PHÚC ÂM: Lc 9, 46-50
"Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng
nhất". (Lc 9,48).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
46 Một
câu hỏi chợt đến với các ông : trong các ông, ai là người lớn nhất ? 47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự
hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48 và nói với các ông : "Ai tiếp đón
em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp
đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì
kẻ ấy là người lớn nhất."
49 Ông Gio-an lên tiếng nói : "Thưa
Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn
cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." 50 Đức Giê-su bảo ông : "Đừng ngăn
cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta !"
Suy niệm:
Người cao trọng nhất
Tin Mừng hôm
nay, thánh Luca cũng ghi lại sức mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một
số người có thể xua trừ ma quỉ và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã
được trao ban cho các môn đệ Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy
tiếp tục hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào
Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén
lút nhân danh Ngài để trừ quỉ, bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với
lòng tin vào quyền năng Ngài mà thôi.
Danh Chúa Giêsu
không những có sức mạnh chữa lành bệnh và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương
quan giữa con người. Chính nhân danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu
nguyện; chính nhân danh Ngài mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi;
chính nhân danh Ngài mà con người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn,
hèn kém như các trẻ em. Chúa Giêsu nói: "Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này
là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Câu nói của Chúa Giêsu cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục
sống trong Giáo Hội Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và
trong ký ức của dân tộc; Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội
sống bằng sức sống của Chúa Giêsu.
Người Kitô hữu
không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu, họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài.
Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu. Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động,
đến độ họ có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà
là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Chúng ta thường
nói đến tội kêu tên Chúa vô cớ, chúng ta nói đến tội xúc phạm Danh Chúa. Thực
ra, khi cuộc sống chúng ta chưa là thể hiện của sức sống Chúa Kitô trong chúng
ta; khi nhìn vào chúng ta, người ta chưa nhận ra Chúa Kitô đang sống trong
chúng ta, phải chăng đó không là một kiểu chúng ta kêu tên Chúa một cách vô cớ
và làm ô Danh Ngài?
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Các môn đệ tự hỏi xem ai
là người lớn nhất, và Chúa Giêsu đã trả lời: kẻ nhỏ nhất lại là kẻ lớn nhất.
Chúa muốn dạy ta rằng: người khiêm nhường phục vụ như Chúa là người lớn nhất
trong Nước Trời.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, như các môn đệ ngày xưa, con cũng thích địa vị và đi tìm chỗ nhất
cho mình. Con muốn hơn người khác và trở nên cao trọng bằng cách tự tôn mình
lên hơn là sống theo đường lối của Chúa. Sở dĩ con không áp dụng phương thế của
Chúa là vì con chưa hiểu được hình ảnh trẻ thơ bé nhỏ đối với Chúa lại cao đẹp
và vĩ đại biết bao. Chính thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu, hơn ai hết, đã chọn
cho mình con đường thơ ấu thiêng liêng, một con đường ngắn nhất để nên trọn
lành.
Lẽ sống:
Con vật đầu đàn
Một khách lữ
hành đi về những vùng núi xứ Tô Cách Lan, một hôm dừng chân lại bên cạnh một đàn
cừu. Bỗng ông ta chú ý đến một con cừu đang được người mục tử chăm sóc một cách
đặc biệt. Con vật nằm dài trên mặt đất. Chủ nó vừa vuốt ve vừa nói chuyện với
nó một cách dịu dàng, trong lúc tay vẫn không ngừng băng bó một chân của nó. Người
khách bộ hành lại gần và hỏi xem cho biết việc gì. Thoạt tiên, người chăn chiên
tỏ vẻ khó chịu vì phải trả lời. Nhưng sau đó vẻ thân mật của người bộ hành đã
làm cho anh vững lòng, vì thế anh ta không ngần ngại giải thích:
"Con cừu
này có những đức tính tuyệt hảo của một người hướng đạo. Khi còn lành mạnh, nó
luôn dẫn đầu đàn cừu, biết cách làm cho những con vật khác vâng lời nó và theo
nó. Khổ thay vì quá tự tin nên nó không theo lệnh của tôi và dẫn đàn cừu theo sở
thích riêng của nó. Tôi đã tìm đủ mọi cách để thay vào chỗ của nó một con đầu đàn
khác nhưng vô hiệu, vì hễ con nào có vẻ như muốn thay nó đều bị nó đánh và xua đuổi.
Tình trạng của đàn cừu do đó trở nên nguy ngập. Tôi buộc lòng phải áp dụng một
phương pháp khá đau đớn".
Nói đến đây người
chăn chiên ngừng lại như bị cảm xúc mạnh. Anh giải thích tiếp như sau:
"Tôi đành phải bẻ gãy chân nó. Kể từ lúc đó, con vật bị thương nên hoàn
toàn tùy thuộc vào tôi. Mỗi buổi sáng, tôi vác nó lên vai ra đồng cỏ. Và buổi
chiều về tôi lại vác nó trên vai đem về. Nó không thể tự mình đi ăn cỏ được. Vì
thế, từ một tháng nay, nó ăn giữa lòng bàn tay của tôi. Những săn sóc liên tục
của tôi đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết. Bây giờ có
lẽ nó hiểu rằng sau khi đã làm cho nó bị thương, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm
giảm bớt sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi cũng biết rằng sẽ không tìm được
trong tất cả đàn cừu một con cừu biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa,
khi nó khỏe mạnh, tôi sẽ phục hồi nó lại trong địa vị cũ của nó".
Hình ảnh trên đây
gợi lại phần nào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta. Cựu
ước đã không ngần ngại so sánh Thiên Chúa với một người mục tử. Người mục tử săn
sóc từng con chiên, người mục tử uốn nắn từng con chiên, người mục tử sửa trị từng
con chiên... Nhưng tất cả chỉ vì sự yêu thương đàn chiên của mình.
Thiên Chúa có thực
sự yêu thương chúng ta không? Ðó là câu hỏi mà chúng ta có quyền đặt ra trong
những mò mẫm tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống xem chừng như không diễn
ra một cách xuôi chảy cho từng người. Chúng ta không bao giờ được thỏa mãn hoàn
toàn. Ðau khổ, thất bại như những bóng mờ lúc nào cũng chực sẵn để ập phủ trên
chúng ta... Chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, tai ương đã trở thành như tất yếu
đối với chúng ta. Một Thiên Chúa nhân từ, một Thiên Chúa quan phòng, một Thiên
Chúa quyền năng lẽ nào lại để cho đau khổ đè bẹp con người?... Bí ẩn của đau khổ
luôn gợi lên trong chúng ta những thắc mắc về Tình Yêu của Thiên Chúa.
Người Kitô chúng
ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời trong Mầu Nhiệm Thập Giá của Ðức Kitô. Thánh
Gioan đã viết: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.
Và Người Con Một đó đã yêu đến nỗi đã tự phó nộp mình và chết trên thập giá. Tình Yêu của
Thiên Chúa gắn liền với Thập Giá của Ðức Kitô. Ðau khổ đã trở thành ánh sáng
chiếu rọi vào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nói như thế không có
nghĩa là Thiên Chúa muốn con người phải chịu đau khổ, Thiên Chúa cũng không tạo
ra đau khổ để sửa trị con người. Nhưng qua đau khổ, Thiên Chúa như muốn hé mở
cho con người thấy Ngài là Ðá Tảng, là nơi nương tựa duy nhất của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét