Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Lời Chúa: Thứ Hai 01.08.2016 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN – Năm C

Thánh Alphongsô Maria Liguori, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh - trinh nữ, tử đạo - Lễ nhớ
Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.

PHÚC ÂM: Mt 14, 13-21
"Mọi người đều ăn no". (Mt 14, 10,20)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
13 Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. 
15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." 16 Đức Giê-su bảo : "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." 17 Các ông đáp : "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !" 18 Người bảo : "Đem lại đây cho Thầy !" 19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

Suy niệm:
Được Thiên Chúa nuôi

Đức Giêsu không nói để họ tự lo, tự túc.
Người không hỏi họ có gì để mua của ăn.
Người không nói phải lựa lọc ra! Ai là kẻ lắng tai nghe Chúa, ai không, ai giầu ai nghèo, ai trẻ ai già, đàn ông, đàn bà, ai thông thái, ai có đức tin, ai nô lệ ai tự do, ai ngu đần, chỉ theo Chúa vì tò mò, vì chế diễu.
Đức Giêsu không đặt vấn đề phân biệt.
Người truyền cho đám đông ngồi xuống trên cỏ và họ được Thiên Chúa cho ăn no nê.
Nhờ kẻ đã đưa cho Người chút ít, chỉ chút xíu thôi dâng cho Người, đủ cho Người tạ ơn Chúa Cha để làm phép lạ bánh ra nhiều cho đám đông hưởng dùng dư dật.
Điều đáng ngạc nhiên bánh hóa nhiều cho đám đông, rất đông đã tụ họp lại chỉ trong một vài giờ, đã trở thành một cộng đồng lớn rất ổn định để dự bữa ăn này.
Họ không còn cần gì nữa, các môn đệ đã cung cấp tất cả: tất cả! Tôi nghĩ đến những tổ chức bác ái giúp người nghèo, giúp các nơi truyền giáo.
Những tổ chức đó cần chúng ta đóng góp, nhưng chẳng đủ cho tất cả! công việc tông đồ bớt đi, mất mát dần mòn vì còn thiếu quá nhiều!
Đức Giêsu là trung tâm, là nguồn mọi ơn phúc, Người ban Lời và bánh.
Rồi đến đoàn môn đệ nhỏ bé sống quanh Người, các vị đó đã cho dân chúng tất cả mọi sự vì hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa, các vị rất giống Đức Kitô, đã thông ban ơn Chúa cho tất cả. Các vị là những kẻ nối dài cánh tay của Chúa.

Sống Lời Chúa:
Người Kitô hữu chúng ta không chỉ làm công tác xã hội. Năm chiếc bánh và hai con cá do đóng góp và san sẻ của chúng ta cần phải đi đôi với niềm tin và lời cầu nguyện. Với niềm tin và lời cầu nguyện, chúng ta hãy xác tín rằng cách nào đó, Chúa hằng nhậm lời chúng ta và chắc chắn phép lạ luôn diễn ra. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày".
Ước gì những cố gắng chia sẻ và trao ban của chúng ta luôn được thực thi bằng tất cả niềm tin và lời cầu nguyện. Ước gì niềm tin và lời cầu nguyện của chúng ta cũng được thể hiện bằng những nghĩa cử cụ thể của chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa: "Các con hãy cho họ ăn đi." Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho cả nhân loại.

Lẽ sống:
Bài giảng của vị giáo trưởng

Trong một thị trấn nhỏ bên Liên Xô. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Ðã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại cư ngụ trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm một lần. Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi người chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải đáp.
Khi ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng đang trong tư thế giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong phòng họp, vị giáo trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi lâu, ông bỗng ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo trưởng lại cất tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo ông... Mọi người tưởng nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói lên những lời vàng ngọc.
Nhưng không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi bục giảng và bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa cũng bước ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp chân lôi kéo mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà họ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân, cùng nắm tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm thông, hiệp nhất...
Khi các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: "Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em".
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác...
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người,
có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người,
có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình...




Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN 31.07.2016 - NĂM C

Phúc Âm : Lc 12, 13-21
“Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam”. (Lc 12,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." 14 Người đáp : "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?" 15 Và Người nói với họ : "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." 
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng : 'Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !' 18 Rồi ông ta tự bảo : 'Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !' 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : 'Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?' 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Suy niệm:
Đời Phù Du Hay Đời Thiên Thu

Con người ngày nay xem ra họ rất cần tiền và chỉ cần tiền. Vì tiền mà họ bỏ rơi nhau, làm hại nhau, có khi loại trừ nhau. Có những gia đình ngày xưa nghèo chỉ ăn mắm muối mà hạnh phúc bên nhau, nay có lắm tiền nhiều của thì tranh giành lẫn nhau và xa rời nhau. Có những bạn bè khi cơ hàn là bạn chí cốt của nhau đến khi giầu sang lại quên đi tình nghĩa năm xưa. Có những mối tình phải ngậm ngùi chia tay chỉ vì đồng tiền xem trọng hơn con người mình yêu.
Cuộc đời vẫn là thế! Tình người dễ thay trắng đổi đen. Có thể vì một chút bổng lộc mà làm hại lẫn nhau. Người ta sống như thể không bao giờ chết. Sống giành giựt lẫn nhau. Bon chen, lừa đảo và làm hại lẫn nhau chỉ vì tiền. Một cuộc sống đề cao đồng tiền thì khác chi một chiến trường cạnh tranh đầy khốc liệt. Một cuộc sống chỉ lo tranh giành làm sao có giây phút tận hưởng cuộc sống mà Chúa đã tặng ban?
Tôi nhớ có một bài thơ của ai đó viết rằng:
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ !
Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay !
Nhưng rồi với những ngày tháng tất bật ngược xuôi đã giúp con người khám phá ra sự thật của kiếp người. Một kiếp con người thật mong manh, thật phù dù!
Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay
Nếu hiểu rằng cuộc đời là phù du thì xin đừng tranh chấp, đừng tích lũy của cải phù vân. Hãy sống cho vui vẻ với cuộc đời và với mọi người:
Cuộc đời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và đâu biết ngày mai ?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi
Và hãy sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau thay cho những bon chen ganh ghét, hận thù nào có ích chi?
Thì người ơi! Xin ðừng ganh đừng ghét
Ðừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui
Nếu ta biết sống cho nhau và vì nhau, ta sẽ không bao giờ nuối tiếc vì cuộc đời đã qua. Con người chỉ tiếc nuối khi mình sống quá ích kỷ mà làm tổn thương đến đồng loại mà thôi.
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì ðời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen
Con người cần phải hiểu được nguyên lý của tạo vật : là cát ta sẽ về với bụi, lúc đó ta mới sống không bon chen, không tích lũy, nhưng luôn yêu thương quảng đại trao ban cho tha nhân.
Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy hai nhân vật tiêu biểu cho hai loại người hôm nay: tham quyền và tham tiền. Kẻ tham quyền thì dùng quyền bính để ăn chận tài sản người khác. Kẻ tham tiền thì lo vun quén cho đầy kho. Mẫu số chung của cả hai loại người này là  ích kỷ, chỉ lo cho bản thân và không màng tới tha nhân, cho dù đó là người thân của mình. Người anh đã dùng quyền bính để khước từ việc chia gia sản cho người em. Người phú hộ vì tham tiền nên chỉ lo nghĩ đến việc tích góp của cải đến nỗi không còn thời giờ dành cho tha nhân. Họ tham tiền, tham quyền đến mức độ coi tha nhân là kẻ thù, là kẻ đang tranh giành địa vị và tiền tài với mình. Họ không cần tình bạn, họ chỉ cần tiền. Họ không cần người thân, họ chỉ cần kho lẫm chất đầy vàng dư. Họ đâu hiểu được rằng tất cả chỉ là phù vân. Sự sống đời sau mới là vĩnh cửu. Và sự sống vĩnh hằng không thể mua bằng tiền bạc, càng không thể tìm kiếm bằng vũ lực mà bằng lòng nhân nghĩa. Lòng nhân nghĩa đối với đồng loại bao hàm tinh thần yêu thương và phục vụ.  Yêu thương nên sẵn lòng dấn thân và phục vụ vì lợi ích của tha nhân. Yêu thương nên sẵn lòng nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau. Yêu thương nên sẵn lòng hy sinh bản thân mình để tìm niềm vui trong phục vụ tha nhân.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết dùng gia sản là tài năng và khả năng của mình để mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Xin đừng tích lũy kho báu hư nát đời này mà hãy tích lũy công đức cho đời sau. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, dù có nhiều hay ít của cải, nhưng xin cho con cũng biết chia sẻ cho người khác để con được thực sự giàu có trước mặt Chúa.

Lẽ sống:
Tiếng kêu của ếch

Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: "Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?".
Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: "Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?". Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: "Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?".
Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: "Nào, hãy hát lên đi". Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.
Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.
Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.





Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Lời Chúa: Thứ Bảy 30.07.2016 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN – Năm C

PHÚC ÂM: Mt 14,1-12
"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu". (Mt 14, 10,12)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
1 Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng : "Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả ; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ." 
3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4 Ông Gio-an có nói với vua : "Ngài không được phép lấy bà ấy." 5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng : "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm." 9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

Suy niệm:
Quả tim nhu nhược

Cuộc đời của Hêrôđê bắt đầu trượt dài từ ngày vua dụ dỗ em dâu mình ở Rôma. Để cưới người em dâu Hêrôđia, vua đã thẳng tay ly dị người vợ đang chung sống với mình. Bị ông Gioan Tẩy Giả quở trách vì hành vi loạn luân ấy, vua lại bắt ông Gioan đem tống ngục. Rồi cuối cùng trong bữa tiệc sinh nhật vui vẻ, vua lại lỡ lời thề thốt với con gái của bà Hêrôđia. Điều đáng trách hơn nữa là vua thà phạm một tội ác tày trời còn hơn là hủy bỏ một lời thề bốc đồng lúc “trà dư tửu hậu” với một cô gái trẻ. Vua sợ tiếng dư luận cười chê các vị khách hơn là sợ tiếng lương tâm quở trách. Biết điều mình làm là sai trái, nhưng vua vẫn không dám sửa đổi, vì quá yếu nhược. Rất tiếc cho một vị vua, chỉ vì một lỗi lầm kéo theo bao lầm lỗi tai hại khác!

Sống Lời Chúa:
Danh tiếng Chúa Giêsu lẫy lừng vì những lời giảng và hành động thật uy quyền đã đến tai Hêrôđê khiến ông ta sống bất an. Lương tâm cắn rứt đưa ông ta đến tư tưởng: Gioan tẩy giả tiếp tục sống trong Ðức Giêsu. Những ray rứt của một kẻ giết người lại nổi lên trong con người ông và lên án chính ông. Ðây chính là tâm trạng của những kẻ gây ra những điều gian ác. Tâm hồn họ đã đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa. Tiếng lương tâm cắn rứt chính là dấu chỉ Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi: Hãy hối cải.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chỉ vì ích kỷ, tự ái, ghen tương... mà Hêrôđê đã ám hại Gioan tẩy giả. Và cho đến ngày nay, những thói xấu đó vẫn làm chủ con người, và đã gây ra bao đau khổ cho tha nhân. Xin cho mọi người chúng con biết lắng nghe lời Chúa, biết phân biệt đâu là phải, trái, để có cách hành xử đúng với một con người, con người của Thiên Chúa.

Lẽ sống:
Người tử tù

Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.
Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.
Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: "Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?". Cô trả lời: "Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được".
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống... Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống.. Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.




Lời Chúa: Thứ Sáu 29.07.2016 TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN – Năm C

THÁNH NỮ MÁCTA - Lễ nhớ – Chiêm Niệm và Hoạt Ðộng
Mácta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua.
Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.

PHÚC ÂM: Ga 11,19-27
"Con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (Ga 11,27)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mattheu
19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." 23 Đức Giê-su nói : "Em chị sẽ sống lại !" 24 Cô Mác-ta thưa : "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." 25 Đức Giê-su liền phán : "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?"  27 Cô Mác-ta đáp : "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

Suy niệm:
Con vẫn tin

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy tiến trình niềm tin của Martha. Từ việc coi Đức Giêsu như một ngôn sứ đến việc tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Qua việc làm cho Lazarô sống lại, Đức Giêsu mạc khải chính Ngài là mục tử đem lại sự sống dồi dào cho dân. Điều kiện để đón nhận là ai sống và tin vào Thầy. Sau khi mạc khải Ngài là sự sống lại và là sự sống. Đức Giêsu hỏi Martha có xác tín vào điều đó không. Martha với câu trả lời rất xác quyết: “con vẫn tin”. “Con vẫn tin” nghĩa là trước đây con đã tin, hiện giờ con luôn tin và sau này lòng tin của con vào Thầy vẫn không thay đổi.
Quả thật Martha biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa bằng tất cả tấm lòng yêu mến hết tình, tin tưởng và phó thác trọn vẹn. Cả trong những lúc buồn bã nhất như tình cảnh vừa mất một người thân, thì Martha vẫn biết, vẫn tin và vẫn một lòng yêu mến tín thác vào tình thương của Thầy Giêsu. Cuộc đối thoại rất thân tình chứng tỏ mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và gia đình Bêtania rất keo sơn. Cuộc sống thường ngày của chúng ta, chúng ta đã gắn bó với Chúa ở mức độ nào ?
Chúa là sự sống lại và là sự sống, Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Ngài mong ước trao ban cho chúng ta sự sống và tình yêu của Ngài. Để mỗi người chúng ta được sống và sống dồi dào. Thử hỏi chúng ta có tin và sẵn sàng đón nhận ? Để sự sống của Ngài được lớn mãi trong ta và tình yêu của Ngài được lan tỏa đến tha nhân.

Sống Lời Chúa:
Hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh Martha, mẫu gương của sự phục vụ. Xin Chúa cho con cũng biết làm chứng cho tình yêu Chúa bằng việc xả thân phục vụ anh em. Vì hy sinh phục vụ là một trong những nét đẹp của người môn đệ Chúa. Và chính Chúa cũng đã nêu gương cho chúng con trước. Chúa đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã làm cho Lazarô sống lại. Xin Chúa ngày hôm nay cũng hãy phục hồi sự sống trong con. Sức sống của một người con Chúa mà nhiều lần con đã đánh mất vì thiếu niềm tin, thiếu tình yêu. Xác con còn sống nhưng hồn con thiếu bóng Chúa thì kể như con đã chết. Ước gì tình yêu Chúa luôn phủ lấp những khiếm khuyết trong con hầu giúp con hồi sinh và đổi mới.

Lẽ sống:
Một tiếng cám ơn

Trong một bài huấn đức ngắn ngủi trước khi đọc kinh truyền tin, Ðức Gioan Phaolô I, vị Giáo Hoàng của mỉm cười, đã kể một câu chuyện như sau:
Trong một gia đình nọ, một người đàn bà phải lo phục dịch cho một người chồng, một người anh và hai người con trai lớn. Bà phải làm tất cả mọi sự trong nhà: từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ đến quét dọn trong nhà. Một ngày Chúa Nhật nọ, sau một buổi sáng đi dạo ngoài trời trở về, những người đàn ông bỗng nhận thấy có một điều lạ trong nhà, bàn ăn đã được chuẩn bị cho bữa trưa, nhưng thay vì thức ăn, họ chỉ thấy toàn cỏ khô. Mọi người đều nhao nhao phản đối người đàn bà... Chờ cho mọi người im tiếng, người đàn bà mới bình tĩnh giải thích:
"Tất cả thức ăn đều có sẵn rồi, nhưng cho phép tôi được nói một điều. Tôi phải chuẩn bị thức ăn hằng ngày cho các người, tôi phải dọn dẹp trong nhà, tôi phải giặt giũ quần áo cho các người, tôi phải làm mọi sự trong nhà này, nhưng chưa bao giờ các người mở miệng khen lấy một tiếng, hay nói một lời cám ơn... Các người chỉ chực có một thiếu sót của tôi để la ó, phản đối mà thôi". Vô ơn là thái độ thường xuyên của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta dễ thấy những thiếu sót của người khác đối với chúng ta, nhưng chúng ta lại thiếu nhạy cảm đối với những gì người khác đang làm cho chúng ta. Một chút tế nhị, một chút cảm thông, một lời nói an ủi vỗ về, một tiếng cám ơn, đó là men làm dậy niềm vui trong cuộc sống của chúng ta.