Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN 31.07.2016 - NĂM C

Phúc Âm : Lc 12, 13-21
“Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam”. (Lc 12,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." 14 Người đáp : "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?" 15 Và Người nói với họ : "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." 
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng : 'Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !' 18 Rồi ông ta tự bảo : 'Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !' 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : 'Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?' 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Suy niệm:
Đời Phù Du Hay Đời Thiên Thu

Con người ngày nay xem ra họ rất cần tiền và chỉ cần tiền. Vì tiền mà họ bỏ rơi nhau, làm hại nhau, có khi loại trừ nhau. Có những gia đình ngày xưa nghèo chỉ ăn mắm muối mà hạnh phúc bên nhau, nay có lắm tiền nhiều của thì tranh giành lẫn nhau và xa rời nhau. Có những bạn bè khi cơ hàn là bạn chí cốt của nhau đến khi giầu sang lại quên đi tình nghĩa năm xưa. Có những mối tình phải ngậm ngùi chia tay chỉ vì đồng tiền xem trọng hơn con người mình yêu.
Cuộc đời vẫn là thế! Tình người dễ thay trắng đổi đen. Có thể vì một chút bổng lộc mà làm hại lẫn nhau. Người ta sống như thể không bao giờ chết. Sống giành giựt lẫn nhau. Bon chen, lừa đảo và làm hại lẫn nhau chỉ vì tiền. Một cuộc sống đề cao đồng tiền thì khác chi một chiến trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Một cuộc sống chỉ lo tranh giành làm sao có giây phút tận hưởng cuộc sống mà Chúa đã tặng ban?
Tôi nhớ có một bài thơ của ai đó viết rằng:
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ !
Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay !
Nhưng rồi với những ngày tháng tất bật ngược xuôi đã giúp con người khám phá ra sự thật của kiếp người. Một kiếp con người thật mong manh, thật phù dù!
Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay
Nếu hiểu rằng cuộc đời là phù du thì xin đừng tranh chấp, đừng tích lũy của cải phù vân. Hãy sống cho vui vẻ với cuộc đời và với mọi người:
Cuộc đời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và đâu biết ngày mai ?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi
Và hãy sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau thay cho những bon chen ganh ghét, hận thù nào có ích chi?
Thì người ơi! Xin ðừng ganh đừng ghét
Ðừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui
Nếu ta biết sống cho nhau và vì nhau, ta sẽ không bao giờ nuối tiếc vì cuộc đời đã qua. Con người chỉ tiếc nuối khi mình sống quá ích kỷ mà làm tổn thương đến đồng loại mà thôi.
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì ðời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen
Con người cần phải hiểu được nguyên lý của tạo vật : là cát ta sẽ về với bụi, lúc đó ta mới sống không bon chen, không tích lũy, nhưng luôn yêu thương quảng đại trao ban cho tha nhân.
Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai nhân vật tiêu biểu cho hai loại người hôm nay: tham quyền và tham tiền. Kẻ tham quyền thì dùng quyền bính để ăn chận tài sản người khác. Kẻ tham tiền thì lo vun quén cho đầy kho. Mẫu số chung của cả hai loại người này là  ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và không màng tới tha nhân, cho dù đó là người thân của mình. Người anh đã dùng quyền bính để khước từ việc chia gia sản cho người em. Người phú hộ vì tham tiền nên chỉ lo nghĩ đến việc tích góp của cải đến nỗi không còn thời giờ dành cho tha nhân. Họ tham tiền, tham quyền đến mức độ coi tha nhân là kẻ thù, là kẻ đang tranh giành địa vị và tiền tài với mình. Họ không cần tình bạn, họ chỉ cần tiền. Họ không cần người thân, họ chỉ cần kho lẫm chất đầy vàng dư. Họ đâu hiểu được rằng tất cả chỉ là phù vân. Sự sống đời sau mới là vĩnh cửu. Và sự sống vĩnh hằng không thể mua bằng tiền bạc, càng không thể tìm kiếm bằng vũ lực mà bằng lòng nhân nghĩa. Lòng nhân nghĩa đối với đồng loại bao hàm tinh thần yêu thương và phục vụ.  Yêu thương nên sẵn lòng dấn thân và phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Yêu thương nên sẵn lòng nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau. Yêu thương nên sẵn lòng hy sinh bản thân mình để tìm niềm vui trong phục vụ tha nhân.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dùng gia sản là tài năng và khả năng của mình để mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Xin đừng tích lũy kho báu hư nát đời này mà hãy tích lũy công đức cho đời sau. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, dù có nhiều hay ít của cải, nhưng xin cho con cũng biết chia sẻ cho người khác để con được thực sự giàu có trước mặt Chúa.

Lẽ sống:
Tiếng kêu của ếch

Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: "Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?".
Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: "Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?". Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: "Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?".
Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: "Nào, hãy hát lên đi". Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.
Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.
Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét