Thánh Pio Pittrelcina, linh mục – Lễ nhớ
Cha
Pio thuộc dòng Capucino, tục danh là Francesco Forgione, sinh năm 1887 tại làng
Pietrelcina, tỉnh Benevento, nam Italia. Năm lên 5 tuổi chú bé hứa tận hiến cuộc
đời cho Chúa. Năm 1903 Francesco gia nhập dòng Capucino Morcone tại Benevento
và lấy tên dòng là Pio da Pietrelcina. Năm 1907 thầy Pio khấn trọn và năm 1908
lãnh các chức nhỏ, và chức Phụ Phó tế. Năm sau đó vì lý do sức khỏe phải về
quê, nhưng cũng được phong Phó tế, và năm 1910 với phép chuẩn của Tòa Thánh, thầy
được thụ phong Linh Mục. Ngày mùng 8 tháng 9 năm đó (1910) lần đầu tiên 5 dấu
thánh hiện diện trong thân thể cha và cứ định kỳ cha cảm thấy đau đớn, nhưng
các dấu thánh không lộ hiện ra bên ra bên ngoài. Ngày 20 tháng 9 năm 1917 Chúa
hiện ra với Cha Pio có 5 dấu thánh chảy máu, và cha Pio nhận được 5 dấu thánh
cuộc Khổ Nạn của Chúa.
Cha Pio qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968. Án phong
chân phước cấp giáo phận bắt đầu năm 1983 và kết thúc năm 1990. Bẩy năm sau Đức
Gioan Phaolô II ký nhận sắc lệnh liên quan tới các nhân đức anh hùng của cha.
Ngày mùng 2 tháng 5 năm 1999 cha được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước và
ngày 16 tháng 6 năm 2002 được tôn phong hiển thánh.
PHÚC ÂM: Lc 9, 1-6
"Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành
bệnh nhân". (Lc 9,2).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Đức Giê-su tập họp Nhóm
Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa
các bệnh tật. 2
Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3 Người
nói : "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền
bạc, cũng đừng có hai áo. 4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và
cũng từ đó mà ra đi. 5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi
thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." 6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc
loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Suy niệm:
Huấn lệnh truyền giáo
Ðược Chúa Giêsu
tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng
kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại
biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải
sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So với lần Chúa
sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai
người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền
năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai
đi trước để loan báo Ngài sắp đến.
Huấn lệnh cho các
Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất,
trên đường đi các
ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian,
chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn
từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được
lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan
phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống
đối các ông.
Mỗi thời đại có
những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như
cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ
nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày
nay, không
thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để
làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời
nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa.
Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ
không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với
giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ,
số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm
thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.
Có lần nhà hiền
triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một
khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông
đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây,
đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó
đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã". Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu
hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp
lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì
Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Dành thời giờ học hỏi Lời Chúa để sinh lợi cho bản
thân và rao giảng Lời Chúa cho tha nhân, xin Chúa cho có của cải vừa đủ để sinh
sống, xin Chúa cho đừng quá nghèo để sinh tật trộm cắp làm ô danh Chúa, xin
Chúa cho tránh cảnh quá giầu vì sẽ sinh ra tự tin kiêu căng, ngạo mạn rồi quên
Chúa, xin luôn ý thức về của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp cho cuộc sống
thăng hoa trở nên con Chúa, con Hội Thánh, Anh Em của nhau.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con hăng hái ra đi Loan Báo Tin Mừng của Chúa và tin
rằng, trên bước đường của chúng con luôn có Chúa đồng hành, chính Người là mục
tử chăn dắt chúng con, là ánh sáng soi đường chúng con đi.
Lẽ sống:
Cậu bé đau liệt trong bức tranh
Một trong những
bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ
trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi
Tabôrê.
Trong bức tranh,
người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn
thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của
bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan
trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng
thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang
quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm
đạm, mờ ảo.
Có lẽ danh họa
Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường
thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng
cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong
chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật
trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt,
Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ
về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu.
Phải chăng
Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say
sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại
đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo,
chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa gì đến lòng bác
ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một lời cầu nguyện
mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi
Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ
của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài
cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy
chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu. Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời
nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc
ngoài môi mép.
Người ta không
lên xe để ở mãi trên đó. Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy
mình. Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn
ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu
đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ,
đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức
tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp,
chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi
đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét