PHÚC ÂM: Mt 9, 14-17
"Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với
họ". (Mt 9,15)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại
hỏi Đức Giê-su rằng : "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay,
mà môn đệ ông lại không ăn chay ?" 15 Đức Giê-su trả lời : "Chẳng lẽ khách
dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới
ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng
vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da
cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì
đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai."
Suy niệm:
Thái độ dứt khoát
Phanxicô được mệnh
danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những
gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên bước đường
theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo
Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì
huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm
nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong
khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày
chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như
thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một
số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự
hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người
mong đợi.
Theo truyền thống
Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế.
Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và
mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng
Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ
không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống
bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của
Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa
Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho
Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng
thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không
pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Sống Lời Chúa:
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu
của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như
thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống
trong tôi".
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã đến để tái tạo chúng con. Thánh Thần của Chúa đã được sai đến
làm cho chúng con thành con người mới, mang một trái tim mới. Xin cho chúng con
biết thay đổi, biết từ bỏ con người ích kỷ, tham vọng của chúng con để sống bằng
tinh thần yêu thương, bác ái và công bình của Chúa. Như thế chúng con mới xứng đáng
lãnh nhận ơn cứu độ và được ở trong Nước Hằng Sống.
Lẽ sống:
Ðấng cứu thế đang có mặt
Ngày kia, có một
đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với
tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu
viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm
Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào
cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn
phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống
vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng
kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện
phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này?
Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng
đoàn?
Sau khi nghe đức
viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng
đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như
sau: "Ðấng Cứu
Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận
ra Ngài".
Nhận được lời giải
thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng
ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang
mượn hình dáng để trở lại với loài người?". Cả tu viện chỉ có tất cả không
đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một
con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện:
có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn
tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang
thành một người nào đó trong cộng đoàn...
Với niềm xác tín
ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu
Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và
ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng
Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi
người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau
như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ,
sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc
được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm
và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...
Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối
xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ
không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa
trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa
trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong
xã hội.
Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ
con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một
bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ
Thiên Chúa, con người cũng trà đạp con người...
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên
Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay,
con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi.
Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một
con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với
con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét