. Ngài tiếp tục tin tưởng nơi con người, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin
tưởng nơi con người... Thay vì tự giam hãm trong khép kín, trong đố kỵ, chúng
ta hãy ra khỏi chính mình để đến với người... Ðến với người bằng sự thông cảm
tha thứ, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn những lừa đảo phản bội. Ðến với người
bằng những san sẻ sớt chia, cho dẫu chúng ta chỉ toàn gặp những bội bạc, vong
ân. Ðến với người bằng tiếng cười rộn rã, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn đắng
cay, sầu muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét