Phúc Âm : Ga 15,9-17
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh
em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ
ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở
lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được
hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn
tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh
em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy
không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy
gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã
cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng
chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa
trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa
Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là
hãy yêu thương nhau.”
Suy niệm:
Di chúc yêu thương
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều chuyện kể về
những người cha mẹ hay những bậc tôn sư,
trước khi nhắm mắt, muốn dặn dò con cái bằng những hình ảnh, những lời khuyên để
mong họ hòa thuận, thành đạt. Những lời di chúc ấy luôn là tâm huyết của người
sắp đi xa, gói trọn tình thương yêu trìu mến. Con cái ở lại, nhờ thực hiện
những lời khuyên ấy, mà cảm thấy như cha mẹ vẫn hiện diện bên mình để yêu thương
và phù trợ.
Những lời của Chúa Giêsu được đọc trong phụng vụ hôm nay là lời di
chúc dành cho các môn đệ và cho tất cả những Kitô hữu. Đây là tâm tình thày trò
trước lúc Chúa bước vào cuộc khổ nạn. Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần: “Anh em
hãy ở lại trong tình thương của Thày”, “Anh em hãy yêu thương nhau”. “Ở lại
trong tình thương của Chúa” và “Yêu thương nhau” là hai mặt của một tấm huân chương,
là hai vấn đề liên kết có tính “lô-gíc” hướng chúng ta về Đấng cao cả và về
phía tha nhân.
Trong xã hội hiện đại này, xem ra người ta lãng quên cả hai khía
cạnh của lời di chúc đó. Một đàng, lời giáo huấn của Chúa ít được đón nhận và
thực hành. Đàng khác, sự dửng dưng vô cảm đối với tha nhân càng ngày càng trở
nên nghiêm trọng. Dựa trên những thông tin về bạo lực được đăng trên các trang
tin điện tử, có người đã nhận định, người Việt mình bây giờ càng ngày càng hiếu
chiến và thích đánh nhau. Giữa cảnh đất nước thanh bình mà huynh đệ tương tàn,
làng xóm đổ máu. Trong 6 ngày nghỉ lễ dịp 30-4-2015 vừa qua, riêng Thành phố Hồ
Chí Minh đã có 300 ca đánh nhau phải nhập viện (x. Vnexpress ngày 3-5-2015).
Còn nhớ trong dịp tết Ất Mùi trước đó, có trên 6000 ca đánh nhau bị thương,
theo con số thống kê từ các bệnh viện. Rồi phải kể đến bạo lực trong gia đình,
tại trường học, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Lãng quên Thiên Chúa và coi
thường tha nhân là cội rễ sinh ra mọi tội lỗi. Đức yêu thương mà Chúa Giêsu rao
giảng hơn hai ngàn năm nay là chìa khóa của hạnh phúc, nhưng nhiều người đã khước
từ.
Một khi chuyên tâm thực hiện lời dạy yêu thương của Chúa Giêsu,
chúng ta sẽ trở thành “bạn hữu” của Người. “Anh em là bạn hữu của Thày, nếu anh
em thực hành những điều Thày truyền dạy”. Thật là một vinh dự lạ lùng! Chúng ta
là con người còn đầy yếu đuối và tội lỗi, lại có thể trở nên bạn hữu của Đấng
Cứu thế. Quả vậy, một khi thực thi những giới răn của Người, nhất là giới răn
yêu thương, thì chúng ta sẽ luôn có Chúa là người đồng hành, là người chia vui
sẻ buồn, là người tâm huyết, gần gũi và thân tình. Khái niệm Chúa Giêsu là “bạn
hữu” giúp chúng ta đi vào sự kết hợp bền chặt thâm sâu với Người, nhờ đó, chúng
ta có sự bình an và niềm vui nội tâm, là nền tảng định hướng cho mọi suy tư và
hành động trong cuộc sống hằng ngày.
Để lại cho các môn đệ lời dặn yêu thương, Đức Giêsu cũng đã ban
cho Giáo Hội và thế giới Đấng chính là Tình Yêu Thiên Chúa, tức là Chúa Thánh
Thần. Thánh Phêrô đã ngỡ ngàng khi thấy Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống nơi
những người chưa chịu phép Rửa. Chúa Thánh Thần là quà tặng Chúa ban cho cả thế
giới, để canh tân vũ trụ và đổi mới lòng con người. Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ
mạng của Chúa Giêsu, làm cho vương quốc công chính sớm được thực hiện nơi trần
gian. Những ai đón nhận Chúa Thánh Thần thì được Ngài soi sáng và dạy dỗ. Sự trường
tồn và phát triển lớn mạnh của Giáo Hội trước bao sóng gió trần gian, là bằng
chứng về hoạt động mạnh mẽ của Ngôi Ba Thiên Chúa (Bài đọc I).
Yêu thương là sáng kiến đến từ Thiên Chúa, vì chính Ngài đã yêu
chúng ta trước (Bài đọc II). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm gương cho chúng
ta về đức yêu thương. Người đã hiến mạng sống mình trên thập giá vì yêu thương
nhân loại và để đền tội cho chúng ta. Người tín hữu được Chúa sai vào lòng cuộc
đời sống và loan truyền tình yêu thương cho tha nhân, đồng thời làm chứng về sự
hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống. Vâng, Chúa đã chọn và đang cắt cử
chúng ta vào cuộc sống xã hội còn đầy những khó khăn phức tạp, để hát lên niềm
vui của Tin Mừng và để làm chứng Chúa đã phục sinh.
Đức Cha
Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục
Giáo phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Cha, Cha và Đức Giêsu đã
yêu thương con vô bờ bến, xin cho con cũng biết yêu thương mọi người chung
quanh con bằng những hy sinh cụ thể về thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc,
cơ hội… Xin cho mọi người chung quanh con cảm nghiệm được tình yêu chân thật
của con dành cho họ, để chính họ cũng bắt chước con mà yêu thương nhau.
Lẽ sống:
Bàn tay phải của Chúa
Giêsu
Có rất nhiều giai thoại kể
về những tượng thánh giá cổ xưa... Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng
thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ
giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép
lành.
Người Tây Ban Nha kể về
nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội
với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải
tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất
nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăn đe nhiều điều.
Tội nhân ra về, lòng cảm
thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần
này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: "Ðây là
lần cuối cùng tôi giải tội cho ông".
Nhiều tháng trôi qua, tội
nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn
tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời:
"Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa".
Nhưng lạ lùng thay, khi vị
linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên
thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban
phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: "Chính ta là người
đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi".
Từ đó, bàn tay phải của
Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để
ban ơn tha thứ...
Kinh Thánh thuật lại rằng
trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị
rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả
những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên
thập giá của Ngài.
Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án
phạt của tội lỗi.
Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao
la của Chúa.
Phải, bên kia sự độc ác của
tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một
tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu
chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng
vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để
cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn...
Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn
tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với
người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng
ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ
cảm mến được ơn tha thứ của Chúa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét