Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Lời Chúa: Thứ Sáu 22.07.2016 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN – Năm C

THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA, NGƯỜI ĐƯỢC YÊU NHIỀU
Thánh Maria Mađalêna, người phụ nữ được xem là tội lỗi, đã được Chúa yêu nhiều, Ngài đã sống hết mình cho tình yêu. Tin Mừng thánh Marcô thuật lại rằng:” Khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình, Ngài đã phải vác thập giá tiến lên đồi Gôngatha, các môn đệ tản mác như rắn bị mất đầu, họ không dám tới gần Chúa Giêsu mà chỉ ở đâu xa khuất bóng. Tại Gongôttha thánh Marcô viết:” Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Gio-xết, cùng bbà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó”( Mc 15, 40-41 ). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, thánh Marcô cũng thuật lại rằng:”...vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.”( Mc 16, 9 ). Thánh nữ Maria Mácđala vì được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ban ơn tha thứ, Người đã theo Chúa trên khắp các nẻo đường
loan báo Tin Mừng. Vì yêu nhiều, vì cảm nghiệm lòng Chúa xót thương, thánh nữ đã có mặt trong nhiều biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Giêsu:” Người đã có mặt dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và thánh Gioan khi các môn đệ đều sợ sệt chạy trốn. Khi mai táng Chúa Giêsu, thánh nữ và bà Maria vợ ông Cléophas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa. Chính vì thế, thánh nữ đã được diễm phúc là người đầu tiên được Chúa phục sinh hiện ra và trao sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ( Mc 16, 10, Ga 20, 17 ). Thánh nữ Maria Mađalêna quả có  phúc vì được Chúa thương tha thứ và ban cho bà ơn huệ đặc biệt quay về với Thiên Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-8, 11-18
"Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" (Ga 20,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : "Này bà, sao bà khóc ?" Bà thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : "Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà : "Ma-ri-a !" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : "Ráp-bu-ni !" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). 17 Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ' Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em '." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Suy niệm:
Phúc cho ai sầu khổ

Bà Maria Mác-đa-la khóc. Có lẽ bà đã khóc nhiều, vì bà từng theo Thầy suốt hành trình đến núi Sọ; rồi dưới chân thập giá, bà đã chứng kiến tất cả những điều bất công, cũng như sự độc ác của những kẻ chống đối Thầy. Tưởng chừng như bấy nhiêu đã quá đủ, thế mà buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà còn chứng kiến thêm một cảnh tượng càng hãi hùng hơn: “người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi” (Ga 20,13). Bà khóc vì thương Thầy. Bà khóc vì cảm thấy bất lực trước sự leo thang của sự dữ. Nhưng điều bà không thể ngờ, là Thiên Chúa có thể vẽ nên đường thẳng từ những nét cong: tội A-đam đã nên tội hồng phúc; cái chết của Đức Kitô trở thành phương thế cứu độ; và nỗi sầu khổ của bà Maria Mác-đa-la đã biến thành niềm vui, để rồi bà trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Đúng như lời thánh Phao-lô đã nói: “những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).

Sống Lời Chúa:
Sau tiếng gọi của Đức Giêsu, bà Maria bừng tỉnh, vì quá vui sướng bà đã có ý định giữ lấy Chúa. Song biết ý của bà, Chúa Giêsu nói với bà: “Đừng giữ Thầy lại…”. Câu nói của Đức Kitô không đơn thuần dành cho Maria, nhưng nhắn nhủ đến tất cả chúng ta, những người Kitô hữu được đón nhận niềm vui phục sinh của Chúa. Công giáo tự bản chất là đạo cho tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, vì vậy niềm vui phục sinh, niềm vui cứu độ, tâm điểm của đức tin Công giáo cũng phải là niềm vui phổ quát dành cho toàn nhân loại. Mang danh Kitô hữu là gắn kết bản thân với sứ vụ của Đức Giêsu: đừng giữ thầy lại, nhưng hãy ra đi sẻ chia niềm vui phục sinh của Thầy cho muôn dân.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu ! Xin cho chúng con biết Chúa, không phải chỉ qua đôi mắt, đôi tai hời hợt bên ngoài, nhưng bằng con tim sâu thẳm chứa chan tình thương. Để rồi những lời chúng con nói về Chúa sẽ là những lời chân thật phát xuất từ cõi lòng hân hoan, với ước mong chia sẻ niềm vui cứu độ của Chúa cho toàn nhân loại.

Lẽ sống:
Người bị mạo nhận

Ngoại trừ Mẹ của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.
Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.
Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.
Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".
Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".
Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời. Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét