Thánh Hen-ri-cô
PHÚC ÂM: Mt 11,25-27
"Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều
ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn". (Mt 11,25)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói :
"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không
cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những
người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi.
Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa
Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
Suy niệm:
Cần trở
nên bé mọn
Những kẻ thông
thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt
Phái đang đứng trong hàng lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến
với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am
tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có
thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa
Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người
chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường,
là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".
Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa,
nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có
thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã
giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những
người bé mọn".
Chúng ta cần trở
nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với
Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một
vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học
cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông
thái. Ðức tin là
một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người.
Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động
về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp,
đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là
kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm
Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa:
Đoạn Tin Mừng hôm nay được tiếp nối đoạn
Tin Mừng hôm qua cho thấy, Chúa Giêsu đã lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha đã
mặc khải Tin Mừng cho những người bé mọn, tức là những người “nghèo trong tinh
thần” mà được Chúa nói lên trong tám mối phúc thật (bát phúc), là những người tội
lỗi, những người ít học.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con là kẻ tội lỗi. Trong chúng con không có gì thiện hảo. Xin
giúp chúng con biết nhìn đúng sự thật khách quan thân phận của mình. Xin cho
chúng con biết sống tâm tình tạ ơn trước những hồng ân được lãnh nhận và càng
khiêm tốn hơn, vì tất cả đều là hồng ân.
Lẽ sống:
Niềm vui và kho tàng
Theo một bảng thống
kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium.
Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem
chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực
trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và
vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng
không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây
chết.
Người Ai Cập thời
cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho
hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui
cho người khác không?". Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời
cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời
của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của
họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia,
người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào
cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau:
"Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của
tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc
như nhảy múa trước ngòi bút của tôi". Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa,
không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính
là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.
Trong quyển sách có tựa đề "Những sự
thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Ðức
Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm
vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho
người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui
là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của
niềm vui".
Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng
có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm
cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh. Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không
biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người "vui lòng",
nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người
khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải
làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những
chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng
những chịu đựng vui tươi của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét