Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - 10.07.2016 - NĂM C

Phúc Âm : Lc 10,25-37
"Ai là anh em của tôi?" (Lc 10,37)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." 
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30 Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Suy niệm:
Ngụ ngôn về Tình Yêu

Chuyện kể rằng ngày xưa, có một hòn đảo - nơi có tất cả mọi cảm xúc sinh sống : Hạnh phúc, Giàu có , Nỗi buồn , Tri thức và những cái khác bao gồm cả Tình yêu.
Một ngày kia , các cảm xúc được thông báo rằng hòn đảo sẽ chìm. Vì vậy tất cả đều đóng thuyền và rời đi ngoại trừ Tình yêu. Tình yêu là người duy nhất ở lại.
Tình yêu muốn chống chọi đến giây phút cuối cùng. Khi hòn đảo sắp chìm, Tình yêu mới quyết định nhờ giúp đỡ. Sự giàu có đi ngang qua trên 1 chiếc thuyền rất lớn, Tình yêu nói : " Giàu có ơi , có thể đưa tôi đi cùng không ? " Giàu có trả lời : " tôi không thể, trong thuyền có rất nhiều vàng bạc, đây không có chỗ cho anh đâu " . Tình yêu bèn quyết định nhờ Phù hoa , người cũng đi qua trên một con tàu rất đẹp . " Phù hoa ơi , hãy giúp tôi !". "Tôi không thể giúp anh Tình yêu ạ ! Anh quá ẩm ướt và có thể sẽ làm hỏng tàu tôi" Phù hoa trả lời.
Nỗi buồn đang ở gần đó, Tình yêu nói: "Nỗi buồn ơi! Hãy cho mình đi với cậu". "Ôi Tình yêu, mình buồn quá, mình chỉ muốn được ở một mình". Bỗng nhiên có 1 tiếng gọi: "Lại đây Tình yêu. Ta sẽ đưa cháu đi", đó là 1 người lớn tuổi. Quá vui mừng và sung sướng, Tình yêu quên cả hỏi xem họ đi đâu. Khi đến 1 miền đất khô ráo, người lớn tuổi ấy lại tiếp tục đi con đường của mình.
Tình yêu hỏi Tri thức - một người lớn tuổi khác.
- Ai vừa giúp cháu vậy ?
- Đó là Thời gian - Tri thức trả lời.
- Thời gian ư ? - Tình yêu hỏi - Nhưng tại sao lại giúp cháu.
Tri thức mỉm cười khôn ngoan rồi nói: "Bởi lẽ chỉ có Thời gian mới hiểu được giá trị của Tình yêu".
Người ta nói rằng: “Bạn chưa cần đến 3 giây để nói "I love you", chưa đến 3 phút để giải thích câu nói ấy, chưa đến 3 ngày để cảm nhận được ý nghĩa của nó, nhưng để chứng minh câu nói đơn giản ấy thì cả cuộc đời vẫn là chưa đủ”.
Thực vậy, đâu dễ để nói “I Love you” với người xa lạ, càng đâu dễ để thổ lộ với người thù ghét chúng ta. Xem ra con người còn cần nhiều thời gian để thấy giá trị của tình yêu, để có thể sống cho tình yêu. Con người còn cần nhiều thời gian để học yêu thương và thực hành yêu thương. Con người phải học cách yêu thương ngay cả với những con người còn khiếm khuyết, còn bất toàn, đôi khi còn phải yêu thương ngay cả những kẻ xa lạ và thù nghịch với chúng ta.
Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy có tình yêu thương với mọi phận người. Tình yêu sẽ làm cho từ xa lạ trở nên thân cận với nhau. Tình yêu sẽ phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị bởi chính trị, tôn giáo, màu da sắc tộc. Tình yêu sẽ làm cho con người thêm gần gũi nhau và hợp nhất với nhau. Tình yêu mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ nhau. Không phân biệt giai cấp. Không phân biệt tôn giáo như người Samaria năm xưa đã làm. Tình yêu giúp người ta dễ dàng cúi xuống phục vụ mà không so đo tính toán thiệt hơn.
Ky-tô giáo là đạo của yêu thương. Xin cho chúng ta luôn biết thể hiện niềm tin của mình bằng hành vi yêu thương người thân cận. Người thân cận được hiểu là người ta đang sống, đang gặp gỡ, đang mời gọi chúng ta cảm thông, nâng đỡ, yêu thương. Xin cho chúng ta đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ nặng trĩu bông lúa vàng yêu thương. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con rằng: không phải những người cứ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa.." là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào mà thôi. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời sống đạo hàng ngày.

Lẽ sống:
Lời lãi cả thế gian để làm gì ?

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.
Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.
Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: "Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn".
Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: "83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ".
Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nào.
Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn... Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: "Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?". Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời... Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.
Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này. Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét