Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba Tuần VII Mùa Phục Sinh. 19.05.2015

PHÚC ÂM:   Ga 17,1-11a
Lạy Cha, xin Cha tôn vinh Con Cha.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
4 “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11a Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha.”

Suy niệm:
 Vững tin vào Danh Cha

Chúa Giêsu là tư tế cầu nguyện với Chúa Cha. Trước giờ khổ nạn, Chúa cầu nguyện cho mình được hoàn tất sứ mạng mặc khải Chúa Cha để tôn vinh Danh Cha. Chúa cũng cầu nguyện cho các môn đệ noi gương Người vững tin vào Danh Cha.
Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay kể cho chúng ta nghe về những lời từ biệt của Phaolô với các kỳ lão ở Êphêsô. Chính các cuộc bắt bớ liên tục của những người Do Thái khiến cho Phaolô không thể ở lại thành phố này nữa. Những lời từ biệt của Phaolô nói cho chúng ta biết dung mạo của người Tông đồ của Chúa phải như thế nào: Hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa. Phaolô không nói lời của mình, mà nói lời của Thiên Chúa. Ngài luôn coi mình là tôi tớ của Thiên Chúa, nên ngài luôn lột bỏ khỏi mình những gì là tự mãn kiêu căng để chỉ là tôi tớ Chúa.
Phải khóc lóc và thử thách do người Do Thái. “Tôi tớ không lớn hơn chủ” chính vì thế người môn đồ của Chúa cũng phải chấp nhận những thử thách, gian nan trong cuộc sống chỉ vì muốn lời Chúa được rao giảng. Mỗi người chúng ta cũng vậy, ai cũng có những thánh giá của mình. Mọi thử thách đều có những giá trị, nếu chúng ta biết liên kết với sự đau khổ và công cuộc cứu độ của Chúa.
Không hề lẫn trốn, khi phải rao giảng lời Thiên Chúa. Người Tông đồ của Chúa phải luôn can đảm, tin tưởng, và đôi khi cũng cần sự liều lĩnh để rao giảng lời Chúa.

Sống Lời Chúa:
Sứ mạng đầu tiên và quan trọng nhất của Con người mọi nơi và mọi thời, vốn đã được Thiên Chúa sáng tạo nên “theo Hình Ảnh của Ngài và giống như Ngài” (St 1, 26-27), đó là sống sự Sống tình yêu vĩnh hằng như Ngài (Cv  20, 21.24.27; Ga 17, 1-3.6-11a)
Sự Sống vĩnh hằng đó là “biết”“yêu mến” Thiên Chúa Ba Ngôi “qua”“trong” Đức Giêsu Kitô (Ga 17, 3; Cv 20, 21.24)

Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin cho chúng con luôn ý thức mình là môn đồ của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến bổn phận của mình là rao truyền về Chúa cho người khác. Xin tha thứ cho mọi thoái lui, câm lặng của chúng con.   

Lẽ sống:
Tôi chết thay cho thầy tôi

Một tu sĩ Hồi Giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: "Tôi chết thay cho thầy tôi".
Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ. Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng. 
Hai thầy trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố, ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau: "Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này". Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn: "Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống lang thang như tôi". Nói xong ông giơ tay lên trời.
Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên: "Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi".
Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau: "Họ là ai mà sẵn sàng chết thay cho nhau?". Quan bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.
Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau: "Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế".
Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ. Người môn sinh chợt hiểu được rằng ai hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được nó.
Cái chết của Ðức Kitô trên thập giá đều là vô nghĩa, nếu cái chết đó không phải là cái chết cho mọi người. Thập giá của Ðức Kitô sẽ chỉ là một ô nhục, nếu thập giá đó không là biểu trưng của tình yêu, sự hy sinh.
Bước theo Ðức Kitô trong cuộc tử nạn, vác lấy thập giá và đi theo Ngài không là một việc làm nhiệm ý và tùy hứng, nhưng là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô. Con đường của Ðức Kitô chính là con đường của tình yêu, của hy sinh hiến thân cho người khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét