Thánh Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê, linh mục, và các bạn,
tử đạo
PHÚC ÂM:
Ga
17,20-26
Xin
cho họ được hoàn toàn nên một.
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
20 Khi ấy, Đức Giê-su ngước
mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những
người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất
cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.
Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh
quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở
trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ
nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 “Lạy Cha, con muốn rằng
con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm
ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu
thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế
gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết
là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ
biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Suy niệm:
Hiệp nhất nên một
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp nối và đào sâu thêm sứ điệp của ngày hôm qua : trước tiên, bởi
vì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hằng luôn hiệp nhất, tương tại và tương
ngụ trong nhau, nên, tất cả những ai “ở trong” Con và được Con ở trong mình, đều
sẽ hiệp nhất với nhau và với Thiên Chúa-Ba Ngôi (Ga 17, 20-26)
Toàn bộ Phúc Âm
thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô
cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu
danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin " Cha tôn
vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1).
Tiếp theo là những
lời Đức Giêsu xin cho các môn đệ : "Lạy Cha...xin hãy gìn giữ trong danh
Cha những kẻ Cha đã ban cho Con". Và đây, Đức Giêsu cầu xin Cha cho chúng
ta là những kẻ nhờ các Tông Đồ mà tin vào Ngài và xin cho chúng ta được hiệp nhất
: "Con không
cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào
con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả
chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con"(Ga 17,
26)
Nhân dịp kỷ niệm
50 khai mạc Công Đồng Vaticanô II trong bối cảnh của năm Đức Tin, chúng ta cũng
nên nhắc lại tư tưởng của Công Đồng, muốn thi hành ý muốn của Đức Giêsu khi nhấn
mạnh đến việc phải làm để hiệp nhất : "Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa
Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn
của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm,
nên Thánh Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các
dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất”.
Phải hiểu danh từ
"phong trào hiệp nhất" là những hoạt động và sáng kiên được phát động
và tổ chức nhằm cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tùy theo những nhu cầu khác
nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện. Trước hết như là mọi cố gắng loại
bỏ những lời nói, phán đoán và việc làm không đúng với hoàn cảnh của các anh em
ly khai xét theo công bình và chân lý, vì nếu không sẽ gây thêm khó khăn trong
việc giao tiếp với họ. Thứ đến là trong các buổi hội thảo với tinh thần tôn
giáo giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Ðoàn khác nhau, có sự
"đối thoại" giữa các nhà chuyên môn thấu triệt vấn đề, và mỗi người sẽ
giải thích cặn kẽ giáo lý của Cộng Ðoàn mình và trình bày minh bạch những nét độc
đáo của giáo lý ấy. Có đối thoại như thế mọi người mới hiểu biết đúng hơn và tôn
trọng đúng mức giáo lý cũng như đời sống của mỗi Cộng Ðoàn; cũng nhờ đó mà các
Cộng Ðoàn dần dần hợp tác được với nhau rộng rãi hơn trong mọi công cuộc mưu
ích chung mà lương tâm Kitô hữu nào cũng đòi hỏi; lại cũng nhờ đó, họ hợp nhau
cầu nguyện chung mỗi khi có cơ hội thuận tiện. Sau cùng mọi người
hãy kiểm điểm coi mình có trung thành với ý muốn của Chúa Kitô về Giáo Hội
không, để rồi hăng hái tiến hành việc canh tân và cải tổ đúng như bổn phận đòi
hỏi.
Khi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo
khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện tất cả các điều ấy dưới sự giám sát của các
chủ chăn tức là họ đã đóng góp cho việc thực hiện công bình và chân lý, sự hòa
thuận và hợp tác, tình huynh đệ và đoàn kết. Với đường hướng này, khi đã vượt
được mọi trở ngại ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn của Giáo Hội, dần dần mọi
Kitô hữu sẽ đoàn tụ qua việc cử hành Phép Thánh Thể duy nhất, hiệp nhất trong một
Giáo Hội độc nhất; sự hiệp nhất mà Chúa Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Giáo Hội
của Người. Chúng tôi tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Giáo Hội Công
Giáo và hy vọng rằng mỗi ngày sẽ bành trướng thêm cho đến tận thế". (Công Đồng
Vaticanô II Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, "Unitatis redintegratio " số 4)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Sống Lời Chúa:
“Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của kẻ dám thí cả mạng
sống mình vì người mình yêu thương” (Ga 15, 13)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng
con được hiệp nhất. Xin cho chúng con biết thể hiện tinh thần hiệp nhất giữa
chúng con bằng sự biết cộng tác với nhau trong những việc làm chung, để xây dựng
nhiệm thể cộng đoàn nhỏ bé, trong tình huynh đệ tương thân tương ái. Chúng con
tin tưởng vào lời Chúa hứa mà chúng con đã đọc trước bài Tin Mừng, đó là được ở
với Chúa đến muôn đời.
Lẽ sống:
Ðôi cánh con Tuấn Mã
Hai người bạn thân ngồi bên nhau
dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng trước mặt, nhưng
mỗi người một ý nghĩ.
Người có dáng vẻ đầy nghị lực,
cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: "Một cảnh vật phẳng lặng và độc điệu
như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để làm
một vòng du lịch cho biết đó biết đây".
Người bạn khác với dáng điệu mảnh
khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói: "Tôi cũng
có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu nơi
rồi".
Hai người chia tay nhau và hẹn
cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du lịch của
mình.
Sau một năm, họ lại gặp nhau...
người thứ nhất kể chuyện: "Trong một năm qua, hầu như nơi nào tôi cũng đã đặt
chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp không
biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền... Giờ đây,
tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch... Còn bạn, bạn đã đi được nơi
nào trong suốt năm qua?".
Người bạn chưa từng rời bỏ ngôi
làng của mình đã trả lời: "Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên các tầng
mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời". Nghe thế, người kia thắc mắc:
"Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?".
Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời: "Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi
cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn
kỳ công của vũ trụ. Tai tôi nghe được muôn điệu nhạc
của thiên nhiên... Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc. Nhưng đối
với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ
ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng
phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên
nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên mà anh
không thể nghe được".
Người có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người
khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những điều mà người khác không
cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin có thể nhìn thấy các giá trị
mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự
hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người.
Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của
những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ
khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái
yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống
trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét