Thánh Bô-na-ven-tu-ra, giám mục,
tiến sĩ Hội Thánh
Chào
đời khoảng năm 1218 ở Ba-nho-rê-gi-ô, tỉnh Vitécbô, Bônaventura theo học triết
lý rồi thần học ở Paris, sau đó dạy các tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn. Khi được chọn
làm tổng phục vụ, người đã chu toàn nhiệm vụ một cách khôn ngoan, đã soạn thảo
hiến chương nhằm giúp anh em sống luật dòng thánh Phanxicô. Là một nhà thần học
sâu sắc, theo trường phái thánh Augustinô, người nghiên cứu và giảng dạy lộ
trình đưa linh hồn về với Thiên Chúa. Được đặt làm hồng y giám mục Anbanô. Người
qua đời năm 1274 giữa lúc Công Đồng Lyon đang họp.
PHÚC ÂM: Mt 12,1-8
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu
cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội”. (Mt 12, 7)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu
1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua
một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi,
các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !" 3 Người đáp : "Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã
làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh
này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày
sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao
? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền
Thờ nữa. – 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ
đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."
Suy niệm:
Tinh thần vụ hình thức
Cuộc tranh luận
trên của Chúa Giêsu với những người biệt phái được tường thuật cách đầy đủ
trong cả bốn Phúc Âm, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu này thì tác giả xem ra muốn
lưu ý độc giả hai điểm: thứ nhất là lòng nhân từ ưu tiên trên việc thực hành những
việc đạo đức và thứ hai là quyền hành của Chúa Giêsu vượt lên trên những việc đạo
đức.
"Ta ưa thích lòng nhân từ chứ không ưa
thích của lễ".
Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của ta đối với anh chị em. Cần
hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ lo xét đoán anh chị em theo những việc
bề ngoài. Hơn nữa, những việc đạo đức trong đó có việc nghỉ ngày sabát là để
con người đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đang hiện diện giữa
các tông đồ, Người làm cho những việc đạo đức khác trở thành thứ yếu, bởi vì một
khi đã đạt đến mục tiêu là sống hiện diện với Chúa rồi, thì những phương tiện,
những việc đạo đức phải nhường chỗ. Nếu các biệt phái chấp nhận rằng các thầy tư
tế làm việc trong đền thờ vào ngày nghỉ sabát sẽ không lỗi luật nghỉ sabát, thì
những đồ đệ của Chúa Giêsu lỗi luật ngày sabát sao được vì đã có Chúa bên cạnh
họ rồi.
"Ðây có Ðấng cao trọng hơn đền thờ". Chúa Giêsu dùng
việc tranh luận để mạc khải về chính mình là Ðấng cao trọng hơn đền thờ, là Ðấng
Thiên Sai, Ðấng dĩ nhiên có quyền trên ngày sabát. Ước chi chúng ta đừng xét xử anh chị em qua những
việc đạo đức bên ngoài. Những việc làm này là điều tốt, đáng làm, nhưng không
phải là tiêu chuẩn tuyệt đối để ta dựa vào mà xét xử anh chị em. Lòng nhân từ
thì quan trọng hơn.
Sống Lời Chúa:
Đoạn Tin Mừng
ghi lại cảnh khi Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi ngang qua một cánh đồng lúa, các
môn đệ thấy đói nên bứt lúa mà ăn. Hành động này của họ đã bị người Pharisêu bắt
gặp và phê phán là đã vi phạm luật ngày Sabat. Người Pharisêu vốn nổi tiếng là
giữ luật cách nghiêm ngặt. Đối với họ càng giữ luật khít khao bao nhiêu thì
càng công chính trước mặt Thiên Chúa bấy nhiêu. Chúa Giêsu nhắc nhở họ đừng cứng
nhắc trong việc giữ luật mà quên đi cái chính yếu nằm đằng sau những luật lệ
khô khan kia, đó là yêu mến Thiên Chúa và thực thi lòng nhân nghĩa với tha
nhân. Chúa Giêsu còn nhắc lại lời của ngôn sứ Hôsê: “Vì Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ, thích được
các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu.” (Hs 6,6)
Cốt lõi của lề
luật mà Thiên Chúa đã ban cho Dân Do thái, qua ông Môsê, là lòng nhân. Đây là
thái độ Thiên Chúa đòi con người phải có khi đối xử với nhau, đặc biệt là với
những người bất hạnh và khổ đau. Có như vậy lề luật mới thể hiện đúng tinh thần
của nó. Lề luật được ban hành là để con người biết mến Chúa và yêu người nhiều
hơn.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy đổi mới con người chúng con. Xin ban cho chúng con một trái
tim mới. Một trái tim biết yêu thương, yêu Chúa và yêu người. Xin hãy lấy khỏi
mình chúng con trái tim bằng đá và ban cho chúng con một trái tim bằng thịt,
trái tim của lòng thương xót của Chúa.
Lẽ sống:
Dây chuyền của
liên đới
Một người Ả Rập
nọ có một con ngựa rất đẹp... Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng
giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ
chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải
nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.
Biết người chủ
ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm
rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn
nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy
thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.
Khi người chủ ngựa
vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: "Ðã mấy ngày nay, tôi
không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa". Nghe
thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa.
Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình... Hắn giựt dây
cương và thúc vào hông ngựa mà chạy... Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết
nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất
lương như sau: "Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua
cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo
ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người
bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ
không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa".
Dè dặt, thủ thế,
nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang sống dưới chế độ
độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng người mỗi ngày một
thêm khép kín... Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài ra và quấn lấy con
người.
Mỗi một hành động
xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho người khác.
Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm hại một vài
người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của không biết bao
nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ xúc phạm đến người
trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng tự ái của nhân
loại... Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn rên rỉ vì một vết
thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôi. Người Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận
hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận mọi người như anh em của mình.
Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng đến người anh em của
chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính là niềm đau của chúng ta, hạnh
phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét