CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
- lễ trọng
Phúc Âm : Ga 20,19-23
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo
thánh Gio-an.
19 Vào
chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các
ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho
anh em !” 20
Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được
thấy Chúa. 21
Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo :
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ;
anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Suy
niệm:
Đấng quy tụ muôn loài
Trong
Cựu ước, tác giả sách Sáng thể đã kể lại một trang sử buồn của lịch sử nhân loại,
đó là câu chuyện tháp Baben. Vì con người kiêu ngạo, muốn xây tháp chọc trời.
Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn. Kết quả là họ không hiểu
nhau. Cây tháp Baben được gọi là cây tháp gây phân tán (x. St 11,1-9).
Thế
rồi, kể từ trang sử buồn ấy, con người ngày càng xa Chúa và xa nhau. Nhân loại
bị trượt dài trong đường dốc sa đọa. Người Do Thái nhắc tới tháp Baben như một
kinh nghiệm đau thương.
Trong
Tân ước, tác giả Công vụ kể với chúng ta một biến cố trọng đại, đó là câu chuyện
lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem (Bài đọc I). Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, đã
ngự xuống liên kết muôn người nên một. Họ đã hiểu nhau mặc dù khác biệt về nguồn
gốc. Người Kitô giáo gọi Lễ Ngũ Tuần là lễ Hiện Xuống, ghi nhớ sự kiện Chúa
Thánh Thần từ trời đến ở với cộng đoàn tín hữu, đến với Giáo Hội. Nếu tháp
Baben trong Cựu ước là biểu tượng của sự phân tán, thì Lễ Ngũ Tuần của Tân ước
là điểm quy tụ.
Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần
năm xưa, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để quy tụ muôn dân về một mối.
Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ chung cho toàn thể nhân loại. Ngôn ngữ đó là
Tình Yêu, vì Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình yêu lấp đầy mọi ngăn cách,
san bằng mọi núi đồi, phá tung mọi ranh giới. Nhờ Chúa Thánh Thần, Tin Mừng của
Đấng Phục Sinh được loan báo cho mọi tạo vật, mọi nền văn hóa. Chúa Thánh Thần đã
liên kết mọi người trong một Đức tin và làm thành Giáo Hội của Chúa Kitô.
Thánh
Phaolô đã dùng hình ảnh một thân thể gồm nhiều chi thể để nói về Giáo Hội (Bài đọc
II). nhờ sự liên kết của Chúa Thánh Thần, mọi tín hữu được quy tụ nên một thân
thể. Mặc dù khác biệt về chức năng, mọi chi thể đều phải liên kết với nhau và
làm cho thân thể được khỏe mạnh. Năng lực sống để điều khiển thân thể hoạt động,
chính là Chúa Thánh Thần. Ngài nối kết và làm cho những khác biệt trở nên hài
hòa với nhau. Lịch sử Giáo Hội hai ngàn năm nay đã chứng minh hoạt động của
Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.
Thánh
Gioan kể lại việc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ qua cử chỉ “thổi hơi” trên
các ông, qua biểu tượng này, Chúa Thánh Thần được diễn tả như hơi thở, như làn
gió mát và như sự sống. Bài đáp ca trong thánh lễ hôm nay cũng khẳng định vai
trò quan trọng của Chúa Thánh Thần đối với mọi loài tạo vật: “Ngài rút hơi thở
chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gửi hơi
thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29). Bởi
vậy, đời sống Đức tin của chúng ta cần có Chúa Thánh Thần nâng đỡ và hướng dẫn.
Nhờ Ngài mà chúng ta không sợ lạc đường. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể trung tín
với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Cũng nhờ Ngài mà chúng ta mới biết cách cầu
nguyện thế nào cho có hiệu quả.
Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng
quy tụ muôn loài, thì những ý đồ gây chia rẽ thù oán là đi ngược lại với hoạt động
của Ngài. Sống ở đời, chúng ta luôn bị giằng co giữa một bên là giáo huấn của
Chúa, một bên là cám dỗ của thế gian. Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo dân
Thêxalônica: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí… Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt
thì giữ; còn điều gì xấu thì bất cứ hình thức nào cũng phải lánh cho xa”
( 1Tx 5,19).
Lễ Hiện Xuống được cử
hành trong tháng Năm, là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Đức Maria đã hiện diện với
Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần ngự đến trong khi các tông đồ
quây quần xung quanh Đức Mẹ để cầu nguyện. Trong suốt chặng đường dài của lịch
sử Giáo Hội, Đức Mẹ vẫn hiện diện để che chở Giáo Hội và nâng đỡ các tín hữu. Đức
Phaolô VI đã tôn vinh Trinh nữ Maria với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”. Chúng ta hãy
cầu xin Mẹ chúc lành cho Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng Giáo Hội Việt Nam chúng
ta. Mỗi người hãy dâng lên Đức Mẹ đóa hoa lòng, thể hiện qua tâm tình yêu mến,
siêng năng lần hạt Mân Côi và thực thi bác ái đối với tha nhân. Đó là những đóa
hoa không tàn úa với thời gian, nhưng luôn tươi đẹp và tỏa ngàn sắc hương trước
dung nhan Mẹ.
“Anh
em hãy nhận lấy Thánh Thần”, cùng với việc trao ban bình an, Chúa Giêsu phục
sinh còn trao ban cho chúng ta sức mạnh của Người. Nhờ được trang bị bằng sức mạnh
là Chúa Thánh Thần, đến lượt mình, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa trong cuộc
sống hôm nay.
Lạy
Chúa Thánh Thần, xin quy tụ chúng con trong tình hiệp nhất yêu thương. Amen.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận
Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân cõi lòng chúng con. Xin
soi sáng cho chúng con và mọi người trong thế giới hôm nay, để hết thảy cùng
chung tay xây dựng một thế giới an bình hạnh phúc.
Lẽ sống:
Lòng tham không đáy
Hôm ấy, trời vừa rạng
đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: "Xem chừng anh mơ ước giàu lắm. Vậy
từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả những
ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh hết".
Sướng quá! Cha chết sống lại
cũng không bằng.
Tức thì chàng cắm đầu chạy,
chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô Truy. Chín mười tiếng đồng hồ
qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Chàng vừa dừng chân,
thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng lại
cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.
Vừa dừng chân, lại một hồ
cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã xế
chiều. Lại một vòng nữa... Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường đi.
Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú với "Ruộng vườn mặc
sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua".
Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng
ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc... Nhưng vô hiệu.
Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá sức. Người ta đào cho
chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa rộng, nhưng không quá ba tấc
đất.
Ðiểm qua những câu chuyện
cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?... Chắc có người tự hỏi:
sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này làm gì có nhiều của mà
tham với lam. Như những anh ăn mày cũng gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc
áo tơi đến độ có thể "ăn thua đủ" với những ai đánh cắp.
Lòng tham không cần bị nhiều cám dỗ mới nổi
tính tham. Vì thế đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ,
dùng của cải như những phương tiện chứ không phải như mục đích. Bước thứ hai là tập
cho có quan niệm: chúng ta chỉ là những người quản lý chứ không phải là chủ nhân những của
cải vật chất và có như thế chúng ta mới dễ dàng tiến thêm bước thứ ba: sẵn sàng chia sẻ với
những người cần thiết hơn. Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới
chia sẻ. Hạt muối cắn hai mới thật sự sưởi ấm lòng người và công đức trước mặt
Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét