PHÚC ÂM:
Mc
11,27-33
Ông
lấy quyền nào mà làm các điều ấy.
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
27 Khi ấy, Đức Giê-su và các
môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì
các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi : 28 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều
ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?” 29 Đức Giê-su đáp : “Tôi chỉ xin hỏi
các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi
lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do
người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi !” 31 Họ bàn với nhau : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’,
thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ 32 Nhưng
chẳng lẽ mình nói : ‘Do người ta’ ?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông
Gio-an thật là một ngôn sứ. 33 Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.”
Đức Giê-su liền bảo họ : “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy
quyền nào mà làm các điều ấy.”
Suy niệm:
Nhân đức
khôn ngoan
“Tôi chỉ xin hỏi
các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi
lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy phép Rửa của ông Gioan là do Trời hay do
người ta? Trong việc tranh luận giữa Chúa Giêsu với
các kinh sư và người biệt phái về quyền đánh đuổi những người buôn bán và đổi
tiền trong Đền Thờ. Chúa Giêsu đã không trả lời thẳng câu hỏi của họ; bởi vì
Chúa biết những con người này chất vấn Người không có thành tâm, thiện chí để
hiểu biết tường tận; nhưng với một tâm địa xấu xa. Chúa đã đặt lại câu hỏi để đánh
động lương tâm của họ; nhưng họ đã quanh co, để rồi đồng thanh trả lời “không
biết”
Khôn
ngoan là một nhân đức trong bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho con người
khi họ chịu bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Giống như tất cả các nhân đức, khôn
ngoan được ví như hạt giống có đầy đủ tiềm năng, con người phải luyện tập thì
nhân đức mới phát triển được; nếu không chịu luyện tập, con người có thể mất
nó. Nhân đức khôn
ngoan giúp con người nhận ra các sự thật của Thiên Chúa và mau mắn thi hành. Các bài đọc hôm
nay tập trung trong nhân đức khôn ngoan: làm sao để tìm được và thi hành khôn
ngoan. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca cho độc giả những cái nhìn
rất thâm sâu về Đức Khôn Ngoan: nó là một tiến trình của cả đời người, con người
phải cầu nguyện mới có, con người phải thực hành những gì học được, giữ luật
Thiên Chúa, và nhất là phải biết giữ tâm hồn trong sạch mới sở hữu được Đức
Khôn Ngoan. Trong Phúc Âm, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến chất vấn
Chúa Giêsu lý do tại sao Người đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ. Chúa đặt
cho họ một câu hỏi để thử xem họ có thành thật muốn đi tìm sự thật không; nhưng
khi thấu hiểu thâm tâm gian dối của họ, Ngài không trả lời cho họ biết sự thật.
Chúa Giêsu không dạy sự thật cho những người
khinh thường sự thật.
Trước khi trả lời câu hỏi của họ, Chúa thách thức họ dám nói sự thật bằng việc đặt
với họ một câu hỏi: Phép rửa của Gioan bởi đâu? do Trời hay do người ta?
Họ có đủ khôn
ngoan để nhận ra sự thật; nhưng không dám nói thật. Họ bàn với nhau: “Nếu mình
nói: "Do Trời," thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại
không tin ông ấy?” Nhưng chẳng lẽ mình nói: "Do người ta?" Họ sợ dân
chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức
Giêsu: "Chúng tôi không biết." Đức Giêsu liền bảo
họ:
"Tôi cũng vậy,
tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."
Ngài biết chẳng ích lợi gì để giảng giải sự thật cho những con người gian dối,
không dám nói thật, chứ chưa nói tới việc thi hành sự thật. Họ chỉ thờ phượng Thiên
Chúa bằng môi bằng miệng, họ nhân danh Thiên Chúa và lợi dụng niềm tin của những
con người ngây thơ chất phác để kiếm lợi nhuận vật chất.
Sống Lời Chúa:
Đức
Khôn Ngoan đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ ban nó cho những ai thành tâm cầu nguyện
và kiên trì học hỏi. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện trước khi bắt đầu học hỏi
Đức Khôn Ngoan. Học khôn ngoan là tiến trình dài cả cuộc đời và trong mọi biến
cố của cuộc đời. Để sở hữu Đức Khôn Ngoan, chúng ta phải tìm dịp thi hành trong
cuộc đời thì mới sinh ích lợi. Một người chỉ biết mà không thi hành, dần dần mất
luôn những điều họ đã học được.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Chúa muốn tất cả chúng con phải thành tâm kiếm tìm sự thật để mà
tin. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn học hỏi suy niệm Lời
Chúa để tin và tin để học biết Lời Chúa, hầu đem lại hoa trái cho đời sống của
chúng con hôm nay và mai sau.
Lẽ sống:
Một chỗ khủng
khiếp
Câu chuyện xảy
ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một
kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng
khiếp" như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng
tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi
tôi trả lời, cô ta nói tiếp: "Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự
hỏi: "Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong
tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...".
Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng
reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống
lại thật".
Quá sức sửng sốt,
các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận
dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi
nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được
mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ
túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau,
cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần
lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh
thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau
khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào:
"Dù sao tôi
cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác
không quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười và
tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược dịp tuyên
xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu
gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng
ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết
và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến". Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu
rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó
khăn.
Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin
Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những
đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật
được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét