Lời Chúa: CHÚA NHẬT
IX THƯỜNG NIÊN NĂM B - 31.05.2015
CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI - lễ trọng
CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI - lễ trọng
Phúc Âm : Mt 28,16-20
Anh em hãy làm phép rửa cho muôn
dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su
Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16
Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền
cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài
nghi. 18
Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời
dưới đất. 19
Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy
đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Suy
niệm:
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
“Nhân
danh Cha và Con và Thánh Thần - Amen” là nội dung lời kinh có tên là “Dấu Thánh
giá”. Đây là bài học đầu tiên mà mỗi người trưởng thành phải học khi muốn gia
nhập Giáo Hội. Đó là lời kinh đơn sơ mà những em bé trong gia đình công giáo bập
bẹ đọc lên khi vừa biết nói. Lời kinh ngăn gọn mà sâu sắc, hàm chứa chân lý cao
siêu của Đạo Kitô, là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. “Dấu Thánh giá” đưa ta vào một thế
giới huyền nhiệm là cung lòng Thiên Chúa. Nơi thế giới ấy, ý nghĩa và giá trị
chữ số không giống như chúng ta: ba lại là một và một lại là ba. Chỉ có một
Chúa, nhưng ba ngôi riêng biệt. Ba ngôi ấy khác biệt mà không bị phân chia, duy
nhất mà lại không hoàn toàn hòa nhập. Lời kinh huyền nhiệm này cho ta được hòa
mình trong tình yêu vĩnh cửu, hạnh phúc tuôn tràn.
Dấu Thánh giá: lời
tuyên xưng đức tin
Khi
làm dấu Thánh giá trên mình, tôi tuyên xưng đức tin vào Chúa quyền năng. Ngài
là Cha, và Con và Thánh Thần. Với lời kinh đơn sơ ấy, tôi trở về với cội nguồn
của truyền thống Kitô giáo ngay từ những thế kỷ đầu. Từ thời xa xưa ấy, cộng
đoàn tín hữu Kitô như một nhành cây non vừa tách mình ra khỏi cây cổ thụ Do
Thái giáo. Họ đã dựa vào nội dung Tin Mừng để tìm hiểu chính bản tính của Thiên
Chúa. Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ về Chúa Cha. Người cũng hứa sẽ gửi đến
cho họ Chúa Thánh Thần là Đấng Phù trợ (x. Ga 16,26 tt). Cộng đoàn tiên khởi đã
dần dần suy tư và tuyên xưng đức tin nơi một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Ngay
từ kinh Tin kính thời các thánh tông đồ,
đức tin vào Chúa Ba Ngôi đã được tuyên xưng cách rõ rệt: “Tôi tin kính Đức Chúa
Trời là Cha phép tắc vô cùng… tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con một Đức
Chúa Cha… Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần…”. Công đồng Rô-ma năm 382 đã viết:
“Đây là ơn cứu rỗi của các Kitô hữu: tin vào Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần; được thanh tẩy trong Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải
tin vững vàng rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng,
vinh quang và hằng hữu”. Trải qua mọi thế hệ, đức tin Kitô giáo tiếp tục được
suy tư và tái khẳng định: “Ba ngôi vị này chỉ là một Thiên Chúa duy nhất chứ
không phải ba “thiên chúa”… do sự duy nhất này, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa
Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa
Cha và hoàn toàn ở trong Chúa Con…” (Tông sắc Cantate Domini của Đức Giáo Hoàng
Eugène IV, năm 1442). Khi làm dấu Thánh giá, tôi xác tín nơi Thiên Chúa, Đấng
là lý tưởng và mẫu mực của tôi. Tôi chọn Ngài như đích điểm duy nhất của cuộc đời.
Chúa Ba Ngôi là cội nguồn và đích điểm của đời người tín hữu. Tôi được sinh ra
trong Chúa Ba Ngôi, cùng đích đời tôi đang nhắm tới cũng là Chúa Ba Ngôi. Nơi
Ngài, tôi được ngụp lặn trong bể tình yêu lai láng vô bờ ấy. Trong hành trình
trần thế, Chúa Ba Ngôi luôn phù trợ và nâng đỡ tôi: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ
lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy”
(Ga 14 23). Tôi là một tác phẩm do Chúa Ba Ngôi thực hiện: Chúa Cha sáng tạo
cho tôi hiện hữu; Chúa Con Thanh tẩy cho tôi nên sạch trong; Chúa Thánh Thần
thêm sức cho tôi lớn mạnh. Ý thức được điều đó, lòng tôi hân hoan vui mừng, vì
ngay ở đời này, tôi đã được nếm hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chính nhờ thế mà tôi
vững tin và can đảm vượt lên những chướng ngại của cuộc đời. Sức mạnh của đức
tin thật kỳ diệu là thế.
Dấu Thánh giá: cội nguồn
sức mạnh
Cùng
với lời tuyên xưng Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, tôi phác họa hình
Thánh giá trên mình: từ trán, xuống ngực và hai vai. Bốn điểm nhấn trên cơ thể
tôi làm thành hình Thánh giá. Lời tuyên xưng đức tin của tôi được nhấn mạnh ở một
mầu nhiệm rất quan trọng của Kitô giáo, đó là mầu nhiệm cứu chuộc. Đã hơn hai
ngàn năm qua, một con người bị treo trên cây gỗ đã trở thành nguồn sức mạnh cho
biết bao thế hệ. Người ta đến với cây gỗ để ôn lại một biến cố đã xảy ra trong
lịch sử: Con Thiên Chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Vâng, Đức Giêsu, Ngôi Lời
nhập thể, đã mang lấy trên thân thể mình tội lỗi của muôn dân. Người đã chết để
cho con người được sống; Người đã đón nhận nhục hình để con người được vinh
quang. Đứng trước Thánh giá, người gian ác được cải hoá để trở nên lương thiện;
người thù hận được biến đổi để trở thành bao dung. Hai cây gỗ, một ngang một dọc,
ẩn chứa bao sức mạnh thần kỳ. Khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi tuyên xưng
Chúa đã dùng Thánh giá để chuộc tội cho tôi. Tôi cũng cầu xin Chúa ban sức mạnh
để vác thánh giá cuộc đời. Quả thế, mỗi mảnh đời mang một cây thập giá; mỗi đôi
vai mang một nỗi truân chuyên. Với tâm tình của Chúa Giêsu, thập giá trần gian
sẽ trở nên nhẹ nhàng; với tình yêu rộng mở, gánh nặng cuộc đời sẽ bớt thê lương “Anh em hãy mang lấy ách của tôi,
và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ
được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).
Vâng, khi làm dấu Thánh giá trên mình, tôi muốn làm học trò của Thày Giêsu, để
Người dạy tôi nên người trọn hảo. Dấu Thánh giá đem lại cho tôi sức mạng kỳ diệu
là thế.
Dấu Thánh giá: sứ mạng
của người Kitô hữu
Khi
tôi được dìm mình trong dòng nước Thanh Tẩy, linh mục chủ sự tuyên đọc: “Ta rửa
con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tôi được tẩy rửa không phải vì một mục
đích trần thế, cũng không phải nhằm đến một lý tưởng nhân loại. Tôi được tẩy rửa
nhân danh Thiên Chúa quyền năng. Nhờ lời tuyên đọc đi liền với nghi thức đổ nước
trên đầu hoặc dìm mình trong dòng nước, tôi được tái sinh làm người mới, được
trở nên đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Và thế là, trong suốt cuộc đời tín hữu của
tôi, dù thức hay ngủ, dù làm việc hay nghỉ ngơi, dù ở nhà hay nơi phố chợ, tôi
đều nhân danh Chúa Ba Ngôi. “Dấu Thánh giá” giúp tôi nhận ra mình có một sứ mạng
cao cả trong cõi nhân sinh bao la này. Thánh Phaolô đã viết: “Dù ăn, dù uống,
hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” ( 1Cr
10,31); hoặc : “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa
Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Khi nhân danh Chúa Ba
Ngôi, cuộc đời tôi mang một chiều kích mới. Những lời nói của tôi là lời nói
thân thiện, những việc làm của tôi là việc làm hữu ích. Một khi đã nhân danh
Chúa Ba Ngôi, tôi không còn nói lời hai ý, lời nói của tôi phải là “có” thì nói
“có”, “không” thì nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Nhân
danh Chúa Ba Ngôi đối với tôi không chỉ là một vinh dự, mà còn là một sứ mạng,
đó là làm cho vinh quang Chúa tỏ rạng trong mọi nơi mọi lúc của cuộc sống. Mỗi
khi đi đến đâu, tôi làm cho hình ảnh Thiên Chúa rạng rỡ nơi gương mặt và cuộc đời
của tôi. Lời nói của tôi là lời của Chúa; việc làm của tôi là việc làm của
Chúa. Kitô hữu là người đem Chúa vào đời. Đó chính là ơn gọi chứng nhân mà Đức
Kitô đang mời gọi chúng ta thực hiện. Vì
chưa thực sự nhân danh Chúa Ba Ngôi nên tôi còn là nguyên nhân của sự
chia rẽ. Vì chỉ nhân danh mình nên tôi còn quá đề cao cá nhân ích kỷ. Nhân danh
Chúa sẽ làm cho đời tôi rập khuôn cuộc đời Đấng Cứu thế. Cái tôi ích kỷ được
xoá bỏ, đời tôi được tan biến trong biển tình yêu vô biên của Đấng đã tạo dựng
nên tôi thành người.
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”,
Bạn và tôi, chúng ta hãy đọc lời kinh đơn sơ ấy với tâm tình yêu mến, phó thác
và cậy trông, và như vậy, trọn cuộc đời chúng ta luôn là một phản ảnh trung thực
của Chân Thiện Mỹ nơi chính cuộc đời này.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi sáng thức dậy và trước khi lên giường đi ngủ,
chúng con thường ghi dấu Thánh Giá với lời Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,
xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết cảm tạ ngợi khen Chúa đã
ban ơn đức tin cho chúng con; đồng thời cũng nhắc cho chúng con nhớ, mình đang
là chứng nhân của Chúa.
Lẽ sống:
Lòng
tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống
George Washington, một
trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người
con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau
những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ
quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một
hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau:
"Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị
tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi
bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự
thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".
Hôm
đó, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ysave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối
tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Sự
vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi
già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có
mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Ysave. Sự
hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên
cạnh Chúa Giêsu, từ tiệc cưới Cana cho đến
dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ,
để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một
cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo
Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.
Tưởng
niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Ysave trong ngày cuối tháng hoa
này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện
diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp
tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này. Những lúc mệt mỏi trong
cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ
không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh
Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây
phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự
thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét